Đánh giá về ô nhiễm môi trường tại Việt Nam: Các biện pháp tài chính cần được đẩy mạnh
Ngày 11/2/2020 tại Hà Nội, Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng (IRECO) đã tổ chức hội thảo 'Đánh giá các nguồn thải công nghiệp gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và đề xuất góp ý cho Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi' với sự tham dự của nhiều chuyên gia về môi trường và pháp luật.
Theo GS. TS Đặng Kim Chi - đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, ô nhiễm môi trường tác động đến sức khỏe con người có nguyên nhân chủ yếu từ các hoạt động công nghiệp. Chính sự gia tăng của công nghiệp đã kéo theo việc gia chất thải vào không khí.
Bên cạnh đó, các phương tiện giao thông cũng là yếu tố gây ra ô nhiễm. Vì thế, cần có các biện pháp quản lý tổng hợp từ văn bản pháp luật, chính sách và giáo dục tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, kết hợp với các biện pháp khoa học nhằm kiểm soát nguồn thải, bảo đảm yêu cầu về chất lượng môi trường.
Ông Trần Đình Sính - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID) cho biết, một nhà máy nhiệt điện than (NĐT) 1.200 MW vẫn thải ra môi trường 7,8 tấn bụi PM10, trong đó có 2,3 tấn bụi PM2.5/ngày. Khảo sát với người dân sống gần các nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, Hải Phòng và Quảng Ninh cho biết, 60,6 - 89% người dân thừa nhận ô nhiễm không khí là do chính các nhà máy điện ở đây. Theo các số liệu dự báo, lượng bụi từ NĐT năm 2030 sẽ tăng gấp 9 lần so với 2015.
Báo cáo của Green ID cũng đề cập là NĐT gây ô nhiễm cả với đất đai (hầu như chưa có cách xử lý tro xỉ than), ô nhiễm nước (nước làm mát xả ra môi trường có nhiệt độ gần 40oC, phá hủy hệ sinh thái dưới nước khiến ngành đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản thiệt hại nặng nề). Ngoài ra, sự ô nhiễm này cũng gây ra những tác động xã hội khiến người dân đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản bị thất nghiệp, phải chuyển sang nghề khác...
Cũng cần nói thêm, giá thành NĐT hiện nay được coi là rẻ nhưng chưa hề tính tới tác động với môi trường, sức khỏe người dân. Vì thế, nếu tính đến cả những tác động môi trường và xã hội thì giá thành NĐT sẽ là cao nhất.
Theo TS Nguyễn Văn Hải - giảng viên Khoa Hóa học, Đại học Sư phạm Hà Nội, NĐT hiện có mặt tại 77 nước trên thế giới với tổng công suất 1.995 GW. Tuy nhiên, số dự án xây dựng NĐT trên toàn cầu đã giảm gần một nửa trong năm 2016. Chỉ riêng nước Mỹ từ 2010 đến đầu 2017 đã đóng cửa 250 nhà máy NĐT. Ngay cả Trung Quốc cũng đang cho dừng hàng loạt nhà máy NĐT (khoảng 600 nhà máy), thậm chỉ là cấm cửa NĐT có thể khiến công nghệ NĐT chuyển sang Việt Nam.
Qua thực tế này, TS. Nguyễn Văn Hải đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta lại đi theo NĐT mà không tìm giải pháp phát triển điện khí, điện sinh khối hay điện mặt trời? Ông cũng đề cập là Việt Nam đang ngày một gia tăng nhập khẩu than để phát điện với mức tăng của 2030 gấp 3 lần 2020 và gấp 8 lần. Điều này cho thấy 3/4 tiêu thụ năng lượng của Việt Nam là từ nhập khẩu than và đến 2030 thì NĐT cần đến 120 triệu tấn than.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo và Phát triển Cộng đồng (RTCCD), điều phối viên Liên minh Phòng chống các bệnh Không lây nhiễm (NCDs-VN) - lại đề cập một thực tế là các nhà máy thép và nhiệt điện thường được bố trí ở nơi có nguồn nước vì nhu cầu rất lớn để làm mát, chạy turbin... Và nước thải dù đã hay chưa được xử lý vẫn được đưa trở lại vào một vùng chứa nước. Các kim loại và hóa chất trong nước thải sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái và sức khỏe của người dân sống cạnh các nguồn nước đó.
Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi 2020, luật sư Đặng Đình Bách - Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) đề nghị việc kiểm soát ô nhiễm môi trường thông qua các biện pháp tài chính cần được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế giám sát phải có 3 góc độ: tham vấn cộng đồng, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân và tăng cường trách nhiệm giải trình của các chủ thể có liên quan. Ngoài ra, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng ngày càng trở nên trầm trọng, việc đề cao các biện pháp tài chính và sự tham gia của cộng đồng là hết sức cần thiết.
Kết luận hội thảo, PGS. TS Bùi Thị An - Viện trưởng IRECO khẳng định, sức khỏe của người dân phải là ưu tiên số một trong phát triển kinh tế và các ngành công nghiệp phải tuân thủ một cách nghiêm túc các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường.
Theo bà, trong khi nhiều nước đang dần loại bỏ NĐT thì việc Việt Nam lại dự kiến phát triển NĐT là đi ngược với xu thế của thế giới văn minh.