Đánh giá mô hình cải tiến tổ chức quản lý sản xuất quế hữu cơ tại Bản Cái

Sáng 24/12, tại xã Bản Cái (Bắc Hà), Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh phối hợp với UBND xã Bản Cái tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện mô hình cải tiến tổ chức quản lý sản xuất quế hữu cơ bền vững theo chuỗi giá trị.

Hội nghị có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan và người dân tham gia mô hình.

Mô hình cải tiến tổ chức quản lý sản xuất quế hữu cơ bền vững theo chuỗi giá trị được Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà, Công ty TNHH Hương vị Sơn Hà và UBND Bản Cái phối hợp thực hiện. Xã Bản Cái đã duy trì bền vững vùng sản xuất quế Organic đạt 340 ha/118 hộ vượt chỉ tiêu kế hoạch; các hộ đạt chứng nhận nông nghiệp bền vững đạt 100%.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Thực hiện mô hình, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt trên 100 triệu đồng; giá trị thu nhập của các hộ tham gia mô hình cao hơn so với sản xuất đại trà; tạo việc làm có thu nhập ổn định cho lao động địa phương. 100% hộ dân tham gia mô hình đã có khả năng tổ chức sản xuất quế Organic; hiểu và thực hiện việc sơ chế, bảo quản một số sản phẩm từ quế như hàng ống điếu, ống sáo, chặt vuông, thuốc lá, bột quế tại địa phương; có hiểu biết cơ bản về các bước lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kỹ năng marketing.

Các hộ tham gia mô hình được nhận thưởng từ việc sản xuất quế hữu cơ từ các doanh nghiệp chi trả; một năm công ty thực hiện trả thưởng 2 lần với chính sách cụ thể: Đối với quế tươi hữu cơ nông dân được trả 350 đồng/kg, đại lý trả; đối với quế tươi đạt chứng nhận hữu cơ và nông nghiệp bền vững thì được chi trả 420 đồng/kg, đại lý chi trả 220 đồng/kg.

Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình được nâng cao năng lực, tay nghề, trình độ, phương thức sản xuất, kỹ năng để tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và kỹ năng quản trị, hạch toán sản xuất, mở rộng kinh doanh. Các hộ tham gia mô hình chủ động trong việc quản lý giám sát giữa các hộ trồng, duy trì và mở rộng diện tích quế đạt chứng chỉ quế Organic.

Các tổ nhóm tham gia thảo luận tại hội nghị.

Các tổ nhóm tham gia thảo luận tại hội nghị.

Kết quả mô hình chứng minh cho nông dân thấy được việc tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi an toàn, ít rủi ro, chất lượng sản phẩm được nâng lên, từ đó nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường và góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái…

Thông qua thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp đề xuất với huyện Bắc Hà chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn duy trì và phát triển các tổ nhóm/tổ hợp tác cùng liên kết phát triển sản xuất quế hữu cơ hiệu quả và bền vững; tiếp tục hỗ trợ các xã trồng quế duy trì, mở rộng bền vững vùng sản xuất quế Organic; có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác để mở rộng diện tích liên kết…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/351008-danh-gia-mo-hinh-cai-tien-to-chuc-quan-ly-san-xuat-que-huu-co-tai-ban-cai