Đánh mạnh vào túi tiền người dân để giảm phương tiện cá nhân

Trung bình nếu đi làm bằng ô tô, mỗi người dân ở Nhật Bản sẽ phải chi khoảng 11.500 USD/năm so với 1.700 USD nếu sử dụng giao thông công cộng.

Hội thảo “Phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản” diễn ra sáng nay (10/7) tại Hà Nội

Hội thảo “Phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản” diễn ra sáng nay (10/7) tại Hà Nội

Nhật Bản trợ giá khoảng 585 triệu USD/năm cho giao thông công cộng

Một thành phố tiên tiến không phải là nơi mà cả người nghèo cũng sử dụng ô tô mà là nơi người giàu cũng sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

- Enrique Penalosa, Thị trưởng thành phố Bogota, Colombia"

Sáng nay (10/7), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tập đoàn Michinori Holdings phối hợp với Sở GTVT Hà Nội và TCT Vận tải Hà Nội (Transerco) tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản”.

Ông Jun Matsumoto - Tổng giám đốc Tập đoàn Michinori Holdings, doanh nghiệp vận tải buýt có địa bàn hoạt động lớn nhất Nhật Bản cho hay, tại Nhật, Bộ Đất đai, hạ tầng giao thông và Du lịch (MLIT) luôn hỗ trợ tối đa cho hoạt động kinh doanh vận tải buýt, bao gồm cả hỗ trợ tài chính, thiết kế các chế độ, chính sách cũng như tạo thuận lợi trong việc cấp phép kinh doanh, song song với việc giám sát chặt chẽ.

Chỉ riêng về hỗ trợ tài chính, ông Shintaro Eguchi, trưởng bộ phận chính sách giao thông, Cục Chính sách tổng hợp của MLIT cho biết, các cơ chế thuế đặc biệt liên tục được sử dụng để đảm bảo giao thông công cộng cho các địa phương.

“Số tiền trợ giá bằng các loại thuế đặc biệt có xu hướng gia tăng hàng năm. Thực tế, trong 8 năm qua đã tăng tới 36%”, ông này nói và cho biết thêm: Nếu như năm 2009, số tiền trợ giá này mới chỉ là 431 triệu USD thì đến năm 2017, con số này đã lên tới 585 triệu USD/năm.

“Nhật Bản còn xây dựng một bộ luật riêng gọi là Luật kích hoạt và tái cơ cấu giao thông công cộng các địa phương”, ông Shintaro Eguchi thông tin thêm.

Phía doanh nghiệp, ông Jun Matsumoto cho hay, bản thân các doanh nghiệp vận tải tại Nhật Bản cũng chủ động và tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu mạng lưới giao thông công cộng, từ khâu phân tích hiện trạng đến xây dựng quy hoạch tổng thể và cuối cùng là lên kế hoạch thực thi.

Hệ thống giao thông ở Nhật Bản - Ảnh minh họa

Hệ thống giao thông ở Nhật Bản - Ảnh minh họa

Đi làm bằng ô tô vô cùng đắt đỏ

Liên quan đến một số biện pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, thúc đẩy hoạt động VTHKCC bằng xe buýt, ông Jun Matsumoto tiết lộ một số giải pháp trong đó có việc gia tăng xử phạt dừng đỗ xe trái quy định, “đánh” vào túi tiền của người đi ô tô.

“Nhờ lực lượng cảnh sát thực hiện triệt để việc xử phạt với những trường hợp đỗ xe trái phép mà số vi phạm này tại Tokyo đã giảm đáng kể. Thống kê cho thấy, nếu như những năm 1990 có khoảng hơn 200 nghìn xe bị phạt mỗi năm thì đến năm 2017, con số này chỉ còn khoảng trên dưới 40 nghìn xe”, ông này cho hay.

Về chi phí đi lại, theo ông Jun Matsumoto, đi làm bằng ô tô riêng ở Tokyo cực kỳ đắt đỏ. “Giả sử nếu dùng xe ô tô mới loại 1.500CC đi làm, chi phí phải trả hàng năm lên tới 11.500 USD (khoảng 20% thu nhập), bao gồm phí đỗ xe 6.970 USD, khấu hao xe 1.850 USD, chi phí xăng dầu 1.200 USD, thuế 370 USD, phí đăng kiểm 370 USD và phí bảo hiểm 740 USD. Trong khi đó, nếu chọn phương tiện con cộng, mỗi người chỉ phải chi khoảng 1.700 USD/năm, bằng 3% thu nhập”, ông này thông tin.

T.Bình

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/danh-manh-vao-tui-tien-nguoi-dan-de-giam-phuong-tien-ca-nhan-d426890.html