Danh hài Chí Tài: Khán giả thương yêu, tiếng cười còn mãi
Tang lễ nghệ sĩ Chí Tài được tổ chức tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP HCM); lễ viếng từ 9 giờ đến 16 giờ ngày 12-12
Hai ngày qua, dư luận khán giả và văn nghệ sĩ trong, ngoài nước đã dành cho nghệ sĩ Chí Tài rất nhiều bài viết trên trang cá nhân. Mạng xã hội tràn ngập hình ảnh của anh và lời chia buồn sâu sắc. Có cả những lời chỉ trích khi hàng trăm Streamer, YouTuber đã đổ xô đến Trung tâm Pháp y TP HCM để quay phim, chụp ảnh về sự ra đi của nghệ sĩ Chí Tài gây ra tình trạng ồn ào, phản cảm.
Nghệ sĩ hãy sống như Chí Tài!
Với những người yêu mến nghệ sĩ Chí Tài, sự ra đi của ông là mất mát quá lớn, đồng thời cũng tác động đến số đông nghệ sĩ về việc biết gìn giữ sức khỏe và hình ảnh của mình trước công chúng.
NSƯT Hoài Linh tâm sự rằng nghệ sĩ Chí Tài luôn sống nghiêm túc với bản thân. Ông luôn làm mới sàn diễn qua các nhân vật trên sân khấu kịch. Sự chia ly đột ngột của ông với làng giải trí là mất mát không có gì bù đắp, nhất là đối với sàn diễn hài kịch tử tế. Và cũng từ đó, anh và nghệ sĩ Việt Hương cũng đứng trước áp lực quá lớn của hàng triệu khán giả, khi họ bày tỏ niềm tiếc thương, mong muốn có một lễ tang được tổ chức để đến viếng nghệ sĩ Chí Tài, tiễn đưa ông về với gia đình bên Mỹ. "Thể theo nguyện vọng đó, ca sĩ Phương Loan - vợ của cố nghệ sĩ Chí Tài - đã ủy quyền cho tôi và nghệ sĩ Việt Hương tổ chức tang lễ lúc 7 giờ 45 phút ngày 12-12. Lễ viếng từ 9 giờ đến 16 giờ cùng ngày tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng - số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP HCM" - NSƯT Hoài Linh, Trưởng Ban Tang lễ nghệ sĩ Chí Tài, thông tin.
Nghệ sĩ Việt Hương cho biết thêm sau đó, thi hài nghệ sĩ Chí Tài sẽ được đưa đến sân bay Tân Sơn Nhất để làm thủ tục về Mỹ theo nguyện vọng của gia đình. Bên Mỹ, nghệ sĩ Hoài Tâm và một số đồng nghiệp đã trực tiếp đến giúp ca sĩ Phương Loan. Trong đó có anh Chí Thiện là anh ruột của nghệ sĩ Chí Tài. Nhiều đồng nghiệp thân thiết cũng sẽ có mặt để hỗ trợ gia đình. "Dù ở Mỹ đang trong đợt hạn chế tụ tập nhưng gia đình và những đồng nghiệp đã chuẩn bị tổ chức tang lễ của nghệ sĩ Chí Tài vào thời điểm thích hợp, tuân thủ mọi quy định phòng chống dịch bệnh" - nghệ sĩ Việt Hương nói.
NSND Kim Cương cho rằng mỗi nghệ sĩ khi còn sống hãy sống như Chí Tài được đón nhận tình cảm quá lớn của khán giả. Họ yêu thương anh, nên tiếng cười của anh sẽ còn mãi.
