Dành hơn 16 nghìn tỷ đồng chi trả trợ cấp cho người có công với cách mạng

Trong nửa đầu năm 2024, cả nước đã thực hiện chi trả trợ cấp cho trên 1 triệu người có công với cách mạng, với kinh hơn 16 nghìn tỷ đồng...

Người có công dự hội nghị tri ân người có công, tháng 7/2024 tại Hà Nội. Ảnh: Tống Giáp.

Người có công dự hội nghị tri ân người có công, tháng 7/2024 tại Hà Nội. Ảnh: Tống Giáp.

Thông tin về công tác người có công thời gian qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết trong nửa đầu năm 2024, cả nước đã thực hiện chi trả trợ cấp cho 1.091.324 người, với kinh phí ước khoảng hơn 16,104 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, làm tốt công tác chăm sóc, điều dưỡng người có công và các phong trào đền ơn đáp nghĩa.

Các hoạt động tưởng niệm, tri ân, tặng quà tới gia đình người có công với cách mạng nhân dịp Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) đã được tổ chức trọng thể, thiết thực trên địa bàn cả nước, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương…

Các địa phương toàn quốc đã có nhiều hoạt động tri ân các gia đình người có công và dành hàng trăm tỷ đồng thăm hỏi, tặng quà người có công.

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 590/QĐ-CTN tặng quà tới gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng với tổng kinh phí gần 420 tỷ đồng.

Ngày 23/7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngàng liên quan cũng đã tổ chức “Hội nghị Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt “Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ”.

Thông tin về Ngân hàng Gen liệt sĩ tại họp báo Bộ ngày 30/7, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, cho biết hiện Nhà nước đang kiện toàn Ban chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (gọi tắt là Ban chỉ đạo 515).

Sau khi kiện toàn Ban chỉ đạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ thống nhất với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo giới thiệu cụ thể về Ngân hàng Gen liệt sĩ chưa xác định danh tính.

“Đây là vấn đề được nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ quan tâm và các cơ quan chức năng cũng đang gấp rút triển khai. Cả nước hiện còn 180.000 liệt sĩ chưa được tìm thấy và khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập vào nghĩa trang, nhưng chưa xác định được danh tính”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan thông tin.

Theo đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, dự kiến, bên cạnh việc triển khai lấy mẫu gen hài cốt liệt sĩ, cơ quan chức năng cũng sẽ lấy mẫu của thân nhân để xác định sự trùng khớp danh tính.

“Việc triển khai lấy mẫu thân nhân của liệt sĩ rất quan trọng và việc này cần làm nhanh. Bởi thân nhân các liệt sĩ cũng ngày càng tuổi cao, sức yếu, thậm chí không còn. Cùng với đó cần đẩy nhanh tiến độ giám định ADN”, ông Hoan nói.

Cuối tháng 7/2024, Công an các quận của Hà Nội đã triển khai lấy mẫu gen của thân nhân liệt sĩ, và sẽ tích hợp vào căn cước công dân, đối soát với gen liệt sĩ từ phía Cục Người có công (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).

Cùng với công tác chăm lo cho người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về giảm nghèo theo quy định; phân bổ đủ vốn năm 2024 Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững cho các địa phương.

Tính đến hết 31/5/2024 giải ngân vốn đầu tư phát triển của các địa phương được 1.471 tỷ đồng, đạt 21,09%; đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 9 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; trình Chính phủ ban hành Quyết định số 702/QĐ-TTg ngày 22/7/2024 công nhận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thoát nghèo năm 2024.

Đồng thời, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025; chuẩn bị buổi lễ Phát động Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Cùng với đó, Bộ cũng tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác bảo trợ xã hội, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội, góp phần ổn định đời sống.

Trong 6 tháng đầu năm, đã thực hiện chính sách trợ giúp thường xuyên hằng tháng cho 3,8 triệu người, kinh phí ước tính 14.000 tỷ đồng; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 16.345 tấn gạo cho 187.864 lượt hộ với 1.089.708 nhân khẩu tại 22 tỉnh.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/danh-hon-16-nghin-ty-dong-chi-tra-tro-cap-cho-nguoi-co-cong-voi-cach-mang.htm