Đánh mạnh 'tử huyệt' của tội phạm công nghệ cao

Có hai điều kiện cần mà tội phạm sử dụng công nghệ cao dùng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đó chính là tài khoản ngân hàng và dữ liệu thông tin cá nhân. Chính vì vậy mà trong thời gian qua, cơ quan Công an các cấp đánh mạnh vào loại tội phạm tạo lập tài khoản ngân hàng 'ma' và mua bán dữ liệu thông tin cá nhân.

Bởi, khi đánh gục hai loại tội phạm này thì những đối tượng lừa đảo sẽ không còn điều kiện để thực hiện hành vi. Công an tỉnh Bình Dương vừa triệt phá 2 băng nhóm tạo lập hơn 100 tài khoản ngân hàng “ma” và mua bán hàng triệu thông tin cá nhân. Đây là một trong những chiến công trong công tác phòng chống tội phạm công nghệ cao…

Lấy lời khai đối tượng Đào Trọng Quân.

Lấy lời khai đối tượng Đào Trọng Quân.

Xuyên Tết phá án

Những ngày Tết Ất Tỵ 2025, trong lúc mọi người vui xuân thì các cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương phải âm thầm ngày đêm bám theo các đối tượng gây án. Bởi trước đó, cuối năm 2024, qua công tác nắm bắt tình hình, các trinh sát phát hiện một đường dây tội phạm hoạt động khép kín, tinh vi thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội: làm giả giấy tờ, rửa tiền, mua bán tài khoản thanh toán ngân hàng và sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Quá trình theo dõi, Công an phát hiện nhiều doanh nghiệp “ma” liên hệ với các chi nhánh ngân hàng ở Bình Dương để mở tài khoản. Mặc dù các công ty này chẳng kinh doanh mua bán gì, trụ sở cũng không có nhưng số tiền giao dịch hàng ngày thì lại rất lớn. Từ đó, Công an tỉnh Bình Dương đã xác lập chuyên án để đấu tranh.

Giám đốc của các doanh nghiệp “ma” này gồm Huỳnh Thị Kim Oanh (sinh năm 1985; ngụ TP Thuận An, Bình Dương), Lê Lý Thành (sinh năm 1988, quê Đồng Tháp) và Lê Văn Mười (sinh năm 1983, quê Kiên Giang) đều có lai lịch bất hảo. Oanh từng có 2 tiền án về tội làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức vào năm 2010 và 2019. Còn Lê Văn Mười thì “cõng” đến 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản vào năm 2004, năm 2006 và 2016. Sự giàu có bất thường của các đối tượng này dưới vỏ bọc là những doanh nhân thành đạt chính là điểm mấu chốt cho những nghi vấn mà Ban chuyên án quyết tâm tìm ra sự thật.