Nỗi đau của người bạn tri âm
Nếu vợ của nghệ sĩ Chí Tài là bạn đời tri kỷ thì NSƯT Hoài Linh là người bạn tri âm. Bởi, chính anh là người phát hiện ra duyên hài của nghệ sĩ Chí Tài khi đó chơi trong ban nhạc "Chi Tai’s Brothers" năm 1997. Và khi đã đạt được nhiều thành quả qua sự hợp tác để tạo thành cặp song tấu hài, cả hai đã về nước, gắn với Sân khấu Nụ Cười Mới từ năm 2003. "Chúng tôi đã có 13 năm cùng học diễn xuất trong những vở kịch dưới sự dìu dắt của đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu và nhiều nghệ sĩ tiền bối. Sự ra đi của anh đã làm tôi suy sụp, không chấp nhận thực tế. Tôi đã mất một người anh, người bạn diễn và một tri âm có thể chia sẻ những vui buồn trong nghệ thuật" - NSƯT Hoài Linh nói trong nước mắt.
Nghệ sĩ Chí Thiện xác nhận tình bạn của Hoài Linh - Chí Tài rất lớn, có sức ảnh hưởng đến những quyết định trong nghệ thuật, cuộc sống của nhau. Tất cả thành viên trong ban nhạc "Chi Tai’s Brothers" (được thành lập năm 1981) gồm Quang Mỹ (bass), Phương Loan (ca sĩ chính), Kiều Linh (trumpet), Chí Thái (trống), Trịnh Nam Sơn (kèn, keyboard)… đều ghi nhận sự lấn sân sang hài kịch đã mở thêm con đường nghệ thuật cho Chí Tài và họ đều ngậm ngùi khi biết chính Hoài Linh, chứ không ai khác cũng là người lo hậu sự cho người anh tri âm đến với nhau như định mệnh.
Họ đã tương tác qua nhiều vai diễn, từ vở "Ông bà vú nuôi", "Nửa ngày yêu", "Ra giêng anh cưới em", "Cổ tích tình yêu", "CLB quý bà"… trên Sân khấu Nụ Cười Mới, cho đến các live show của Hoài Linh, khán giả thật sự đã khóc, cười với các nhân vật rất bình dị, duyên dáng của Chí Tài - Hoài Linh. Biết mình vào nghề từ văn nghệ quần chúng nên nghệ sĩ Chí Tài luôn muốn được học hỏi, trau dồi nghề nghiệp. "Anh là người nghệ sĩ biết lắng nghe và quan sát để học hỏi" - NSND Trần Ngọc Giàu nhận xét.
Đi lên từ phong trào văn nghệ tại phường 8, quận Phú Nhuận, TP HCM năm 1977, ban đầu nghệ sĩ Chí Tài tham gia đội múa, đã từng biểu diễn bài múa tập thể về giai điệu "Tháp Chàm" và hát tốp ca. Anh trai của ông là nghệ sĩ Chí Thiện từ nhỏ đã say mê học đàn và là tấm gương để ông nối bước theo nghề biểu diễn. Năm 1978, Chí Tài trở thành cây guitar có tiếng tại phong trào văn nghệ quận Phú Nhuận. Ông đứng ra thành lập nhóm ca khúc chính trị mang tên "Lướt sóng". Nhóm của ông có nhiều tiết mục dân ca cải biên được yêu thích như: "Lê Anh Nuôi", "Trèo lên quán dốc", "Hát hội trăng rằm"... và chất hài hước của ông bộc lộ từ đó.
Cuộc bứt phá ngoạn mục của ông khi đủ duyên gặp gỡ danh hài Hoài Linh, để từ đó cả hai làm nên cặp đôi mang lại tiếng cười châm biếm rất ấn tượng. Khán giả sẽ không thể nào quên nghệ sĩ Chí Tài, cũng như những vai diễn và tiếng cười của ông còn sống mãi trong tâm trí người mộ điệu.
Nghệ sĩ Chí Tài qua đời lúc 13 giờ 35 phút ngày 9-12, hưởng thọ 63 tuổi. Ông bị đột quỵ, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện ở quận Phú Nhuận, TP HCM nhưng không qua khỏi.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/khan-gia-thuong-yeu-tieng-cuoi-con-mai-20201210223553392.htm