Đánh giá, sử dụng cán bộ
ĐBP - Đúc kết từ thực tiễn sinh động của cách mạng nước ta, Bác Hồ đã khẳng định quan điểm về công tác đánh giá cán bộ rất sâu sắc, cụ thể: 'Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí của họ có nhận tốt hay không'.
Thấm nhuần lời dạy của Người, trong tình hình hiện nay đang đòi hỏi càng cần phải nghiêm túc nhìn thẳng vào những yếu kém trong công tác cán bộ, như: Đánh giá cán bộ đôi khi còn thiếu khách quan, nặng tính bảo thủ; quá cầu toàn; áp đặt thành kiến cá nhân; đánh giá theo cảm tính; hay cục bộ bản vị địa phương… Các sai sót đó dù muốn hay không vô hình dung đã làm mất đi cán bộ, đảng viên tốt. Mặt khác, có một số cán bộ, đảng viên do nhờ chạy vạy, “giỏi” luồn cúi nịnh hót, cầu cạnh… mà lọt qua các bước sàng lọc, quy hoạch theo các “cửa hẹp” do công tác đánh giá cán bộ qua loa, tắc trách…
Nước ta đang trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong điều kiện hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, thì việc xây dựng một đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài để đủ sức cáng đáng mọi nhiệm vụ được giao, bảo đảm thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một yêu cầu hết sức quan trọng cả về trước mắt và lâu dài. Do đó, càng đòi hỏi việc đánh giá, nhận xét, bổ nhiệm cán bộ cần phải thật chu đáo, chặt chẽ, thấu tình đạt lý theo tinh thần lấy đạo đức cách mạng làm đầu, lấy tài năng làm chỗ dựa và lấy hoạt động thực tiễn làm thước đo về độ tin cậy.
Báo cáo Chính trị trình tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết…”.
Chủ trương về công tác cán bộ đã rõ, vấn đề là cụ thể hóa để chủ trương ấy thành hiện thực và mang lại hiệu quả tốt đẹp nhất, là trách nhiệm của mỗi đảng viên, trước hết là cấp ủy và người đứng đầu trong việc lựa chọn, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
Thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đánh giá, sử dụng cán bộ được xem là một quan điểm nhất quán, chắc chắn sẽ góp phần xây dựng một đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/188215/danh-gia-su-dung-can-bo