Đánh giá không khách quan về tự do tôn giáo ở Việt Nam

Bộ Ngoại giao Mỹ lại vừa công bố Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2019 với những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng. Từ đó đưa ra đánh giá không khách quan về tự do tôn giáo ở Việt Nam, tạo diễn đàn để các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí xuyên tạc, vu khống Việt Nam.

Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2019 được tổ chức tại Việt Nam

Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2019 được tổ chức tại Việt Nam

Cách nhìn sai lệch, thiên kiến với Việt Nam

Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam trở thành mục tiêu của những chỉ trích vô lý từ phía Mỹ. Năm nào cũng vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tự cho mình quyền được phán xét tình hình tự do tôn giáo của các nước, trong đó có Việt Nam. Cùng với Bộ Ngoại giao Mỹ, Ủy hội tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ cũng thường xuyên đưa ra các báo cáo với cách nhìn sai lệch, thiên kiến với Việt Nam.

Năm nay, dù phải thừa nhận thực tế về những thành tựu và tiến triển của Việt Nam trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam, Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn bịa ra rằng “Việt Nam tìm cách đàn áp tự do tôn giáo, đặc biệt nhắm vào các nhóm tôn giáo không được chính quyền thừa nhận, dưới nhiều hình thức”. Ủy hội tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ thậm chí còn nặng lời khi cho rằng “tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn chưa thật sự thay đổi”, thậm chí còn “rất thảm khốc”.

Không biết dựa vào bằng chứng ở đâu mà các báo cáo này hết cho rằng Việt Nam “sách nhiễu, đánh đập, bắt giữ, truy tố, theo dõi, cấm đi lại đối với những người theo các nhóm tôn giáo không được nhà nước cho đăng ký”, lại dựng lên chuyện “Nhà nước thu hồi tài sản, đất đai của họ”. Chưa dừng ở đó, với những “bằng chứng” tạo dựng trên, Ủy hội tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ còn kêu gọi Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) để có biện pháp trừng phạt.

Nếu ai quan tâm theo dõi quan hệ Việt - Mỹ thì không khó khăn gì để có thể thấy rằng đây là những luận điệu bịa đặt cũ rích, được nhào nặn, lặp đi, lặp lại với ý đồ chính trị xấu xa. Trong chiến lược chống phá Việt Nam, các thế lực thiếu thiện chí luôn lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo, coi đó là một trọng điểm để công kích Việt Nam. Mục tiêu nhất quán và xuyên suốt của họ là đối lập tôn giáo với chế độ xã hội chủ nghĩa; tách các tôn giáo khỏi khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Để thực hiện điều đó, họ sử dụng các thủ đoạn: xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo; dựng chuyện bịa đặt, vu cáo các cấp chính quyền phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo để kích động, chia rẽ trong nước và hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế… Họ coi các phần tử cực đoan, chống đối trong các tôn giáo là “ngòi nổ”, là lực lượng nòng cốt để lôi kéo, tập hợp quần chúng làm “đối trọng” với Đảng, Nhà nước và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế…

Quốc tế đánh giá cao nỗ lực bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam

Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân là quy định được ghi rõ trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Việt Nam. Để bảo đảm các quyền này, thời gian qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có việc thông qua Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 có bước tiến mới khi thay cụm từ “quyền công dân” bằng “quyền con người”, khẳng định quyền con người, trong đó là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người, được Nhà nước thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm.

Làm sao có thể khẳng định “không có tự do tôn giáo” khi hiện nay ở Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với 55 ngàn chức sắc, 145 ngàn chức việc, 29 ngàn cơ sở thờ tự. 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; có hơn 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân.

Việc ra đời các tổ chức tôn giáo một mặt phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác, khẳng định Việt Nam không phân biệt giữa người có hay không có tín ngưỡng, tôn giáo; không phân biệt hay kỳ thị bất kỳ tôn giáo nào, dù nội sinh hay được truyền từ nước ngoài, dù là tôn giáo đã ổn định lâu dài hay mới được công nhận. Hiện nay, phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng; cả nước có 12 báo, tạp chí liên quan tôn giáo. Trong 5 năm qua, có hơn 3.000 đầu ấn phẩm tôn giáo được xuất bản với hơn 10 triệu bản in, hàng triệu đĩa CD, DVD bằng nhiều ngôn ngữ.

Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu vào đời sống thế giới, hoạt động quốc tế của các tôn giáo ở Việt Nam cũng diễn ra đa dạng, phong phú; số lượng đoàn trong nước và nước ngoài đi, đến nghiên cứu, tìm hiểu về tình hình tôn giáo ngày càng tăng. Hoạt động đối ngoại tôn giáo đã giúp các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam nâng cao vai trò, vị thế trong hoạt động quốc tế, cũng như tạo điều kiện để các tổ chức nước ngoài có dịp tiếp cận với thực tế ở các vùng miền của Việt Nam, góp phần vào công tác bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân, tổ chức tôn giáo.

Chính nhờ thế, nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn đã được tổ chức thành công ở Việt Nam. Điển hình như Liên hợp quốc đã chọn Việt Nam làm địa điểm để tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc trong các năm 2008, 2014, 2019. Các sự kiện như Kỷ niệm 500 năm cải chánh Đạo Tin lành, Tổng Hội dòng Đa minh thế giới cũng được tổ chức thành công ở Việt Nam.

Những nỗ lực này của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Uy tín của Việt Nam trên bình diện quốc tế ngày càng lên cao, thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới. Bằng chứng là Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2022 với số phiếu ủng hộ hầu như tuyệt đối 192/193. Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc cũng đã thông qua Báo cáo về tình hình đảm bảo quyền con người tại Việt Nam chu kỳ 2 trong khuôn khổ Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR)...

Tất cả những điều đó cho thấy đúng như phản ứng của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam rằng “Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2019 của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn có những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng về tình hình Việt Nam”. Quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ là quan hệ đối tác toàn diện. Mối quan hệ đó cần được tiếp tục duy trì và tăng cường hợp tác nhưng phải trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau thông qua các khuôn khổ đối thoại song phương, trong đó có đối thoại nhân quyền.

HOÀNG SƠN

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/danh-gia-khong-khach-quan-ve-tu-do-ton-giao-o-viet-nam/857061.antd