Danh họa Nguyễn Gia Trí: Thành thật với mình
Nguyễn Gia Trí là họa sĩ của thời mỹ thuật Đông Dương, nhắc đến ông là nhắc tới những tác phẩm sơn mài thấm đẫm hồn cốt Việt. Ông được mệnh danh là 'cha đẻ những bức sơn mài tân thời', thậm chí 'vua sơn mài' của Việt Nam.
Kỹ lưỡng với từng phác thảo
Sinh thời, họa sĩ Nguyễn Gia Trí có công lớn trong việc đặt nền móng và phát triển nghệ thuật sơn mài. Với những nét vẽ thanh lịch và tư tưởng mới về nghệ thuật sơn mài, họa sĩ Nguyễn Gia Trí được xem là người đi đầu trong việc chuyển những bức tranh sơn mài từ trang trí thành những tuyệt phẩm nghệ thuật và từ đó ông đã được mệnh danh là “vua sơn mài”.
Cùng với các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, họa sĩ Nguyễn Gia Trí tạo thành bộ tứ nổi tiếng của thời kỳ đầu nền mỹ thuật Việt Nam. Trong bộ tứ “Trí, Vân, Lân, Cẩn”, họa sĩ Nguyễn Gia Trí được biết tới là người đi đầu tìm tòi sáng tác, đưa chất liệu sơn ta truyền thống, vốn quen dùng trang trí, thành chất liệu hội họa sơn mài. Các tác phẩm của ông để lại vẻ đẹp khác biệt, “đi ra từ bóng tối, dưới cục đá mài và bàn tay hăng hái kỳ diệu”, đã góp phần làm rạng danh nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật năm 2012 với năm tác phẩm tranh sơn mài: “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, “Thiếu nữ bên hoa phù dung”, “Bên đầm sen”, Trong vườn” (8 tấm), “Cảnh nông thôn”.
Ông Nguyễn Gia Tuệ - con trai danh họa Nguyễn Gia Trí kể: Cha tôi sinh ra trong một gia đình có môi trường thuận lợi cho một con người đi vào môi trường nghệ thuật, cụ và ông nội tôi chuyên may trang phục cho triều đình thời ấy, các anh em của cha tôi đều học hành đến nơi đến chốn và chủ yếu học về văn chương, kiến trúc, hội họa… Cha tôi học trường Y, một thời gian sau mới thi vào học mỹ thuật.
“Cha tôi làm việc miệt mài, chính xác, nghiêm khắc đến từng chi tiết, đúng giờ làm việc, đúng giờ là nghỉ, suốt năm tháng dài không mấy khi sai”, ông Nguyễn Gia Tuệ nhớ lại. Ngay cả trong sinh hoạt, ăn uống họa sĩ cũng rất đạm bạc. “Mỗi bữa dùng hai chén cơm, khái niệm ăn ngon với ông chắc không có”. Trong ký ức của con trai danh họa, Nguyễn Gia Trí cũng không quan tâm đến trang phục bề ngoài, “chưa thấy ông mặc cái áo nào mà không dính sơn”.
Bình dị là vậy, nhưng trong tranh, họa sĩ Nguyễn Gia Trí lại cho người ta thấy một sự kỹ lưỡng. Ông chăm chút vẻ đẹp thiếu nữ trong tranh, tỉ mỉ với từng nét vẽ áo dài. Không chỉ vậy, họa sĩ còn cẩn thận với từng phác thảo. Để vẽ một bức tranh, có khi ông vẽ tới cả chục phác thảo. Trước một đề tài, họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ phác thảo nhiều lần, ở nhiều góc độ, với các chất liệu, màu sắc khác. Thậm chí, mỗi chi tiết nhỏ trong tranh như bàn tay, bàn chân, khóm hoa, cành lá cũng được ông vẽ tỉ mỉ. Kỹ lưỡng hơn, ông còn vẽ những phác thảo để giải quyết nét, độ chuyển của nét, thay đổi màu nền, hay sự chuyển đổi sắc độ của trứng… Thói quen nghề nghiệp này khiến cho người ta ít gặp những bức phác họa hoàn chỉnh một bức tranh của Nguyễn Gia Trí. Đa số đều là những phác họa đơn lẻ.
Qua những phác thảo còn lưu trữ đến nay cho thấy danh họa Nguyễn Gia Trí thường dùng bút bi, bút dạ, sơn dầu, màu nước, chì than, màu sáp… để vẽ phác thảo. Đặc biệt, ông còn có thói quen ghi chép lại mọi công đoạn sáng tác tác phẩm sơn mài trên bản thảo hoặc phác thảo.
Chính bởi cách làm việc nghiêm túc này, đến nay, chúng ta có thể biết được nhiều câu chuyện phía sau những tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Dù cho, nhiều phác thảo có kích cỡ nhiều khi rất nhỏ (15 x 11cm). Ngay cả nhiều chi tiết phác thảo để họa sĩ vẽ tác phẩm “Vườn xuân Trung Nam Bắc” đến nay đã nằm trong sưu tập tư nhân, cho thấy sự cẩn thận với nghệ một cách đáng trân trọng của “vua sơn mài” Nguyễn Gia Trí.
