Đánh giá, sàng lọc hiệu quả để chọn cán bộ 'tinh nhuệ'

Đánh giá đúng, lựa chọn đúng, không bỏ sót những người thực sự có tài có đức, càng không để 'lọt' vào cấp ủy khóa mới những người yếu kém, biến chất là vấn đề đang được đảng viên và nhân dân dành sự quan tâm sâu sắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Lời Bác căn dặn cho thấy cán bộ có vai trò quyết định mọi thành bại của cách mạng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vẫn luôn là chỉ dẫn quý báu đối với công tác cán bộ của Đảng, cả trong hiện tại và tương lai. Đặc biệt, công việc này có ý nghĩa rất quan trọng để tỉnh Bình Thuận hiện thực hóa “Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo Chỉ thị số 35 về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Bộ Chính trị yêu cầu cần có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài. Bởi có làm được như vậy, chúng ta mới có được đội ngũ cấp ủy khóa mới tiêu biểu, thực sự là trung tâm đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội.

Chỉ thị số 35 là văn bản hết sức quan trọng, định hướng rõ những quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu và những nội dung cơ bản chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp để các cấp ủy, tổ chức Đảng quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện ở cấp mình; bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị. Bộ Chính trị đặt ra 7 yêu cầu đối với công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp phải được các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng quy định, nguyên tắc của Đảng... Công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, cấp ủy các cấp và đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu theo quy định, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao, thận trọng từng bước, “làm đến đâu chắc đến đó”. Đặc biệt, Bộ Chính trị yêu cầu cần có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không “bỏ sót” những người thật sự có đức, có tài.

Hiện nay, cả nước cũng đang tích cực sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Trong bối cảnh đó, việc rà soát, sàng lọc, lựa chọn cán bộ có đủ phẩm chất, uy tín và năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển mới để bố trí vị trí công việc khi sắp xếp tổ chức bộ máy và giới thiệu vào cấp ủy nhiệm kỳ tới là vô cùng quan trọng. Điều đó đặt ra yêu cầu phải làm thật tốt công tác kiểm điểm, đánh giá cán bộ. Đặc biệt, đối với các cán bộ, đảng viên có dư luận không tốt hay những trường hợp có đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo thì cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng và xử lý dứt điểm. Công tác xử lý đơn thư phải nghiêm túc, hiệu quả, với sự xác minh rõ ràng, khách quan và đảm bảo công bằng, minh bạch, tránh oan sai hoặc bỏ sót vi phạm. Kết quả xác minh cần được đánh giá, kiểm điểm công khai để các bên liên quan có cơ hội giải trình, từ đó đưa ra các quyết định xử lý phù hợp và nhân văn.

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã có những bước tiến rất quan trọng trong việc phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, từng bước “vươn mình” với các tỉnh Đông Nam bộ, đứng ở vị trí “xứng đáng” trong toàn quốc. Một trong những nhân tố quyết định thành công là Bình Thuận đã có đội ngũ cán bộ từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trên tất cả mọi phương diện. Qua đó, Bình Thuận đã tạo dựng những tiền đề quan trọng để tiếp tục thực thi đường lối của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII và những quyết sách tại Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu, sự phát triển tương lai... Đội ngũ cán bộ của tỉnh có hơn 50 đồng chí là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tuổi đời dưới 50 chiếm một lượng rất đáng kể. Đó không chỉ là lực lượng đáp ứng trước mắt mà chuẩn bị cho sự phát triển ở các nhiệm kỳ tiếp theo và thậm chí 2 -3 nhiệm kỳ tới. Và cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp từng bước được kiện toàn và phát triển. Hệ thống cán bộ cấp huyện, thị, thành phố, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở đảm bảo vừa đủ về số lượng, cơ cấu và coi trọng chất lượng.

Để chăm lo công việc “gốc” của Đảng, cùng với thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ như đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển... Bình Thuận siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung… nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vấn đề còn lại mang tính quyết định là sự kỳ vọng vào tinh thần công tâm, khách quan, khoa học của các cơ quan tham mưu và những cán bộ trực tiếp tham gia công việc “đãi cát tìm vàng” này. Vì vậy, việc kiểm điểm, đánh giá kỹ lưỡng và xử lý nghiêm minh cán bộ có dư luận xấu hoặc có sai phạm sẽ giúp sàng lọc, lựa chọn được cán bộ tinh nhuệ, là nền tảng quan trọng để sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Và chính sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp cũng chính là thước đo hiệu quả của người cán bộ…Đó cũng chính là căn cứ chọn lựa, sàng lọc được đội ngũ cán bộ xứng tầm, đáp ứng cả nhu cầu trước mắt và lâu dài.

DỤNG VĂN DUY

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/danh-gia-sang-loc-hieu-qua-de-chon-can-bo-tinh-nhue-126940.html