Danh hiệu ''Tỉnh Anh hùng', 'Thành phố Anh hùng' cần phải tạo tính công bằng cho các địa phương
Góp ý vào Điều 58 quy định về danh hiệu 'Tỉnh Anh hùng', 'Thành phố Anh hùng', bà Nguyễn Thị Yến Nhi, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng cần phải tạo tính công bằng cho các địa phương.
Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng nay 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng(sửa đổi)
Góp ý thảo luận, bà Nguyễn Thị Yến Nhi, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết: Về nguyên tắc thi đua, khen thưởng được quy định tại điều 6, ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị xem xét bổ sung thêm địa bàn được quan tâm khen thưởng ngoài miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì trên thực tế còn các địa bàn khác có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (các xã bãi ngang trước đây) nhưng không nằm trong nhóm danh sách các xã thuộc khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nếu không quy định việc quan tâm khen thưởng thì không bình đẳng và gây khó khăn khi xét thứ tự ưu tiên khen thưởng khi cùng thỏa các tiêu chí, tiêu chuẩn như các địa bàn khác.
Bà Nguyễn Thị Yến Nhi, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cũng góp ý vào điều 58 quy định về danh hiệu “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng” cần phải tạo tính công bằng cho các địa phương. Bà Nhi cho rằng, việc quy định tiêu chuẩn là trung tâm, là động lực thúc đẩy khu vực và cả nước” sẽ giới hạn đối tượng được xem xét bởi không phải tỉnh thành nào cũng là trung tâm, như vậy sẽ không công bằng cho các tỉnh.
Từ khi thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng đến nay, xuất phát từ vị trí, chức năng và tổ chức của Quốc hội, chưa có hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khen thưởng cho đại biểu Quốc hội và các cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp thiết thực cho hoạt động của Quốc hội; công tác thi đua, khen thưởng đối với ĐBQH và Đại biểu HĐND các cấp còn rất hạn chế, chưa tương xứng với những đóng góp công sức, trí tuệ của đại biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với vai trò, vị trí, trách nhiệm của người đại biểu dân cử.
Từ thực tế đó, ĐBQH tỉnh Bến Tre đã có những đóng góp vào điều 96 quy định về trách nhiệm của UBTVQH trong công tác thi đua, khen thưởng. Cụ thể, ĐBQH tỉnh Bến tre đề nghị bổ sung trách nhiệm của UBTVQH quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc các cơ quan thuộc UBTVQH có đóng góp trong hoạt động của Quốc hội và có hướng dẫn về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu HĐND các cấp và các Ban, các Tổ đại biểu của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.
Ngoài ra, đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre còn có những đóng góp liên quan dự thảo Luật như danh hiệu thi đua đối với tập thể (điều 24); bổ sung quy định kinh phí khen thưởng kèm theo kỷ niệm chương (điều 69); thẩm quyền quyết định khen thưởng (điều 79) và một số nội dung quan trọng khác.
Đại biểu Vũ Hồng Luyến phát biểu thảo luận về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng(sửa đổi)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Vũ Hồng Luyến cũng bày tỏ nhất trí với các nội dung được bổ sung, quy định mới trong dự thảo Luật thi đua khen thưởng (sửa đổi).
Qua đó, đại biểu cũng tham gia 4 ý kiến góp ý để hoàn thiện Luật thi đua khen thưởng (sửa đổi).
Thứ nhất: Điều 28 quy định về danh hiệu “Gia đình tiêu biểu”, đại biểu đề nghị bỏ một trong các tiêu chuẩn để công nhận danh hiệu “Gia đình tiêu biểu” cụ thể là bỏ quy định tại điểm c, khoản 1: “c) Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác đạt chất lượng và hiệu quả cao”. Tiêu chuẩn này chưa phù hợp với thực tiễn vì hiện nay nhiều gia đình có đủ hai tiêu chuẩn (a) và (b) nhưng không đạt tiêu chuẩn (c) do không phải gia đình nào cũng có điều kiện tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai: Nhất trí với dự thảo Luật bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (tại điểm d, khoản 2, Điều 51); Lực lượng thanh niên xung phong là lực lượng phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng Chủ nghĩa xã hội, mở đường thời chiến và tháo gỡ bom mìn trên các tuyến đường Trường Sơn, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, cáng tải thương binh, tử sỹ, thu dọn chiến trường; làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào, Campuchia trước và sau năm 1975 và lực lượng thanh niên xung phong luôn xung kích đi đầu. Lực lượng TNXP đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Danh hiệu cao quý như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng khác. Do đó việc bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” là thiết thực để ghi nhận sự hy sinh cống hiến cho các cựu TNXP.
Thứ ba: Đề nghị bổ sung vào điểm d, khoản 1, Điều 73 về tiêu chuẩn để tặng Bằng khen cấp bộ, ban ngành tỉnh để tặng cho cá nhân:
Bổ sung là “hoặc có 02 năm trở lên liên tục được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ sở”. Do trong thực tế nhiều cá nhân được công nhận là chiến sỹ thi đua cơ sở liên tục nhưng không được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, do tiêu chuẩn của chiến sỹ thi đua cơ sở và tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khác nhau.
Thứ tư: Có quy định tiêu chuẩn cụ thể về các nhóm đối tượng khác nhau trong bình xét thi đua, khen thưởng; nguyên tắc xét khen thưởng phải phân định rõ các nhóm đối tượng để xét thi đua với nhau, ví dụ: đối tượng là lãnh đạo sẽ bình xét thi đua với nhau; đối tượng là người lao động trực tiếp bình xét thi đua riêng với nhau. Quy định cụ thể như vậy sẽ góp phần nâng cao và tăng tỷ lệ khen thưởng cho tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp so với tập thể lớn và cá nhân là lãnh đạo./.