Bên cạnh tự mình đứng ra làm giám đốc, nhóm này còn sử dụng căn cước công dân của người khác và thuê một số đối tượng đứng tên trên giấy phép kinh doanh để đăng ký mở tài khoản ngân hàng. Sau khi tạo lập tài khoản từ những doanh nghiệp “ma”, Oanh và đồng bọn bán lại cho các đối tượng ở Campuchia sử dụng cho hoạt động lừa đảo và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Một số thủ đoạn mà băng tội phạm ở Campuchia thực hiện là giả danh nhân viên điện lực yêu cầu truy cập đường link cài đặt ứng dụng CSKH EVN SPC giả mạo của Tổng công ty điện lực miền Nam; giả danh Công an đề nghị cài đặt App dịch vụ công để chiếm quyền điều khiển điện thoại qua đó chiếm quyền quản lý và tiền trong tài khoản của bị hại. Đồng thời dụ dỗ nạn nhân tham gia đầu tư mua bán hàng trên mạng xã hội, đầu tư ngoại hối, đầu tư chứng khoán trên sàn; mạo danh nhân viên của các tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng để dụ dỗ đầu tư USD và bất động sản của tập đoàn đa quốc gia tại nước ngoài... để chiếm đoạt tài sản. Ngoài việc bán tài khoản, Oanh còn tự mình làm giả và sử dụng tài liệu của cơ quan, tổ chức để đóng giả nhân viên ngân hàng, cung cấp thông tin giả liên quan đến hoạt động hỗ trợ vay vốn của ngân hàng để dụ dỗ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Từ những chứng cứ thu thập được, ngày mùng 3 Tết (1/2/2025) Ban chuyên án quyết định “cất vó”, đồng loạt bắt giữ các đối tượng Oanh, Thành và Mười. Tang vật thu giữ gồm 25 dấu tròn doanh nghiệp, 10 giấy chứng nhận mẫu dấu, 15 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, 5 điện thoại, 3 laptop cùng nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan thể hiện việc sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức trong việc đăng ký mở tài khoản ngân hàng. Bước đầu, Ban Chuyên án xác định nhóm của đối tượng Oanh đã thành lập và sử dụng 25 pháp nhân công ty với trên 100 tài khoản ngân hàng được sử dụng vào hoạt động lừa đảo với số tiền chiếm đoạt khoảng trên 100 tỷ đồng của hơn 200 bị hại trên cả nước, trong đó nhiều nhất là ở Bình Dương.

Huỳnh Thị Kim Oanh được xác định là đối tượng cầm đầu trong băng nhóm tạo lập hơn 100 tài khoản ngân hàng.

Huỳnh Thị Kim Oanh được xác định là đối tượng cầm đầu trong băng nhóm tạo lập hơn 100 tài khoản ngân hàng.

Mở rộng đấu tranh, Ban Chuyên án đã xác định đối tượng Đào Trọng Quân (sinh năm 1992, quê Thái Bình) chính là đối tượng móc nối, cấu kết, đặt vấn đề với đối tượng Oanh mở tài khoản ngân hàng công ty với giá từ 5-6 triệu đồng trên một tài khoản ngân hàng. Khi tài khoản ngân hàng bị khóa nếu rút được tiền trong tài khoản ngân hàng thì được đối tượng Quân trả công thêm cho Oanh 0.2% trên tổng số tiền rút được và 10% cho đối tượng đứng tên giám đốc trực tiếp rút được. Xác định đối tượng Quân đang ăn tết tại quê nhà, Ban Chuyên án đã phân công một tổ công tác nhanh chóng phối hợp Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ Quân và di lý về Công an tỉnh Bình Dương để tiếp tục điều tra làm rõ.

Song song với chuyên án này, Công an tỉnh Bình Dương còn phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (Bộ Công an) thực hiện thành công chuyên án mua bán dữ liệu thông tin cá nhân (Data) trên không gian mạng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng bị khởi tố về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông gồm: Nguyễn Tú Anh, Phạm Thị Kim Hoa, Nguyễn Hoàng An và Đặng Hữu Thiên Hưng.

Theo điều tra, Thiên Hưng là nhân viên phòng dịch vụ phát triển đối tác của một công ty có địa chỉ tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh. Quá trình làm việc, Hưng cấu kết với các đối tượng nói trên sử dụng tài khoản giả rồi lên các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook để tìm kiếm mua thông tin khách hàng với giá dao động từ 100đ đến 300đ/thông tin cá nhân. Quá trình hoạt động cho đến nay, nhóm của Hưng đã mua bán hàng triệu dữ liệu thông tin cho nhiều đối tượng khác nhau, thu lợi bất chính số tiền hàng trăm triệu đồng. Riêng đối tượng Hoa, sau khi mua thông tin dữ liệu cá nhân còn sử dụng để gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của Hoa là giả danh nhân viên ngân hàng, gọi điện thoại tư vấn vay vốn rồi kêu bị hại chuyển tiền bảo hiểm cho khoản vay. Sau khi bị hại chuyển tiền thì Hoa cắt đứt liên lạc. Tổng số tiền mà Hoa chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng…

