Đánh giá hiệu quả thực chất của các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Ba sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh Chính phủ cần đánh giá bổ sung hiệu quả thực chất của các chính sách, giải pháp ngắn hạn đã thực hiện và tác động lan tỏa của những chính sách, giải pháp dài hạn đã được ban hành, đặc biệt trong những tháng cuối năm 2021 để hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội.
Đánh giá cụ thể thất thoát, lãng phí trong công tác phòng, chống dịch
Cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022, trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ đánh giá bổ sung hiệu quả thực chất của các chính sách, giải pháp ngắn hạn đã thực hiện và tác động lan tỏa của những chính sách, giải pháp dài hạn đã được ban hành, đặc biệt trong những tháng cuối năm 2021 để hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quang Khánh
Cùng với đó, cần làm rõ nhận định cho rằng các chính sách phản ứng với diễn biến phức tạp của dịch Covid -19 trong một số thời điểm còn chậm, chưa hiệu quả, thiếu nhất quán giữa trung ương với địa phương và giữa các địa phương; kế hoạch, lộ trình cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế chậm được ban hành, trong khi nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới hồi phục khá tốt sau năm 2020 suy giảm, Việt Nam trở thành quốc gia có độ trễ một năm về tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngoài ra, công tác quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch còn nhiều bất cập, còn tình trạng tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật trong việc quản lý, nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ; đấu thầu, mua sắm, quản lý sử dụng tài sản công liên quan đến công tác phòng chống dịch, xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc, ảnh hưởng đến lòng tin trong Nhân dân. Mặc dù một số trường hợp đã bị xử lý, song chưa đánh giá cụ thể những thất thoát, lãng phí xảy ra; đề nghị cần báo cáo kỹ hơn, làm rõ tổng mức NSNN bố trí cho công tác phòng, chống dịch; chỉ rõ tồn tại, hạn chế, những chính sách chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa đầy đủ; các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương làm tốt hoặc làm chưa tốt.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ, công tác dự báo kết quả thu NSNN năm 2021 phục vụ việc lập dự toán NSNN năm 2022 chưa sát thực tiễn, có sự chênh lệch rất lớn giữa số báo cáo Quốc hội và số đánh giá bổ sung, thể hiện năng lực dự báo, phân tích còn hạn chế, chưa dự báo đầy đủ các biến động kinh tế - xã hội với các yếu tố tác động đến thu NSNN trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm, làm ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng dự toán năm sau. Có ý kiến cho rằng, việc tăng thu là do xây dựng dự toán thu NSNN 2021 ở mức thấp; thực chất, số thu năm 2021 chỉ tương đương với mức thu NSNN năm 2019. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, làm rõ nguyên nhân; rà soát, cập nhật đầy đủ các khoản viện trợ chưa được bổ sung vào dự toán năm 2021 trình cấp có thẩm quyền để phản ánh đúng tình hình thu, chi NSNN.
Giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỷ đồng, trong đó có 16.000 tỷ đồng của các Chương trình mục tiêu quốc gia đều chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021, phải chuyển nguồn sang năm 2022. Giải ngân vốn ngoài nước tiếp tục đạt thấp, chỉ bằng 32,85% kế hoạch và tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục. Việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý, theo đó làm phát sinh khoản chi NSNN không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, một số bộ, cơ quan trung ương giải ngân rất thấp so với dự toán, chỉ đạt dưới 20% kế hoạch Thủ tướng giao. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ báo cáo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có giải pháp tháo gỡ, khắc phục.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo bổ sung, làm rõ khả năng hoàn thành kế hoạch một số dự án trọng điểm, tình hình triển khai thực hiện các công trình quan trọng quốc gia; việc xử lý các ngân hàng yếu kém và các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; một số chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy; khu vực dịch vụ gặp nhiều khó khăn; năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện; công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch chậm…
Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về thể chế
Về tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, trong thời gian tới, cần tiếp tục quan tâm tăng cường công tác dự báo và phân tích các diễn biến do các yếu tố địa chính trị và thương mại quốc tế, thường xuyên đánh giá đầy đủ các vướng mắc, rủi ro bên ngoài, các hạn chế nội tại của nền kinh tế, từ đó cảnh báo và chuẩn bị các phương án dự phòng để điều chỉnh phù hợp, linh hoạt, tránh gây bất ổn cho nền kinh tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời “bứt phá” để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để đạt các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các nghị quyết khác của Quốc hội, trong những tháng còn lại của năm 2022, bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô như: Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương “cần tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và tài khóa”; triển khai nhanh, khẩn trương và hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 và 2023, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến Danh mục dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ số tăng thu ngân sách trung ương (NSTW) năm 2021. Tăng cường quản lý, giám sát đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, ban hành điều kiện, tiêu chí quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp cùng với việc có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư; rà soát khả năng chi trả của các tổ chức phát hành có trái phiếu đến hạn trong thời gian tới, có biện pháp để bảo đảm phương án trả nợ cho nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Các vấn đề sốt đất ảo, rủi ro từ thị trường bất động sản, nguy cơ nợ xấu mới phát sinh cũng cần được quan tâm và có biện pháp quản lý, xử lý kịp thời. Khẩn trương nghiên cứu, rà soát tổng thể các quy định có liên quan trong lĩnh vực chứng khoán để bảo đảm hành lang pháp lý vừa thúc đẩy thị trường, vừa hạn chế rủi ro và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý cũng như các thành viên thị trường.
Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với tăng kiểm soát, gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công đúng hướng, đúng địa điểm, tránh gây áp lực nên lạm phát. Đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia; khẩn trương hoàn thiện danh mục dự án của các nguồn vốn đầu tư chưa được phân bổ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định.
Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về thể chế đã và đang cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; triển khai có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.
Khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Kế hoạch năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, trên tinh thần "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, hành động phải quyết liệt, có hiệu quả, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó". Đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Đẩy nhanh công tác triển khai bảo đảm hiệu quả, đồng bộ; sớm phân bổ và giao kinh phí để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.