Đánh giá năng lực là 'chìa khóa, thước đo' chất lượng cán bộ, công chức hải quan

Qua gần 6 năm, hệ thống đánh giá năng lực của Tổng cục Hải quan đã được lãnh đạo các cấp trong ngành Hải quan và đa số công chức công tác trong các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ của ngành đánh giá cao, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục phát huy trong những giai đoạn tiếp theo.

Công chức Hải quan TP. Hồ Chí Minh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực. Ảnh: Lê Thu

Công chức Hải quan TP. Hồ Chí Minh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực. Ảnh: Lê Thu

Đánh giá năng lực 10,3 nghìn lượt công chức

Triển khai Luật Cán bộ, công chức và các văn bản có liên quan, nằm trong chuỗi hoạt động đổi mới công tác quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm, Tổng cục Hải quan đã bắt đầu nghiên cứu xây dựng hệ thống đánh giá năng lực công chức từ năm 2016 và chính thức triển khai từ năm 2018 với mục tiêu nâng cao năng lực công chức, nâng cao hiệu quả làm việc, đáp ứng khối lượng và yêu cầu công việc ngày càng cao đối với ngành Hải quan.

Trong hai năm 2018-2019, Tổng cục Hải quan đã triển khai đánh giá năng lực trên quy mô toàn quốc đối với gần 5.000 công chức không giữ chức vụ lãnh đạo công tác tại 8 lĩnh vực nghiệp vụ chính gồm: giám sát quản lý, thuế xuất nhập khẩu, chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro, xử lý vi phạm, thanh tra và kiểm định từ cấp Tổng cục đến cấp Chi cục.

Năm 2023, Tổng cục Hải quan tiếp tục mở rộng việc đánh giá năng lực sang đối tượng lãnh đạo cấp Đội thuộc Chi cục và tương đương công tác tại 8 lĩnh vực nghiệp vụ chính. Theo thống kê vừa được Tổng cục Hải quan công bố, đến nay, tổng số lượt công chức đã được đánh giá năng lực qua 2 kỳ đánh giá năng lực là hơn 10,3 nghìn lượt công chức.

Việc đánh giá năng lực được thực hiện thông qua các bài thi trắc nghiệm 60 phút trên máy tính. Căn cứ vào yêu cầu năng lực cần có của từng vị trí việc làm mà mỗi vị trí sẽ có một cấu trúc đề khác nhau, đảm bảo nguyên tắc công chức “làm gì thi nấy”.

Quá trình tổ chức đánh giá năng lực công chức được Tổng cục Hải quan thực hiện một cách bài bản với việc ban hành hệ thống văn bản quy định về phương pháp đánh giá năng lực, xây dựng phần mềm, xây dựng quy chế tổ chức đánh giá năng lực; hướng dẫn việc tổ chức triển khai… đảm bảo công tác đánh giá năng lực được thực hiện theo đúng các văn bản pháp quy hiện hành và thẩm quyền quản lý cán bộ được phân cấp.

Xác định thực trạng năng lực chuyên môn

Việc tổ chức đánh giá năng lực công chức trong ngành được vận hành một cách thông suốt, đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt việc tổ chức ôn tập chuẩn bị cho công chức tham dự kỳ đánh giá năng lực được các đơn vị trong ngành quan tâm, tổ chức một cách bài bản.

Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh là đơn vị có số công chức tham dự kỳ thi đánh giá năng lực công chức không giữ chức vụ lãnh đạo với gần 900 công chức đợt gần nhất. Theo ghi nhận, có 81 công chức đạt điểm tối đa 100 điểm. Theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, việc tổ chức kỳ đánh giá năng lực này đã được đơn vị thực hiện hết sức nghiêm túc, bài bản. Kỳ đánh giá năng lực này cũng được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Cục, Hội đồng đánh giá năng lực công chức không giữ chức vụ lãnh đạo; lãnh đạo các đơn vị cũng quan tâm quán triệt, chỉ đạo, động viên, tạo điều kiện để công chức học tập, tham gia kỳ thi đạt kết quả tốt.

Là đơn vị đóng tại miền núi, địa bàn phức tạp, khó khăn, quân số ít, song tại Cục Hải quan Hà Giang, 100% công chức dự thi có kết quả đánh giá năng lực đạt yêu cầu, không có trường hợp phải thi lại hoặc phải xử lý về công tác tổ chức cán bộ. 50% thí sinh dự thi có kết quả từ 90 điểm trở lên. Ông Nguyễn Minh Thành - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Giang cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực công chức không giữ chức vụ lãnh đạo đã giúp Cục Hải quan Hà Giang xác định được tình trạng năng lực của công chức làm cơ sở cho việc bố trí, sử dụng công chức một cách hiệu quả, khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách, hiện đại hóa.

Còn theo bà Đặng Thị Lệ Hoa - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng, qua kết quả đánh giá năng lực đã xác định được năng lực của công chức, Cục đã kịp thời xây dựng kế hoạch đào tạo nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng cho công chức, dàn áp dụng kết quả đánh giá năng lực vào công tác điều động, chuyển đổi vị trí công tác, sắp xếp đúng người, đúng việc, nâng cao hiệu quả sử dụng công chức đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Hơn nữa, Cục lựa chọn được đội ngũ công chức tham gia nhóm chuyên gia trên mọi mặt lĩnh vực nghiệp vụ, quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo các cấp đối với công chức có kết quả đánh giá năng lực xuất sắc.

Có thể nói, thi đánh giá năng lực công chức đã trở thành hoạt động công vụ quan trọng của ngành Hải quan, nhằm xác định được thực trạng năng lực chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức để quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực hiện tại; lựa chọn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa của ngành Hải quan.

Đánh giá năng lực để sắp xếp cán bộ, công chức phù hợp vị trí việc làm

Đánh giá năng lực là công tác thường xuyên, liên tục giúp cho lãnh đạo các cấp bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức phù hợp với vị trí việc làm, đồng thời nắm bắt những tồn tại, hạn chế phục vụ cho công tác đào tạo. Qua đánh giá năng lực, nhiều đơn vị Hải quan địa phương nhận thức rõ, công tác đánh giá năng lực là chìa khóa, thước đo chất lượng của cán bộ, công chức.

Ông Đinh Ngọc Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/danh-gia-nang-luc-la-chia-khoa-thuoc-do-chat-luong-can-bo-cong-chuc-hai-quan-158168-158168.html