Danh hiệu thủ khoa, á khoa có đang bị lạm dụng sau kỳ thi tuyển sinh 10?

Mỗi trường phổ thông chuyên chỉ tuyển vài trăm học sinh đầu vào mà vinh danh đến trên 20 thí sinh là thủ khoa, á khoa, e rằng chưa thực sự phù hợp cho lắm.

Từ “thủ khoa” là một từ cũ và theo từ điển tiếng Việt thì từ thủ khoa là chỉ người đỗ đầu khoa thi hương; người đỗ đầu kì thi có tính chất quốc gia. Nhưng, bây giờ từ thủ khoa được dùng tràn lan khắp nơi.

Khi kỳ thi tuyển sinh 10 hàng năm đi qua, chúng ta lại thấy xuất hiện “thủ khoa” điểm thi tuyển sinh 10 của địa phương; thủ khoa đầu vào trường chuyên; thủ khoa đầu vào lớp chuyên; thủ khoa đối với các lớp không chuyên; thủ khoa của từng trường trung học phổ thông không chuyên…

Năm nay cũng vậy, sau khi nhiều địa phương công bố điểm thi tuyển sinh 10 và điểm chuẩn đầu vào các trường trung học phổ thông xuất hiện khá nhiều “thủ khoa” khác nhau. Liệu, chúng ta có đang lạm dụng danh xưng này?

Thống kê thủ khoa, á khoa của các lớp chuyên trên website của một sở giáo dục và đào tạo. Ảnh chụp màn hình

Thống kê thủ khoa, á khoa của các lớp chuyên trên website của một sở giáo dục và đào tạo. Ảnh chụp màn hình

Thủ khoa xuất hiện ở khắp nới

Thời phong kiến, thường thủ khoa là người đỗ đầu kỳ thi Đình (Đình nguyên) do nhà vua tổ chức cho các tân tiến sĩ đã đỗ trong kỳ thi Hội để chọn tam khôi và phân hạng tiến sĩ. Thời phong kiến đi qua, khi nhắc đến danh hiệu thủ khoa thường dùng cho những người đạt điểm cao nhất trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; thủ khoa đầu vào, đầu ra đại học.

Những người được tôn vinh là thủ khoa thường rất ít và được mọi người ngưỡng vọng.

Còn bây giờ, danh xưng thủ khoa; á khoa; tam khoa được gọi nhiều vô kể. Gần như trường trung học phổ thông nào khi tuyển đầu vào lớp 10 cũng tôn vinh những thí sinh đạt điểm cao với những danh hiệu mà nhiều người chỉ đọc, chỉ nghe qua cũng thấy… thích thú.

Chỉ cần tra vào trang google.com bằng từ khóa “thủ khoa đầu vào lớp 10” đã có 21.205 kết quả hiện ra và mọi người dễ dàng đọc về chân dung những thủ khoa đã được phản ánh trong thời gian qua.

Hiện nay, cả nước có hơn 2.700 trường trung học phổ thông, nếu chỉ tính mỗi trường 1 thủ khoa sẽ có hơn 2.700 thủ khoa- đó là chưa kể một số trường còn có tình trạng “đồng thủ khoa” khi các thí sinh bằng điểm với nhau.

Ngoài ra, còn có á khoa, tam khoa nữa nhân lên sẽ ra những con số nhiều vô kể.

Đặc biệt, theo số liệu thống kê năm 2018, cả nước có 82 trường chuyên, trường năng khiếu. Trong mỗi trường có đến có trên dưới chục môn chuyên. Vì thế, ngoài thủ khoa của trường thì mỗi môn chuyên lại có thêm 1 thủ khoa, á khoa đầu vào của mỗi lớp chuyên nữa.

Chẳng hạn, trên cổng thông tin điện tử của một sở giáo dục và đào tạo đăng tải thông tin thủ khoa, á khoa của mỗi lớp chuyên.

Có trường trung học phổ thông cũng vinh danh những em có số điểm cao với đầy đủ địa chỉ, tên trường trung học cơ sở đã học, điểm số từng môn, tổng điểm. Đáng chú ý, trường này vinh danh 2 em là “đồng thủ khoa”; 1 em "á khoa" và 2 em “đồng tam khoa” trên bảng danh dự của nhà trường.

Và, rất nhiều thủ khoa, á khoa được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày vừa qua khi các địa phương công bố điểm thi, điểm chuẩn đối với các trường trung học phổ thông công lập.

Việc những thí sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh 10, hoặc các em có điểm đầu vào cao nhất đối với các trường trung học phổ thông chuyên, không chuyên được nhà trường vinh danh cũng là điều cần thiết.

Tuy nhiên, việc vinh danh có nhiều cách khác nhau chứ đâu phải nhất thiết cứ phải gọi những thí sinh có điểm cao nhất của trường, hay ở các lớp chuyên là thủ khoa; á khoa; tam khoa như nhiều trường học, địa phương đang gọi hay không?

Hãy gọi tên bằng những từ ngữ thuần Việt, bình dị nhất

Các từ: “thủ khoa, á khoa, tam khoa” là chỉ dành cho những người đỗ đạt cao nhất ở những kỳ thi lớn, mang tính chất quốc gia. Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng kỳ thi tuyển sinh 10 không nên quá lạm dụng cách gọi thủ khoa, á khoa...

Chẳng hạn, em Nguyễn Văn A đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh 10 của tỉnh B; em Nguyễn Văn C đạt điểm cao nhất vào trường trung học phổ thông D…sẽ phù hợp với quy mô kỳ thi của kỳ thi.

Việc lạm dụng các danh hiệu lớn để đặt vào một kỳ thi tuyển sinh 10 chỉ mang tính chất địa phương, hoặc 1 lớp học chuyên e là quá khiên cưỡng, gượng ép, không hoàn toàn đúng với các bậc học phổ thông hiện nay.

Bởi lẽ, đầu vào lớp 10 cũng đồng nghĩa các em còn 3 năm nữa mới kết thúc bậc học phổ thông, sau phổ thông còn đại học, cao học, nghiên cứu sinh…

Kỳ thi tuyển sinh 10 thực ra cũng chỉ là một kỳ thi chuyển cấp của bậc học phổ thông, đa phần các địa phương chỉ vài chục ngàn thí sinh tham dự, cả nước chỉ duy nhất có Hà Nội là trên 100 ngàn thí sinh dự thi.

Vì thế, cho dù kỳ thi tuyển sinh 10 quan trọng, thậm chí khốc liệt để thí sinh cạnh tranh 1 suất vào các trường trung học phổ thông công lập nhưng thông thường mỗi trường phổ thông chuyên chỉ tuyển vài trăm học sinh đầu vào mà vinh danh đến trên 20 thí sinh là thủ khoa, á khoa thì e rằng chưa thực sự phù hợp cho lắm.

Tài liệu tham khảo:

https://vinhphuc.edu.vn/diem-tuyen-sinh/22-thu-khoa-a-khoa-vao-lop-10-truong-thpt-chuyen-vinh-phuc-c21-345637.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/danh-hieu-thu-khoa-a-khoa-co-dang-bi-lam-dung-sau-ky-thi-tuyen-sinh-10-post236205.gd