Đánh giá Honda CR-V 2020 - vừa đủ để duy trì vị thế
Thiếu đi cần số dạng nút nhấn là điểm đáng tiếc trên Honda CR-V phiên bản mới. Bù lại, hệ thống khung gầm cho cảm giác lái tự tin và ổn định.
Honda CR-V 2020 được giới thiệu tại Việt Nam cách đây khoảng 3 tháng, điểm thay đổi lớn nhất so với đời cũ là xe được chuyển sang lắp ráp trong nước thay vì nhập khẩu từ Thái Lan. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng mua CR-V phiên bản mới sẽ được giảm 50% phí trước bạ.
Để có thể cảm nhận nhiều hơn về mẫu xe này cũng như trải nghiệm thử những tính năng mới như Honda Sensing, Honda LaneWatch... tôi đã cầm lái CR-V 2020 trong chuyến hành trình dài 800 km. Chiếc CR-V tôi sử dụng thuộc bản L, phiên bản cao nhất của dòng CR-V tại thị trường Việt Nam.
Thiết kế thay đổi nhưng không quá nổi bật
Honda CR-V 2020 khi nhìn lướt qua rất dễ bị nhầm lẫn với đời cũ, vẫn là kiểu dáng to lớn nhưng có chút gì đó mềm mại quen thuộc.
Phần đầu CR-V 2020 được thay đổi đôi chút ở phần cản, phía dưới logo Honda có thêm một khoảng trống đặt bộ cảm biến của hệ thống an toàn Honda Sensing. Đèn chiếu sáng chính trên 2 phiên bản G và L là loại LED tự động thích ứng, trong khi bản E chỉ là loại bóng halogen thông thường.
Bước sang bên hông, CR-V 2020 tạo được điểm nhấn với bộ mâm 18 inch thiết kế mới dạng 5 chấu kép 2 tone màu. Đuôi xe có khá nhiều điểm thay đổi như phần kính đèn hậu nay đã được làm tối màu, ống xả kép mạ chrome chuyển sang dạng hình thang ngược.
Điều tôi mong đợi nhất bên trong nội thất của CR-V 2020 là cần số dạng nút nhấn đã không xuất hiện, xe tiếp tục được trang bị cần số như đời cũ. Ghế ngồi và các chi tiết trang trí không có gì thay đổi.
Khu vực trung tâm được thiết kế lại đôi chút, vị trí sạc không dây được bố trí phía dưới cần số khá tiện lợi khi sử dụng. Trải nghiệm thực tế, tốc độ sạc của hệ thống sạc không dây này quá chậm, tôi mất 15 phút nhưng chỉ sạc được 5% pin cho chiếc điện thoại của mình.
Hệ thống điều hòa trên CR-V 2020 cho cảm giác lạnh nhanh và sâu. Nhờ có cửa gió điều hòa cho cả 3 hàng ghế nên hơi lạnh trong xe được tỏa đều, tránh được tình trạng hàng ghế trên lạnh nhưng những hàng ghế sau nóng.
Do tôi sử dụng phiên bản cao cấp nhất nên có thêm những trang bị hỗ trợ người lái như cảm biến gạt mưa, gương chiếu hậu chống chói tự động, cảm biến lùi... Phiên bản này cũng an toàn hơn khi có thêm túi khí rèm cho 3 hàng ghế.
Nhìn chung, thiết kế của CR-V 2020 được thay đổi đôi chút giúp chiếc xe trông thể thao, khỏe khoắn hơn. Điểm đáng tiếc nhất trên phiên bản này là không có cần số dạng nút nhấn như CR-V ở những thị trường khác.
Honda Sensing tốt nhưng chưa hợp với giao thông Việt Nam
Honda CR-V 2020 cho cảm giác lái không khác đời cũ. Phiên bản mới vẫn giữ được điểm nổi bật vốn có là sự êm ái khi di chuyển nhờ hệ thống treo mềm mại nhưng không cho cảm giác bồng bềnh. Tuy nhiên khả năng cách âm khoang lái vẫn chưa được cải thiện, người ngồi bên trong vẫn có thể nghe rõ âm thanh từ môi trường bên ngoài.
