Đánh giá kỹ tác động của việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp
Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 15-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Đáng chú ý, trong dự thảo Luật này đã bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh. Cụ thể: Tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; bảo đảm sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh...
Thẩm tra dự luật, tán thành với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh); đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh để bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, trên thế giới hiện nay chỉ có hai nước có quy định pháp lý về hộ kinh doanh, do vậy để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, bảo đảm quản lý việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm... của hộ kinh doanh, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, bổ sung quy định chặt chẽ nghĩa vụ của hộ kinh doanh, phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.
Qua thảo luận tại tổ, một số đại biểu nhất trí với dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, trong đó bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh; khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia vào thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, số lượng hộ kinh doanh hiện nay rất lớn, với khoảng 5 triệu hộ; trong khi dự thảo luật mới chỉ quy định những cơ chế để quản lý hộ kinh doanh chứ chưa có nhiều cơ chế để tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp. Các đại biểu cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào luật là cần thiết song trước mắt nên sửa đổi Nghị định đã ban hành để tăng cường quản lý đối với các hộ kinh doanh; có thể tiến hành thí điểm ở các địa phương hoặc xây dựng một luật riêng để quản lý 5 triệu hộ kinh doanh này...
Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) nêu quan điểm, việc đưa loại hình hộ kinh doanh vào luật sẽ giúp quản trị và phát triển các hộ này theo hướng chuyên nghiệp và bền vững hơn. Các đối tượng hộ kinh doanh được đưa vào luật phải là những hộ có quan hệ lao động. “Tuy nhiên, đi kèm theo việc chúng ta đưa vào luật như vậy thì phải có các chính sách ưu đãi như đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Không đồng tình với các quan điểm trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật này là không phù hợp.
Đại biểu Mai Hồng Hải (TP Hải Phòng) cho rằng việc đưa vào luật này “hơi khiên cưỡng”. Bởi lẽ, luật không định nghĩa, không xác định hộ kinh doanh là loại doanh nghiệp nào. Đồng ý phải luật hóa đối với hộ kinh doanh song đại biểu đề nghị cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng. Theo đại biểu, dự thảo luật mới chỉ đưa loại hình hộ kinh doanh vào để mong muốn quản lý tốt chứ chưa có cơ chế để khuyến khích các hộ kinh doanh phát triển. “Nên chăng hoàn thiện một Nghị định riêng về hộ kinh doanh trong thời gian trước khi luật hóa trong thời gian tới. Cũng có thể luật hóa theo hai hướng: Có một luật riêng về hộ kinh doanh hoặc coi hộ kinh doanh là một hình thức doanh nghiệp để bổ sung vào Luật Doanh nghiệp”, đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thì cho rằng, với 5 triệu hộ kinh doanh, tuy sản xuất kinh doanh nhiều nhưng chỉ nộp thuế khoảng 11.000 tỷ đồng, bằng 1,5% tổng thu ngân sách nhà nước, gần như “bằng không”. Đại biểu lý giải điều này là do, hộ kinh doanh chỉ cần kê khai thuế mà thôi, và kê khai lúc nào cũng được. Do đó, nhiều cơ sở kinh doanh hoạt động lớn, thu nhập cao nhưng nộp thuế lại không đáng bao nhiêu.
“Đây là một điều bất cập cần sửa đổi để những hộ kinh doanh nằm trong quỹ đạo như doanh nghiệp. Đồng thời, cần có những điều chỉnh phù hợp, quy định rõ ràng những hộ kinh doanh không nằm trong quỹ đạo điều chỉnh (ví dụ, những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún...); quy định hộ kinh doanh từ số vốn bao nhiêu trở lên sẽ là doanh nghiệp”, đại biểu đề xuất.