Đánh giá kết quả triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tại Gia Lai
Chiều 2-4, đoàn công tác do ông Phan Ngân Sơn-Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Gia Lai về hoạt động tổ chức triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Làm việc với đoàn có ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở KH-CN; đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
Triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả khả quan trong công tác quản lý nhà nước về KH-CN, SHTT trên địa bàn.
Cụ thể, tỉnh đã hỗ trợ, chủ trì lập hồ sơ xác lập quyền cho 10 sản phẩm địa phương. Trong đó, 3 sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ (nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện, Rau An Khê; chỉ dẫn địa lý Mang Yang cho sản phẩm gạo Ba Chăm của huyện Mang Yang); 4 sản phẩm đã nộp đơn đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận và có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ của Cục SHTT (Rau Đak Pơ, Phở khô Gia Lai, Khoai lang Lệ Cần-Đak Đoa, Gạo Ia Lâu-Chư Prông); 3 sản phẩm trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để nộp đơn (nhãn hiệu chứng nhận Bò Krông Pa, Chanh dây Gia Lai và Chỉ dẫn địa lý cà phê Gia Lai).
Ngoài ra, Gia Lai có nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Chư Sê được cấp văn bằng bảo hộ trước năm 2010 và do Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê quản lý. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT qua các hoạt động như biên tập và phát hành 13.500 quyển Thông tin đề tài-dự án KH-CN tỉnh Gia Lai và Sổ tay hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu, sáng chế/giải pháp hữu ích; tổ chức 26 lớp tập huấn SHTT thu hút hơn 3.100 lượt người tham gia...
Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, lãnh đạo Sở KH-CN đề nghị Cục SHTT tiếp tục hỗ trợ và đẩy mạnh việc cấp văn bằng bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm, dịch vụ địa phương, nhất là các sản phẩm chủ lực, các đặc sản.
Đồng thời, đại diện các sở, ngành của tỉnh cũng đề nghị Bộ KH-CN cần tiếp tục quan tâm triển khai các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ người dân thuận lợi trong sản xuất, nâng cao hiệu quả việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra. Từ đó, giúp người dân yên tâm sản xuất và nhân rộng các mô hình hiệu quả của các dự án sau khi nghiệm thu.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phan Ngân Sơn-Phó Cục trưởng Cục SHTT ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Gia Lai đã đạt được. Đồng thời, Phó Cục trưởng Cục SHTT đề nghị, trong thời gian tới, Sở KH-CN tỉnh Gia Lai nên tập trung nguồn ngân sách KH-CN vào việc phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, các đặc sản địa phương đã đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.
Những nội dung mà tỉnh đề xuất, kiến nghị tại buổi làm việc là cơ sở thực tiễn để đoàn công tác tổng hợp và đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Bộ KH-CN có các chính sách, pháp luật về KH-CN mang tính xác đáng, khả thi nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược SHTT đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đề ra.
Dịp này, đoàn công tác đã đến thăm Khu thực nghiệm ứng dụng KH-CN (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) gồm các mô hình sản xuất công nghệ cao. Từ đó, đánh giá mức độ phù hợp với điều kiện, chuyển giao công nghệ sản xuất đến người dân, doanh nghiệp của tỉnh Gia Lai.