Đánh giá kết quả xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Ninh Bình năm 2021
Sáng 6/1, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Ninh Bình năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh dự và chủ trì hội nghị.
Cùng dự hội nghị có các thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.
Năm 2021, là năm đầu thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Với quan điểm "Đầu tư ít, hiệu quả cao" đã được khẳng định đúng với tình hình thực tiễn của tỉnh. Các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được triển khai đến 100% các cơ quan, đơn vị và sớm hoàn thành việc kết nối theo yêu cầu với các hệ thống của quốc gia; nền tảng chính quyền điện tử/chính quyền số đang được xây dựng trên cơ sở đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tận dụng, kế thừa hạ tầng kỹ thuật, thiết bị sẵn có để phát triển, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
Các hệ thống thông tin, hạ tầng mạng của tỉnh vận hành ổn định, thông suốt đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng; Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đồng hành, vào cuộc quyết liệt, qua đó đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả;
Việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử/chính quyền số, chuyển đổi số trong thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả.
Đặc biệt, năm 2020, tỉnh Ninh Bình được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng chuyển đổi số đứng thứ 8 trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã đã thiết lập mạng nội bộ (LAN - Local Area Network); tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có máy tính sử dụng tại cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%, tại cấp xã đạt khoảng 85%. Đã phủ sóng di động 2G, 3G cho 100% thôn, xã; phủ sóng 4G cho 100% khu vực trung tâm phường, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai cho 196 cơ quan Đảng, nhà nước trên địa bàn tỉnh. Triển khai cung cấp cho các cơ quan Nhà nước tỉnh Ninh Bình 4.080 chứng thư số; đã triển khai cấp SIM PKI phục vụ việc ký số trên thiết bị di động cho 201 cá nhân của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, đã có 100% cơ quan, đơn vị đã thực hiện ký số hồ sơ, văn bản điện tử; có 86,9% hồ sơ, văn bản tại các sở, ban, ngành; 72,6 % cấp huyện thực hiện đầy đủ ký số tổ chức và cá nhân là lãnh đạo trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh; ước tính tiết kiệm tiền ngân sách năm 2021 khoảng 63,9 tỷ đồng… Về chuyển đổi số đã tập trung triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã tại xã Yên Hòa (huyện Yên Mô), đến nay đã sơ kết, đánh giá kết quả giai đoạn 1 được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá đạt kết quả, hiệu quả.
Trên cơ sở các nội dung, tiêu chí thí điểm giai đoạn 1 tại xã Yên Hòa đã nhân rộng triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số tại 13 xã trên địa bàn tỉnh. Thực hiện thí điểm mô hình Chính quyền số tại thành phố Tam Điệp…
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung chỉ ra những nội dung làm được, tồn tại của địa phương, các sở, ngành trong thực hiện chuyển đổi số; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, như: Các cơ quan chuyên môn của tỉnh tăng cường công tác tập huấn, nâng cao về kỹ năng số, chuyển đổi số, chính quyền số, kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh và đảm bảo an toàn, an ninh mạng;
Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin của tỉnh, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức. Tập trung nghiên cứu xây dựng số hóa các văn bản giấy theo lộ trình.
Kế hoạch nâng cấp công nghệ thông tin, hạ tầng thực hiện chuyển đổi số; không ngừng cung cấp dịch vụ công của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân...
Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: Ninh Bình đã đạt được kết quả khá cao trong công tác chuyển đổi số, năm 2020, tỉnh xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó một số chỉ số thành phần xếp thứ 3, thứ 5 trong xếp hạng toàn quốc.
Từ những kết quả đã đạt được, Ban chỉ đạo đã có sự đánh giá, nhìn nhận lại thực trạng, cách làm để có giải pháp thực hiện hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, Ninh Bình được chọn là tỉnh thực hiện thí điểm về công tác chuyển đổi số trong toàn quốc, đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy, với quan điểm thực hiện chuyển đổi số là nhiệm vụ tỉnh phải làm nên tỉnh phải nỗ lực, quyết tâm phải làm bằng được, làm tốt.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu kết luận hội nghị.
Đồng chí Chủ tịch UBND cũng chỉ ra tồn tại của công tác chuyển đổi số hiện nay chính là chúng ta chưa hình dung được hết tổng thể về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong từng cấp, từng ngành, trong tư duy lãnh đạo, điều hành;
Người làm công tác chuyển đổi số chưa có chuyên môn chuyên sâu, hiện đang sử dụng đội ngũ công chức văn phòng trong triển khai thực hiện nên việc ứng dụng và tham mưu chưa sâu sát, đề ra lộ trình, bước đi.
Đội ngũ lãnh đạo các cấp vẫn còn tồn tại về nhận thức, quyết tâm chính trị về chuyển đổi số.
Do đó, để thực hiện quả công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh theo đúng lộ trình, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ ra cách làm cần có sự thống nhất các nội dung thực hiện từ việc xây dựng đội ngũ cán bộ số đến công dân số.
Cần thống nhất về hạ tầng CNTT, bố trí nguồn nhân lực quản lý CNTT. Thống nhất các phần mềm tích hợp dữ liệu dùng chung của tỉnh. Đề nghị các sở, ngành bám sát kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử của UBND tỉnh đã ban hành để thực hiện hiệu quả.
Xây dựng lộ trình thực hiện của Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu số hóa các thông tin, dữ liệu dễ khai thác. Sở Thông tin và Truyền thông phát huy vai trò của cơ quan tham mưu cho tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử; hướng dẫn thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đồng bộ trong toàn tỉnh; thực hiện nhiệm vụ giám sát các dự án chuyển đổi số tại các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh…
Xem trên Youtube