Tôi đánh giá cao hệ thống Honda LaneWatch, nó giúp tôi tự tin hơn khi di chuyển trên những con phố đông đúc. Nếu như Honda trang bị thêm cho CR-V 2020 cụm camera 360 độ thì trải nghiệm lái sẽ tốt hơn.
Để có thể cảm nhận rõ hơn về gói an toàn Honda Sensing, tôi đã kích hoạt tính năng ga tự động và hỗ trợ giữ làn đường ở tốc độ 120 km/h khi chạy trên cao tốc.
Adaptive Cruise Control dễ sử dụng và hoạt động mượt mà. Chiếc xe giữ tốc độ và khoảng cách với xe phía trước, tự giảm tốc và tăng tốc hiệu quả. Nếu thích kiểu lái nhàn hạ trên cao tốc, bạn sẽ thích công nghệ này, khi việc bạn làm chỉ đơn giản là ngồi trò chuyện, nghe nhạc, quan sát xung quanh và đánh lái khi cần thiết, còn lại chiếc xe sẽ tự động làm những việc còn lại.
Một điểm trừ là dù đã cài đặt khoảng cách với phương tiện phía trước ở mức gần nhất, CR-V 2020 vẫn giữ một khoảng cách khá xa khi sử dụng trong thành phố hay khu dân cư, với tốc độ tối đa 50 km/h. Tôi nghĩ Honda Sensing có phần chưa phù hợp với tình hình giao thông Việt Nam, nơi các phương tiện thường di chuyển sát nhau.
Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường của CR-V 2020 cho cảm giác khó chịu khi sử dụng, xe phản hồi vô lăng một cách đột ngột khi phương tiện đã gần như lệch khỏi làn đường. Điều này làm tôi cảm thấy không tự tin khi kích hoạt tính năng hỗ trợ giữ làn đường.
Khối động cơ của CR-V 2020 vẫn là loại tăng áp VTEC 1.5L như phiên bản cũ, sản sinh công suất 188 mã lực và mô-men xoắn cực đại 240 Nm. Động cơ này có ưu điểm là cho mô-men xoắn cực đại ngay từ dải vòng tua thấp nên người lái chỉ cần đạp ga nhẹ là đã có thể tăng tốc tốt.
Tôi đánh giá cao cảm giác lái của Honda CR-V 2020, đặc biệt là khi chạy trên những đoạn đường quanh co. Hệ thống treo dù mềm mại khi chạy trên phố nhưng vẫn mang đến sự chắc chắn ở những khúc cua. Vô lăng phản hồi nhanh, điều kiện mặt đường được truyền đến vô lăng khá thật.
Kết luận
Honda CR-V 2020 là phiên bản nâng cấp giữa vòng đời nên không có quá nhiều thay đổi về ngoại hình, điểm đáng giá nhất của phiên bản này là gói an toàn Honda Sensing. Lẽ ra Honda Việt Nam nên bổ sung thêm hệ thống camera 360 độ cho CR-V 2020, tính năng này khá hữu ích khi lái xe ở những nơi chật hẹp.
So với đời cũ, CR-V 2020 có giá bán tăng 15-25 triệu đồng, mức giá đề xuất của mẫu SUV này dao động từ 998 triệu đồng đến 1,118 tỷ đồng. Cá nhân tôi đánh giá mức tăng này hợp lý nhờ có thêm những tính năng an toàn mới và bổ sung các trang bị như đèn sương mù LED, sạc không dây...
Xét về giá bán và công nghệ, Honda CR-V 2020 vẫn đủ sức để cạnh tranh với những đối thủ trong cùng phân khúc như Mazda CX-5 (từ 899 triệu đến 1,149 tỷ đồng), Hyundai Santa Fe (từ 995 triệu đến 1,245 tỷ đồng), Toyota Fortuner (từ 995 triệu đến 1,426 tỷ đồng)...
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/danh-gia-honda-cr-v-2020-vua-du-de-duy-tri-vi-the-post1144762.html