Đánh giá quy định tạm thời về việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, công tác phòng, chống dịch sáng nay, 9.11, đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Tuy nhiên, trước tình trạng dịch Covid – 19 vẫn còn phức tạp, đại biểu đề nghị thời gian tới, Chính phủ xem xét chỉ đạo sớm, đánh giá lại quy định tạm thời về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19 để có điều chỉnh phù hợp.

Công tác chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ở một số địa phương còn lúng túng

Nhận định về tình hình dịch, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, chúng ta phải đối mặt với đợt bùng phát dịch lần thứ tư với diễn biến phức tạp, lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố. Đến nay, dịch bệnh covid-19 đã có ở 63/63 tỉnh Thành phố trên cả nước và đang diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tính mạng và sức khỏe của Nhân dân.

Tuy nhiên, theo đại biểu với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự chỉ đạo quyết liệt, quyết đoán, sáng tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã đạt được những kết quả tích cực. Các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhà nước, các bộ, ngành đã chủ động đẩy mạnh ngoại giao vaccine, thuốc điều trị; nhiều giải pháp phòng, chống dịch được Chính phủ chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, đất nước ta đang chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu tại hội trường sáng nay, 9.11

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu tại hội trường sáng nay, 9.11

Ảnh: Quang Khánh

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Công tác dự báo tình hình dịch bệnh, công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở một số địa phương còn lúng túng; việc ban hành một số quy định thủ tục hành chính ở một số địa phương không thống nhất, gây khó khăn cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa; tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở nhiều địa phương còn thấp. Sau đợt dịch lần thứ tư, người dân lao động sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam trở về quê đông, khó kiểm soát và quản lý, có nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh phức tạp, số ca mắc những ngày gần đây vẫn tăng; chi phí xét nghiệm còn nhiều bất cập, hạn chế…

Phân tích rõ thực trạng này, đại biểu đề nghị, Chính phủ nên xem xét chỉ đạo sớm, đánh giá lại quy định tạm thời về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19 để có điều chỉnh phù hợp, kiểm soát tốt hơn hơn tình hình dịch bệnh, để giảm số ca mắc, giảm số ca tử vong trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay.

Cho rằng, kinh phí chi cho việc xét nghiệp, sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao là rất lớn, nhất là các bệnh viện, đại biểu cho rằng, nếu như không có giải pháp thu phí một phần hoặc toàn bộ đối với việc xét nghiệm sàng lọc các đối tượng trên, thì sẽ là gánh nặng cho các cơ sở khám chữa bệnh và ngân sách địa phương.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành Nghị quyết về việc tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp

Đề cập đến lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu cho rằng, trong năm qua dù cũng đã gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng ngành nông nghiệp vẫn có sự tăng trưởng khá, thể hiện rõ vai trò nền tảng, vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Bên cạnh đó sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả sản xuất còn thấp, liên kết trong sản xuất chưa bền vững…

Để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị trước hết cần tháo gỡ những bất cập về tích tụ đất đai, nhất là hạn mức đất nông nghiệp, đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung đất đai, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đối với sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

“Chính phủ xem xét nghiên cứu ban hành Nghị quyết về việc tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao; đồng thời rà soát, bổ sung các cơ chế để đẩy mạnh việc thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư, liên kết sản xuất với nông dân một cách bền vững, để người nông dân an tâm sản xuất”, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị.

Trước thực trạng quản lý đất rừng của một số công ty nông, lâm nghiệp không hiệu quả kéo dài, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo giải quyết sắp xếp lại các công ty nông, lâm nghiệp; rà soát, bàn giao lại một số diện tích đất ở, đất sản xuât nông nghiệp cho địa phương quản lý để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương.

Hà An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/danh-gia-quy-dinh-tam-thoi-ve-viec-thich-ung-an-toan-linh-hoat-voi-dich