Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án NN - 08 năm 2024 tại tỉnh Quảng Trị
Hôm nay 5/8, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án NN-08 năm 2024 tại tỉnh Quảng Trị. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự.
Đề án NN-08 năm 2024 có nhiệm vụ xây dựng mô hình sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất hạt giống của các giống lúa: Gia Lộc 26, Gia Lộc 35 và giống đậu xanh 12ĐX02 tại tỉnh Quảng Trị do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm thực hiện.
Nội dung của đề án nhằm xây dựng mô hình sản xuất các giống lúa Gia Lộc 26 và Gia Lộc 35 với quy mô: 30 ha (lúa Gia Lộc 26 15 ha và lúa Gia Lộc 35 15 ha), xây dựng mô hình sản xuất giống đậu xanh 12ĐX02 với quy mô 30 ha tại các hợp tác xã thuộc các huyện: Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh.
Kết quả triển khai qua vụ đông xuân 2023 - 2024 và vụ hè thu 2024 cho thấy, cả hai giống lúa Gia Lộc 26 và Gia Lộc 35 đều có sự thích nghi, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và thời tiết tại những vùng sản xuất, có nhiễm nhẹ bệnh khô vằn, sâu cuốn lá, cho năng suất khá cao (vụ đông xuân 2023 - 2024, giống lúa Gia Lộc 26 cho năng suất 50 tạ/ha, giống lúa Gia Lộc 35 cho năng suất 70 -75 tạ/ha; vụ hè thu 2024, giống lúa Gia Lộc 35 cho năng suất 65 - 68 tạ/ha).
Đặc biệt, giống lúa Gia Lộc 35 có nhiều ưu điểm vượt trội như năng suất cao, chất lượng gạo ngon, nhiễm sâu bệnh ít, có thể đưa vào cơ cấu sản xuất đại trà, thay thế giống HC95.
Đối với giống đậu xanh 12ĐX02 qua vụ hè thu 2024 cho thấy, các vùng đất bãi bồi ven sông có khả năng thích nghi, phát triển tốt hơn, có tỉ lệ ra hoa, đậu quả và cho năng suất cao hơn các chân ruộng đất thịt, đất lúa của vụ trước. Dự kiến, năng suất đạt 1,5 tấn/ha. Với giá bán trên thị trường dao động 24.000 - 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 20 - 25 triệu đồng/ha.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đề nghị các sở, ban, ngành cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp để làm nền tảng thúc đẩy những ngành khác phát triển.
Tỉnh Quảng Trị luôn trân trọng mời gọi và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các bộ, ngành, cơ quan trung ương đến hợp tác, phối hợp sản xuất, phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ mới của đề án.
Đề nghị Tổ Đề án NN-08 tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh nhân rộng kết quả các mô hình sản xuất cây lúa, cây đậu xanh đã được chứng minh hiệu quả trong năm 2024 để triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là ở các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa cũng như các vùng sản xuất nông nghiệp không có nước tưới trong vụ hè thu, chuyển đổi một số cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, cần chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, ứng dụng các biện pháp canh tác phù hợp, mô hình nông nghiệp hiệu quả. Chuyển giao mô hình trồng rau, đậu các loại ở vùng ven đô thị; mô hình nuôi lợn, gà, vịt trên nền đệm lót sinh học, an toàn dịch bệnh; mô hình nuôi dê nhốt chuồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; mô hình nuôi một số đối tượng thủy sản đặc sản... Đồng thời chuyển giao và ứng dụng các mô hình cơ giới hóa trong các khâu sản xuất tiến tới thực hiện cánh đồng “không dấu chân”...
Trước đó, các đại biểu đã tham quan thực tế mô hình sản xuất giống đậu xanh 12ĐX02 vụ hè thu 2024 tại Hợp tác xã Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong.