Đánh giá kỹ quy mô, bảo đảm khả năng bố trí nguồn lực

Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (Chương trình) tại Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng việc thiết kế các chương trình, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể, bảo đảm quy mô, tính khả thi, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Bảo đảm khả năng đáp ứng nguồn lực

Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng và dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng.

Cơ bản nhất trí với dự kiến về tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện Chương trình (gồm vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn khác), Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc bố trí nguồn lực thỏa đáng là cần thiết để cụ thể hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, tổng mức đầu tư của Chương trình là rất lớn so với các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã thực hiện và khả năng giải ngân ở giai đoạn trước; cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Làm rõ thêm quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nhấn mạnh, Chương trình rất có ý nghĩa, với những mục tiêu đặt ra rất quan trọng để hoàn thiện chuẩn mực đạo đức, bản sắc, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam, xây dựng môi trường văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc… "Đây là những nội dung, những mục tiêu chúng tôi đánh giá vô cùng quan trọng và có tác động sâu rộng đến đất nước, con người Việt Nam. Cho nên, về quan điểm, chúng tôi cho rằng, ngần này ngân sách hay nhiều hơn nữa nếu làm được để phục vụ cho mục tiêu lớn chúng ta đặt ra thì cũng cần làm, đáng để bỏ ra làm", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu quan điểm.

Tuy vậy, từ thực tế theo dõi việc sử dụng ngân sách nhà nước trong đầu tư công trong lĩnh vực văn hóa những năm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng chia sẻ quan ngại về một số nội dung. Trong đó, khả năng giải ngân trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực văn hóa rất khó khăn. Minh chứng là, giai đoạn 2012 - 2015, dự kiến chúng ta bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa khoảng 7.968 tỷ đồng, nhưng trên thực tế chỉ thực hiện được 1.786 tỷ đồng; đến giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng nguồn vốn đầu tư là 10.620 tỷ đồng, nhưng thực tế bố trí ngân sách trung ương là 2.300 tỷ đồng, cộng cả nguồn vốn của địa phương thì tổng số cũng chỉ khoảng 2.700 tỷ đồng.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, thực tế cho thấy, các chương trình đầu tư về hạ tầng lớn, khả năng giải ngân tốt hơn nên thực thi dễ hơn, chi tiêu tiền cũng có định mức, được giải ngân dễ, còn đối với lĩnh vực có tính văn hóa, có yêu cầu cao và đảm bảo chuẩn mực như văn hóa thì việc chi một vài chục tỷ đồng hoặc vài trăm tỷ đồng cũng rất khó khăn, cần rất nhiều sự chuẩn bị và nhiều thời gian. "Đây là sự quan ngại của chúng tôi về việc nếu như chúng ta bố trí một quy mô lớn trong khi khả năng giải ngân trong thực tiễn không thực hiện được hoặc chúng ta làm đồng loạt sẽ gây nhiều việc rất quan ngại", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói.

Liên quan đến khả năng huy động để thực hiện Chương trình cho giai đoạn sau, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý, hiện đang có rất nhiều dự án lớn được dự kiến triển khai như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường bộ cao tốc tiếp tục hoàn thành, các tuyến hàng không, hàng hải và các chương trình mục tiêu quốc gia đang cùng một lúc tăng quy mô rất lớn. Do vậy, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tài chính cần có đánh giá tổng thể chung về tất cả nguồn có được để có thể xem xét, bố trí một cách cân đối, phù hợp cho các chương trình mục tiêu quốc gia.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Thống nhất với quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, tổng mức đầu tư của Chương trình rất lớn, do đó cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động bố trí các nguồn lực thực hiện, bảo đảm khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách.

Cấp tốc làm trong 1 năm thì có khả thi không?

Về thời gian thực hiện, theo Tờ trình của Chính phủ, năm 2025 thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác. Giai đoạn 2026 - 2030: tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030. Giai đoạn 2031-2035: tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến năm 2035.

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cân nhắc bố trí vốn của năm 2025 bảo đảm tính khả thi. Bởi lẽ, "để Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Chương trình này xong đã đến tháng 11, còn tháng 12 bố trí vốn xong thủ tục sẽ hết năm 2025, không thể tiêu được 400 tỷ đồng. Nếu bố trí được đã rất khó khăn thì làm sao tiêu được 400 tỷ đồng này trong vòng năm 2025, trong khi còn cả vốn trung ương, vốn địa phương, mà tập trung xây dựng khung chính sách và chuẩn bị đầu tư thì không làm được". Dẫn chứng để xây dựng khung chính sách cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia vừa qua mất 2 năm mới xong, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi "bây giờ cấp tốc làm trong 1 năm, chưa kể chuẩn bị đầu tư có những việc mất 1 năm, thậm chí là 2 năm, thì liệu có khả thi?"

 Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, một dự án bình thường như làm đường, làm cầu, chúng ta đã có kinh nghiệm làm rất nhiều và rất giống nhau, nhưng với quy mô 2.000 - 3.000 tỷ đồng thì cũng phải cần vài năm để chuẩn bị, thậm chí có những dự án đầu tư chuẩn bị đến hàng chục năm, đến khi đi vào thực hiện rồi vẫn còn phải thay đổi rất nhiều. Vì vậy, với quy mô Chương trình lớn mà thời gian dự kiến thực hiện chuẩn bị đầu tư, xây dựng khung chính sách chỉ trong một năm sẽ rất ngắn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, phải rất quan tâm đến chuẩn bị đầu tư. Bởi lẽ, chuẩn bị đầu tư tốt thì việc thực thi, việc giải ngân mới hiệu quả và mới đạt được mục tiêu đề ra, chưa kể đây là một chương trình rất khó, rất phức tạp và đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhiều khía cạnh đa chiều.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/danh-gia-ky-quy-mo-bao-dam-kha-nang-bo-tri-nguon-luc-post392655.html