Hậu quả khôn lường từ các tài khoản “ma”

Từ lời khai của các đối tượng mua bán dữ liệu thông tin cá nhân cho thấy, kẻ lừa đảo thu thập thông tin cá nhân bằng rất nhiều cách. Một số thủ đoạn phổ biến đó là tạo trang web giả mạo ngân hàng hoặc dịch vụ trực tuyến với mục đích thu thập thông tin cá nhân của người dùng internet; sử dụng trạm phát sóng BTS giả mạo gửi tin nhắn lừa đảo tới người dùng, nạn nhân làm theo hướng dẫn sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân; gài bẫy quảng cáo, ứng dụng cho vay để nạn nhân cài đặt ứng dụng và cấp quyền cho ứng dụng truy cập điện thoại thì chúng sẽ chiếm đoạt thông tin cá nhân; gọi điện thông báo khóa dịch vụ viễn thông, nạn nhân làm theo hướng dẫn sẽ mất thông tin cá nhân…

Còn việc sử dụng tài khoản ngân hàng để lừa đảo: Sau khi nạn nhân chuyển vào tài khoản do kẻ lừa đảo cung cấp, ngay lập tức số tiền này được chia nhỏ, chuyển tiếp cho rất nhiều tài khoản khác và cuối cùng tất cả các số tiền này sẽ đến một hoặc nhiều tài khoản ở các sàn giao dịch ngoại tệ ở nước ngoài… Thế cho nên cơ quan chức năng gần như không thể phong tỏa tài khoản ban đầu mà nạn nhân chuyển cho kẻ lừa. Những kẻ giấu mặt điều hành các đường dây lừa đảo qua mạng hầu hết là ở nước ngoài, khi lừa xong nạn nhân chúng chỉ cần khóa tài khoản thì coi như mất hết dấu vết.

Các đối tượng bị bắt giữ trong 2 chuyên án do Công an Bình Dương khám phá.

Các đối tượng bị bắt giữ trong 2 chuyên án do Công an Bình Dương khám phá.

Điều đáng nói trong các vụ án này là có những đối tượng vừa là nạn nhân, vừa tiếp tay cho đối tượng phạm tội. Đó là những người cho các đối tượng lừa đảo thuê đứng tên doanh nghiệp, mở tài khoản ngân hàng. Tuy số tiền thuê khá ít ỏi, chỉ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng nhưng những người này đã chẳng chút do dự, không màng đến hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Họ hầu hết đều là công nhân, người lao động làm nghề tự do quanh các khu công nghiệp. Họ bị các đối tượng lừa đảo đưa ra lý do không có giấy tờ tùy thân nên nhờ giúp mở tài khoản để giao dịch làm ăn. Vì nghĩ rằng mình giúp đỡ người khác mà còn được một khoản tiền nên họ dễ dàng chấp nhận…

Thượng tá Hồ Thọ Hải, Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Trên thực tế khi Nhà nước, Chính phủ ban hành một chính sách xã hội nào đó như thuế thu nhập cá nhân, xác thực định danh điện tử… thì các đối tượng tội phạm liền nghĩ ra nhiều kịch bản để lừa đảo trên không gian mạng. Cho nên trong quá trình giao dịch hay tiếp nhận thông tin trên không gian mạng thì người dân phải sức cảnh giác. Vì cơ quan chức năng, mà đặc biệt là cơ quan Công an không làm việc với người dân qua điện thoại. Khi cần thiết sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập mời người dân đến trụ sở làm việc chứ không có chuyện làm việc qua tin nhắn, điện thoại.

Trong năm 2024, Công an tỉnh Bình Dương tăng cường công tác phòng ngừa với loại tội phạm này bằng nhiều hình thức, trong đó có phối hợp với ngân hàng rà soát các giao dịch đáng ngờ để ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo trên không gian mạng.

Mã Hải

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/danh-manh-tu-huyet-cua-toi-pham-cong-nghe-cao-i759858/