Dành hơn 6.000 ha đất cho phát triển nhà ở tại Đắk Lắk đến năm 2030
Trong giai đoạn 2021 - 2030, tổng diện tích đất ở xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khoảng 6.132 ha. Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở khoảng 180.588 tỷ đồng.
HĐND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, ngày 14/7/2023 thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình).
Theo đó, Chương trình tập trung vào 7 giải pháp chính, bao gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách và cải cách hành chính; đất đai; quy hoạch - kiến trúc; nguồn vốn và thuế; phát triển nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội; khoa học – công nghệ; phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.
Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh khoảng 180.588 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 76.091 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 104.496 tỷ đồng.
Tổng diện tích đất ở xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 6.132 ha. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025: khoảng 2.921 ha; giai đoạn 2026 - 2030: khoảng 3.210 ha.
Đối với chỉ tiêu chất lượng nhà ở, đến năm 2030, Đắk Lắk phấn đấu tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn tỉnh đạt trên 95%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực đô thị.
Phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển nhà ở gắn liền với phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư.
Theo Nghị quyết được phê duyệt, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2030 hướng đến mục tiêu từng bước đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhân dân, nâng cao chất lượng, điều kiện sống của các tầng lớp dân cư; tạo động lực phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa; huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, vốn của các thành phần kinh tế và của xã hội tham gia phát triển nhà ở.
Quy hoạch, bố trí, khai thác có hiệu quả quỹ đất và tiềm năng đất đai; thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản, chủ động bình ổn thị trường theo quy luật cung cầu.
Bên cạnh đó, Chương trình cũng hướng tới phát triển nhà ở thương mại theo quy hoạch được duyệt; rà soát, xây dựng, phát triển các khu đô thị mới, điểm dân cư nông thôn đồng bộ văn minh, hiện đại, hoàn thiện các dự án nhà ở đưa vào sử dụng; triển khai chỉnh trang, tái phát triển đô thị, khu dân cư hiện hữu; phát triển nhà ở gắn với điều kiện tự nhiên, địa lý, xã hội, phong tục và tập quán của địa phương, góp phần tạo bản sắc đô thị, nông thôn và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà ở phù hợp với công tác quản lý trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trước đó, giai đoạn 2015 - 2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 7 dự án phát triển nhà do các thành phần kinh tế đầu tư với quy mô sử dụng đất khoảng 124 ha. Trong số đó, với tổng mức đầu tư 5.421 tỷ đồng được chi cho 5 dự án đang triển khai xây dựng hạ tầng đô thị
Một số dự án nhà ở trọng điểm đã khởi công như Dự án Khu đô thị sinh thái - văn hóa cà phê Suối Xanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, với tổng mức đầu tư gần 2.800 tỷ đồng; Khu đô thị Ecocity Premia do Tập đoàn Capital House làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng với diện tích gần 50 ha…
Sở Xây dựng Đắk Lắk thông tin, trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh dự kiến bổ sung 17 dự án nhà ở đô thị vào Chương trình phát triển nhà ở.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.
Đồng thời, Bộ tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, sửa chữa chung cư, việc triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Chính phủ đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2030).