Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về công nghệ thông tin tại Văn phòng Quốc hội

Sáng 20.6, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương, Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Văn phòng Quốc hội về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1.7.2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế và Đề án Nghị quyết của Bộ Chính trị về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số - xã hội số.

Tham dự cuộc làm việc có: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu

Báo cáo tóm tắt về việc thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, đại diện Văn phòng Quốc hội cho biết, Văn phòng Quốc hội đã nghiên cứu, quán triệt thực hiện nghị quyết tới cán bộ, đảng viên nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện. Trong đó, tập trung nghiên cứu các quan điểm cơ bản của Đảng về vai trò, vị trí, ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong giai đoạn mới; đồng thời, chú trọng nghiên cứu, nắm vững các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của Nghị quyết để vận dụng vào thực tiễn của Văn phòng Quốc hội.

Để phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã đầu tư, cung cấp nhiều dịch vụ công nghệ thông tin cho đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức thuộc Văn phòng Quốc hội như: dịch vụ thư điện tử, trang thông tin nội bộ intranet, dịch vụ internet qua proxy, các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động tại Văn phòng Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu

Bên cạnh đó, để phù hợp với xu thế phát triển công nghệ hiện nay, đặc biệt là đối phó với các dạng tấn công mạng mới ngày càng phức tạp và tinh vi, Văn phòng Quốc hội đã và đang tổ chức quy hoạch, tối ưu lại thiết kế mạng công nghệ thông tin hiện tại.

Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim phát biểu

Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim phát biểu

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội có quá trình phát triển lâu dài; các cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin tại Văn phòng Quốc hội đã được đầu tư xây dựng trong nhiều năm. Qua thực tế sử dụng, các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin đã đáp ứng phần nào quá trình xử lý công việc và khai thác thông tin. Tuy nhiên do các phần mềm công nghệ thông tin này được đầu tư đã lâu, không có sự thống nhất trong xây dựng, dù nhiều lần nâng cấp nhưng nhiều thành phần phần mềm bị lỗi nên gặp nhiều khó khăn trong khắc phục. Trong khi đó, cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin của Văn phòng Quốc hội còn thiếu nhiều về số lượng và trình độ chuyên môn; công tác tuyển dụng, thu hút nhân lực công nghệ thông tin trình độ cao vào cơ quan nhà nước rất khó khăn…

Văn phòng Quốc hội đề xuất tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến: việc triển khai các phần mềm nghiệp vụ, cơ sở dữ liệu; giải pháp chia sẻ dữ liệu lớn; cơ chế thuê tư vấn trong lĩnh vực công nghệ thông tin; có chính sách thu hút nhân lực công nghệ thông tin; cơ chế chi phục vụ hoạt động bảo trì hệ thống vận hành công nghệ thông tin; chính sách hỗ trợ để các cơ quan truyền thông của Quốc hội đẩy mạnh chuyển đổi số; giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số trong công tác lưu trữ… Văn phòng Quốc hội cũng đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; đẩy nhanh việc triển khai Đề án Quốc hội điện tử với các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nâng cao hiệu quả các hoạt động của Quốc hội trong tời gian tới, bảo đảm việc thực hiện được đồng bộ, kế thừa, kết nối, phát triển cả chiều sâu, chiều rộng… Sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Kiến trúc Quốc hội điện tử, là căn cứ để xây dựng các nền tảng về hạ tầng kỹ thuật – công nghệ, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu… hiện đại, bảo đảm an toàn, bảo mật, đáp ứng nhu cầu lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn, cũng như triển khai các ứng dụng số phục vụ các hoạt động của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu một số kiến nghị, đề xuất với Đoàn công tác về các giải pháp phục vụ công tác xây dựng Đề án Nghị quyết của Bộ Chính trị về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số - xã hội số…

Các đại biểu dự phiên họp

Các đại biểu dự phiên họp

Thay mặt Đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đánh giá cao các ý kiến phát biểu và cho biết sẽ ghi nhận, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của Văn phòng Quốc hội phục vụ nhiệm vụ xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1.7.2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế và Đề án Nghị quyết của Bộ Chính trị về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số - xã hội số.

Văn phòng Quốc hội là đơn vị đầu tiên Đoàn công tác làm việc nhằm đánh giá kết quả đạt được trong việc triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị; những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện; các bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai Nghị quyết; lắng nghe các kiến nghị, định hướng về chuyển đổi số quốc gia.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ tham mưu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách theo thẩm quyền, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương.

Tin và ảnh: Hồ Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/danh-gia-viec-thuc-hien-nghi-quyet-cua-bo-chinh-tri-ve-cong-nghe-thong-tin-tai-van-phong-quoc-hoi-i376273/