Phải yêu chất liệu
Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908, quê ở xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, tỉnh Sơn Tây cũ (nay thuộc Hà Nội). Ông học Khoa Hội họa, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa IV (1928 - 1933), vì lý do riêng ông nghỉ học giữa chừng rồi tiếp tục theo học và tốt nghiệp khóa VII (1931 - 1936) cùng với họa sĩ Trần Văn Cẩn. Ông mất năm 1993 tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 85 tuổi.
Nhìn lại con đường hội họa của danh họa Nguyễn Gia Trí, nhiều người vẫn nhắc tới dấu mốc năm 1932, khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mở Xuởng nghiên cứu sơn ta. Các sinh viên Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Trần Quang Chân, Nguyễn Khang, Phạm Hậu, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung... đã cùng nghệ nhân sơn ta Đinh Văn Thành (1898 - 1977) thực hiện các tác phẩm thực nghiệm. Sau 6 năm nghiên cứu, tháng 11/1938, triển lãm những sáng tác về sơn ta đã được Trường Cao đẳng Mỹ thuật tổ chức. Cũng trong năm 1938, Hiệp hội Nghệ sĩ Đông Dương (La Cooperative des Artistes Indochinois) ra đời, họa sĩ Nguyễn Gia Trí tham gia tổ chức này cùng với Tô Ngọc Vân, Hoàng Tích Chù, Phạm Hậu, Lê Quốc Lộc nhằm phát triển nghệ thuật tranh sơn mài.
Năm 1939, Nguyễn Gia Trí đã có triển lãm cá nhân tranh sơn mài đầu tiên, gây bất ngờ cho giới mỹ thuật Hà Nội và công chúng khi trưng bày các tác phẩm sơn mài được sáng tác theo kỹ thuật riêng. Sau đó, ông tiếp tục giới thiệu nhiều tác phẩm trong các triển lãm riêng và chung. Thời kỳ này, họa sĩ đã có nhiều tác phẩm sơn mài nổi tiếng như: “Bên đầm sen” (1938), “Vườn xuân và thiếu nữ” (1939), Bình phong tám tấm, hai mặt tranh “Trong vườn” và “Dọc mùng” (1938), “Chùa Thầy” (1939 - 1940)...
Khoảng năm 1944 - 1945, họa sĩ mở xưởng sơn mài ở làng Bưởi. Với tài năng và tình yêu nghệ thuật, sự kiên trì bền bỉ, Nguyễn Gia Trí đã đưa nghệ thuật sơn mài đạt tới đỉnh cao. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông đều làm nghệ thuật với một tinh thần sáng tạo và đặc biệt là sự thành thật với chính bản thân mình.
Trong nhật ký ngày 19/11/1980, danh họa Nguyễn Gia Trí viết: “Làm nghệ thuật điều chính yếu nhất là thành thật. Cái hại nhất là giả với mình. Phải làm việc nghiêm túc, có khi đến khắc nghiệt với chính mình. Làm hàng trăm cái hỏng để chỉ lấy nửa cái được, hoặc một cái được. Người nghệ sĩ không bao giờ tự thỏa mãn. Chất liệu chiếm một nửa người nghệ sĩ. Phải yêu chất liệu, như yêu vợ mình, thì mới có con là tác phẩm”.
Theo ông, mỗi chất liệu có đặc điểm riêng. Vì thế “phải nắm được tính chất riêng của nó. Ví dụ: độ dày mỏng của sơn dầu. Với sơn mài thì lại yêu cầu phẳng, độ bóng, hoặc bằng bất kỳ cách nào, miễn là đạt được hiệu quả nghệ thuật. Khi có điều gì chưa đạt, người vẽ áy náy, tìm cách khắc phục. Cho đến khi tạm thỏa mãn, hoặc thỏa mãn với bức tranh ấy”.
Trong hồi ức của con trai danh họa, trong vẽ tranh, Nguyễn Gia Trí luôn tìm tòi sáng tạo những cách nhìn mới, đường nét mới, cách làm mới song ông cũng có quan điểm rõ ràng và không thay đổi: mỹ thuật phải gắn liền cái hồn của văn hóa dân tộc. Và trung thành lựa chọn sơn ta - chất liệu đặc.
“Vườn xuân Trung Nam Bắc” là tác phẩm tinh túy nhất của danh họa Nguyễn Gia Trí, được xếp vào danh mục Bảo vật quốc gia. Giới mỹ thuật cho rằng, trong tác phẩm này mọi thành tựu trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi, tích lũy về sơn mài đều được họa sĩ Nguyễn Gia Trí gửi gắm vào đây. Tranh vẽ bằng chất liệu sơn mài truyền thống, khổ 540x200cm, được sáng tác kéo dài trong 20 năm, khởi đầu từ năm 1969 và hoàn thành năm 1989. Năm 1996, UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định trích ngân sách 100.000 USD mua kiệt tác này. Tuy nhiên, năm ngoái, trong quá trình vệ sinh tác phẩm Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã thiếu trách nhiệm, gây ra hư hỏng nặng cho Bảo vật quốc gia này và đến nay vẫn đang phải tìm cách để khắc phục.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/danh-hoa-nguyen-gia-tri-thanh-that-voi-minh-489700.html