Đánh giá thiệt hại do mưa lũ bằng ảnh vệ tinh
Vệ tinh radar có khả năng chụp xuyên mây, giúp củng cố năng lực giám sát thiên tai, đánh giá nhanh thiệt hại vùng ngập lũ và lân cận.
Đánh giá nhanh thiệt hại do bão Yagi
Các nhà khoa học tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đang xử lý các hình ảnh vệ tinh radar nhằm đánh giá nhanh thiệt hại tại các khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển bị ảnh hưởng do bão Yagi và vùng lũ lụt lân cận Hà Nội.
TS Vũ Anh Tuân, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, những ngày gần đây, các nhà khoa học tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã sử dụng dữ liệu ảnh chụp từ vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp (SAR) để có cái nhìn ban đầu nhằm đánh giá nhanh thiệt hại tại các khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển bị ảnh hưởng do bão Yagi tại Quảng Ninh và Hải Phòng.
Dữ liệu được thu thập bao gồm 2 cảnh ảnh Sentinel-1 (vệ tinh SAR của châu Âu, băng tần C, độ phân giải không gian 10m) chụp ngày 29/8/2024 (thời điểm trước bão) và chụp ngày 10/9/2024 (thời điểm bão vừa đi qua).
Sử dụng các công cụ xử lý ảnh nhanh trên phân cực VV, tăng cường chất lượng ảnh và đánh giá bằng cảm quan, các khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển đã bị thiệt hại rất nặng nề.
Bên cạnh đó, để khảo sát đánh giá vùng bị ngập Hà Nội, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ chụp ảnh vệ tinh và bước đầu thu được kết quả. Trong đó, hình ảnh vệ tinh viễn thám radar ASNARO-2 (băng tần X, độ phân giải 2m, tương tự vệ tinh LOTUSat-1 của Việt Nam trong tương lai) chụp vào 17 giờ 33 phút ngày 12/9/2024, khu vực Hà Nội và vùng phụ cận.
Quan sát ảnh vệ tinh có thể thấy rõ các địa điểm như sân bay Nội Bài ở phía bên trên của ảnh, hồ Tây phía bên dưới và cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng. Đặc biệt trên ảnh có thể thấy rõ khu vực ngập xung quanh sông Cà Lồ gần sân bay Nội Bài.
Ảnh vệ tinh ASNARO-2 chụp ngày 12/9/2024, có thể thấy khu vực dọc sông Cà Lồ có xuất hiện các vùng ngập lụt hai bên bờ sông. Nguồn: Ảnh từ vệ tinh quan sát trái đất ASNARO-2 do NEC Corporation cung cấp.
Các kết quả này mới chỉ là kết quả bước đầu dựa trên xử lý nhanh ảnh SAR bởi các cán bộ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Qua đó cũng cho thấy tính ưu việt của ảnh SAR trong cung cấp thông tin liên quan đến thiên tai nhờ khả năng chụp xuyên mây (trong thời gian này ảnh vệ tinh quang học không quan sát được mặt đất).
Ứng phó với hoàn lưu các cơn bão
Đầu giờ chiều ngày 10/9/2024, tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, đã xảy ra sự cố tràn, sạt lở và vỡ bờ bao tại Đầm Khoai, xóm Cầu Lai, thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn. Điểm vỡ bờ bao rộng khoảng 5 - 6 mét đã khiến nước suối Cầu Lai tràn vào, gây ngập úng khoảng 12 hecta đất nông nghiệp.
Nguyên nhân sơ bộ được xác định là do mực nước sông Công quá cao, dẫn đến việc nước chảy tràn qua suối Cầu Lai, gây ra sự cố. Theo như ghi nhận trên ảnh vệ tinh ASNARO-2 thì tình trạng ngập lụt vẫn còn tiếp diễn đến thời điểm chụp ảnh vào ngày 12/9/2024. Điều này cho thấy độ chính xác cao của ảnh vệ tinh.
Theo TS Vũ Anh Tuân, để đánh giá chính xác hơn, cần nhiều thời gian xử lý hơn và phối hợp với thông tin kiểm chứng thực địa. Tuy vậy, trong tình hình gấp rút ứng phó với bão, mọi thông tin có được đều hết sức quý giá.
Trong thời gian tới, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác nước ngoài để khai thác ảnh vệ tinh SAR và xử lý nhanh nhằm đưa ra các thông tin góp phần chủ động ứng phó với hoàn lưu các cơn bão.
Tương lai, Việt Nam đặt mục tiêu chế tạo, hoàn thiện vệ tinh LOTUSat-1, vệ tinh công nghệ radar đầu tiên của Việt Nam để có thể phóng lên quỹ đạo vào năm 2025.
“Khi có vệ tinh radar riêng của Việt Nam thì chúng ta sẽ kịp thời và chủ động hơn khi chụp các vùng quan tâm”, TS Vũ Anh Tuân nói.
Vệ tinh LOTUSat-1 thuộc dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái đất”. Vệ tinh có trọng lượng 600 kg, sử dụng công nghệ radar mới nhất với nhiều ưu điểm như phát hiện các vật thể kích thước từ 1m trên mặt đất, khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm.
Vệ tinh LOTUSat-1 sẽ chụp ảnh và cung cấp các thông tin chính xác để ứng phó giảm thiểu tác động của thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên và giám sát môi trường. Khác với các vệ tinh quang học, vệ tinh radar có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết, đặc biệt khi thời tiết có mây, sương mù, điều kiện thiếu ánh sáng.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/danh-gia-thiet-hai-do-mua-lu-bang-anh-ve-tinh-post701426.html