Đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh

Ngày 2/10/2024, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tóm tắt công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tóm tắt công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3

Bão số 3 là cơn bão lịch sử, có diễn biến phức tạp. Xác định đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, sức tàn phá lớn, các cấp, ngành và người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó.

Tuy nhiên do bão số 3 có cường độ mạnh cộng với mưa lớn kéo dài sau bão đã gây thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phát biểu tham luận tại hội nghị

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phát biểu tham luận tại hội nghị

Tính đến ngày 30/9, do ảnh hưởng của mưa bão, trên địa bàn tỉnh có 3 người chết, 10 người bị thương; 13.671 hộ gia đình bị thiệt hại về nhà cửa; trên 8.942 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, 30.781 ha diện tích cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng; trên 250 công trình, hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng; trên 1.500 vị trí sạt lở trên các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường tuần tra biên giới, đường huyện; 410 cột điện cao thế và hạ thế bị gãy đổ...Ước tỉnh tổng thiệt hại bước đầu trên 1.400 tỷ đồng. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đang tiếp tục rà soát, đánh giá và cập nhật thống kê thiệt hại.

Lãnh đạo UBND huyện Tràng Định phát biểu tại hội nghị

Lãnh đạo UBND huyện Tràng Định phát biểu tại hội nghị

Trước, trong và sau bão, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đến khu vực bị ảnh hưởng để chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại.

Cùng với đó, các cấp, ngành liên quan tập trung huy động lực lượng để tham gia khắc phục hậu quả mưa, bão kịp thời.

Đến thời điểm hiện nay, các cấp, ngành liên quan đã thăm hỏi, động viên hỗ trợ 3 gia đình có người bị chết với kinh phí hỗ trợ 75 triệu đồng; hỗ trợ gia đình có nhà đổ sập, trôi 520 triệu đồng; hỗ trợ các gia đình phải di dời 141 triệu đồng, các gia đình có nhà bị ngập, tốc mái 420 triệu đồng...Cùng với đó, các đơn vị liên quan đã nhanh chóng khắc phục thiệt hại về giao thông, sản xuất nông nghiệp, điện, viễn thông, y tế, giáo dục, thủy lợi.

Về nguồn lực xã hội hóa khắc phục hậu quả bão số 3, tính đến 16 giờ 30 phút ngày 25/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã nhận được gần 125 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Cùng với đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ kinh phí, nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3.

Đồng thời nêu lên những khó khăn, tồn tại trong công tác ứng phó với bão, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới.

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương, ghi nhận sự nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống bão số 3 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, rút kinh nghiệm.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác phòng, chống thiên tai như: công tác thông tin, cảnh báo, tuyên truyền cần chủ động làm sớm với tần suất cao, liên tục, tránh tư tưởng chủ quan; xây dựng và thường xuyên hoàn thiện các phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ; chủ động rà soát, nắm chắc các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ, ngập lụt để kiên quyết di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong phòng, chống thiên tai; đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền huy động nguồn lực xã hội hóa để khắc phục thiệt hại kịp thời, sớm ổn định đời sống, sản xuất...

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành liên quan tiếp tục tập trung hỗ trợ người dân ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; tập trung khắc phục các thiệt hại về trường học, cơ sở y tế, công sở trong tháng 10/2024; khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ, khôi phục sản xuất nông nghiệp; tổng hợp, đánh giá thiệt hại, cân đối nguồn lực để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng; tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực để hỗ trợ người dân; tổ chức khảo sát toàn bộ các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nguy hiểm để có kế hoạch di dời cũng như xây dựng tái định cư cho người dân...

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho đại diện các tập thể

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho đại diện các tập thể

Nhân dịp này, lãnh đạo UBND tỉnh đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 11 tập thể, 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống bão lụt trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các cá nhân

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các cá nhân

TÂN AN-MAI LINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/danh-gia-rut-kinh-nghiem-cong-tac-phong-chong-khac-phuc-hau-qua-bao-so-3-tren-dia-ban-tinh-5023604.html