Đánh giá khách quan, toàn diện về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội

Ngày 22/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023' làm việc với 4 Bộ: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Tại buổi làm việc, báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2015 đến hết năm 2023, công tác quản lý thị trường bất động sản đã được các cấp, các ngành triển đồng bộ và khá toàn diện, nhờ đó đã kiểm soát thị trường bất động sản, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, nguồn cung sản phẩm nhà ở chủ yếu là phân khúc cao cấp và trung cấp, thiếu sản phẩm bất động sản là nhà ở giá phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân; giá giao dịch bất động sản có xu hướng tăng dần theo năm, cao so với thu nhập bình quân của số đông người dân…

Đối với phát triển nhà ở xã hội, trong giai đoạn 2015-2023, mặc dù điều kiện nguồn lực nhà nước còn hạn chế song việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, cả nước có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai, với quy mô 567.042 căn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang triển khai đầu tư xây dựng thí điểm 2 thiết chế công đoàn tại tỉnh Hà Nam và Tiền Giang.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các Bộ, các quy định về trình tự, thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt dự án nhà ở xã hội chưa có quy trình thống nhất nên thực hiện còn lúng túng, chậm trễ, kéo dài; các ưu đãi với xây dựng nhà ở xã hội chưa đủ sức khuyến khích việc tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội của các thành phần kinh tế; thủ tục mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội qua nhiều khâu xác minh, thẩm duyệt, gặp nhiều vướng mắc, thời gian thẩm định kéo dài.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Báo cáo với Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nêu rõ, các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng đang trong quá trình xây dựng, nên việc thẩm định sự phù hợp của dự án với quy hoạch gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguồn vốn đầu tư công giai đoạn qua còn khó khăn nên số vốn bố trí để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội còn hạn hẹp. Việc thu hút tư nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn do các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành chưa đủ hấp dẫn đối với đối tượng này.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, việc ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản còn tình trạng chưa thống nhất, chưa đồng bộ về phạm vi điều chỉnh và nội dung. Tại một số địa phương, việc quy hoạch sử dụng đất còn mang tính tổng hợp diện tích theo dự án, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất; tiếp cận về không gian còn hạn chế nên chưa linh hoạt khi có phát sinh các dự án mới. Bảng giá đất tại một số địa phương còn thấp hơn so với giá thị trường. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho dự án nhà ở còn vướng mắc. Việc thực hiện các đề án của Chính phủ về nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp còn hạn chế…

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao báo cáo của 4 Bộ; đồng thời nêu một số khó khăn, vướng mắc ghi nhận được trong quá trình khảo sát tại các địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu cũng đặt câu hỏi đề nghị đại diện lãnh đạo các Bộ theo chức năng quản lý làm rõ các nội dung liên quan đến: chủ trương đầu tư căn hộ Condotel; vướng mắc về chuyển nhượng các dư án bất động sản; khó khăn, vướng mắc trong thực hiện định giá đất; công tác quản lý sàn giao dịch bất động sản, dịch vụ môi giới bất động sản; chênh lệch giá nhà ở với thu nhập của người dân; tính đồng bộ của quy hoạch bất động sản và các quy hoạch liên quan; các chính sách phát triển nhà ở xã hội; triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Đoàn đã giám sát thực tế tại 12 địa phương. Buổi làm việc của Đoàn giám sát với 4 Bộ (Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp) để làm rõ hơn tình hình thực tiễn; đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội; xác định tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; từ đó đề xuất nhiệm vụ, giải pháp xử lý những tồn tại, hạn chế, phát triển lành mạnh, bền vững thị trường bất động sản và nhà ở xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị 4 Bộ trong lĩnh vực phục trách nghiên cứu để đưa vào các thông tư, nghị định đang và sắp ban hành hoặc đề xuất sửa đổi các pháp luật có liên quan. Bám sát kiến nghị của các địa phương vì nhiều ý kiến xác đáng và là yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/danh-gia-khach-quan-toan-dien-ve-thi-truong-bat-dong-san-va-nha-o-xa-hoi-33204.html