Đánh giá tổng thể các nguy cơ về thiên tai, sạt lở đất
Cử tri kiến nghị: Đề nghị quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá tổng thể các nguy cơ về thiên tai, sạt lở đất, cháy nổ, an toàn hồ đập, an toàn giao thông, an toàn khi tổ chức các sự kiện có đông người... để có giải pháp phù hợp, chủ động đề phòng và xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn cho người dân.
Cử tri kiến nghị: Đề nghị quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá tổng thể các nguy cơ về thiên tai, sạt lở đất, cháy nổ, an toàn hồ đập, an toàn giao thông, an toàn khi tổ chức các sự kiện có đông người... để có giải pháp phù hợp, chủ động đề phòng và xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn cho người dân.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) có Văn bản số 8711/BTNMT-TCKTTV, ngày 13/12/2024 trả lời như sau: Trong thời gian gần đây, tình hình sạt lở đất, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện điều tra, khảo sát tại một số vị trí xảy ra sạt lở đất, lũ quét, đồng thời thực hiện các đề tài nghiên cứu về vấn đề này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo dự báo và cung cấp kịp thời, đầy đủ các bản tin dự báo bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất đến các cơ quan chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền tải sớm nhất cho nhân dân các địa phương. Đối với các cơn bão ảnh hưởng trực tiếp hoặc có khả năng đổ bộ vào đất liền, đã dự báo sát thực tế trước từ 2 - 3 ngày, dự báo tương đối chính xác trước ít nhất là 24 giờ thời điểm bão/áp thấp nhiệt đới đổ bộ và vùng ảnh hưởng của các cơn bão/áp thấp nhiệt đới khi ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, cụ thể: Đầu tư, tự động hóa và tăng dầy các trạm quan trắc tự động cho các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai; đầu tư thiết bị, công nghệ quan trắc, thu thập và xử lý số liệu tự động đối với mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; hoàn thiện hệ thống tích hợp dữ liệu khí tượng thủy văn tập trung.
Ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại xác định ngưỡng mưa chi tiết hơn; tăng cường độ phân giải dự báo mưa định lượng lên 1 - 3 km, sử dụng đồng hóa nhiều nguồn dữ liệu tạo bản đồ mưa như dữ liệu quan trắc, radar, mô hình số nhằm xác định khu vực xuất hiện các tâm mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất. Cập nhật, cung cấp các thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực tại địa chỉ: http://luquetsatlo. nchmf.gov.vn. Đưa vào hoạt động hệ thống cảnh báo sớm dông, sét, mưa lũ tại địa chỉ: https://iweather.gov.vn.
Nâng cấp và đổi mới hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai và xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai; tăng cường nghiên cứu áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao độ chính xác của các công nghệ dự báo thiên tai, đặc biệt là đối với các trị số cực đoan, bất thường và hiện tượng lũ quét, sạt lở đất. Thực hiện Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.
Triển khai thực hiện Đề án "Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi trung du Việt Nam” (Quyết định số 1262/QĐ-TTg, ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó trọng tâm thực hiện điều tra khảo sát hiện tượng sạt lở đất, lũ quét; khoanh định chi tiết các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét để cảnh báo và xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm, hệ thống bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai sạt lở đất, lũ quét tổng thể, đồng bộ, tỷ lệ phù hợp; cung cấp, trao đổi thông tin cảnh báo với cộng đồng dân cư, tăng cường năng lực ứng phó sạt lở đất, lũ quét.