Đánh mất 1 lá phiếu của nghị sỹ Cộng hòa trong phiên luận tội, chiến thắng không trọn vẹn của ông Trump
Chiến thắng của Tổng thống Trump trong phiên tòa tại Thượng viện dường như bớt vang dội hơn khi ông đánh mất lá phiếu của 1 thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa.
Trong một tuyên bố đưa ra với các đồng nghiệp của mình vài giờ trước phiên bỏ phiếu tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mitt Romney nói ông sẽ bỏ phiếu để kết tội Tổng thống Trump lạm quyền, trở thành người Cộng hòa đầu tiên phá vỡ sự đoàn kết trong đảng.
Sự "đào tẩu" của ông Romney phần nào phản ánh sự chuyển đổi sâu rộng của đảng Cộng hòa trong 8 năm qua và tước đi một đảng Cộng hòa đồng lòng trăm người như một, điều mà ông Trump từng rất tự hào trong phiên bỏ phiếu luận tội hồi tháng 12.
Tại Nhà Trắng, ông Trump được cho là rất muốn đưa ra một tuyên bố công khai ngay sau khi chiến thắng. Nhưng các cố vấn tìm mọi cách để ngăn tổng thống. Họ đã làm được, Trump nói sẽ phát biểu tại Nhà Trắng vào 12h ngày 6/2 (0h ngày 7/2 giờ Hà Nội) để thảo luận chiến thắng của đất nước và "trò xem xét bãi nhiệm lừa đảo".
Vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ từ lâu mong chờ phán quyết của Thượng viện, như một sự "gột rửa" sau việc trở thành ông chủ Nhà Trắng thứ 3 trong lịch sử bị luận tội. Với kết quả mới đây, ông đủ tự tin cho một chiến dịch tranh cử ở phía trước. Khoảng thời gian tới cũng có thể sẽ là thời điểm để Trump đáp trả mạnh mẽ những người muốn hạ bệ mình: đảng Dân chủ, truyền thông như ông từng nói.
Một số thượng nghĩ sỹ đảng Cộng hòa từng thừa nhận ông chủ Nhà Trắng có thể đã thực hiện một chiến lực gây áp lực với Ukraine để tìm kiếm các cuộc điều tra chống lại đối thủ chính trị của mình. Tuy nhiên, tất cả trừ ông Romney bỏ phiếu để tha bổng cho Tổng thống Trump.
Trước đó, không một hạ nghị sỹ nào bỏ phiếu luận tội Trump, dù điều này không ngăn cản được Hạ viện. Một số thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa lập luận rằng hành vi này không đủ nguy hiểm để Thượng viện bãi nhiệm Tổng thống đầu tiên trong lịch sử. Một số khác bác bỏ mong muốn đánh bật ông Trump khỏi Nhà Trắng của đảng Dân chủ, khẳng định đây chỉ là là cái cớ mang danh Hiến pháp xuất phát từ sự thù hận.
Một số thành viên đảng Cộng hòa kêu gọi Trump cẩn thận hơn với lời nói của mình trong tương lai, đặc biệt là khi nói chuyện với các lãnh đạo nước ngoài.
Về phần mình, đảng Dân chủ gọi đây là phiên tòa giả mạo. Họ nói đã cố gắng đề nghị triệu tập các nhân chứng và tài liệu trong phiên xét xử tại Thượng viện nhưng bất thành, biến phiên tòa mới đây trở thành quá trình luận tội đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ đưa ra phán quyết mà không cần gọi nhân chứng,
Khi tất cả khép lại cách đây ít giờ, 7 nhà quản lý của đảng Dân chủ được Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi gửi gắm nhiệm vụ tiến hành luận tội lập luận rằng những người đứng về phía ông sẽ bị lịch sử đánh giá gay gắt.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer thì khẳng định việc Thượng viện Mỹ tuyên Tổng thống Donald Trump vô tội là "gần như vô giá trị".
"Việc phe Cộng hòa từ chối một phiên tòa công bằng, trung thực là một dấu hoa thị lớn bên cạnh việc tuyên Tổng thống vô tội. Dấu hoa thị này ngụ ý rằng, ông ấy được trắng án mà thiếu bằng chứng. Ông ấy được tuyên vô tội mà thiếu một phiên tòa công bằng. Điều đó có nghĩa sự vô tội của ông ấy là gần như vô giá trị", ông nói
Luận tội vốn hiếm khi được sử dụng trong lịch sử Mỹ, cơ chế cực đoan nhất của Hiến pháp để kiểm tra một Tổng thống đương nhiệm. Đảng Dân chủ mạo hiểm trông vào nó và giờ thì họ thất bại. Nó có thể sẽ gây nhiều bất lợi cho họ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Kể từ khi đảng Dân chủ tuyên bố theo đuổi luận tội Tổng thống Trump, dư luận nước Mỹ dường như chia đều giữa 2 luồng ý kiến. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy dù tỷ lệ người đồng ý Tổng thống rất có thể đã lạm dụng chức vụ của mình và từ chối hợp tác với Quốc hội, chưa bao giờ hơn 50% số người tham gia khảo sát đồng ý Trump nên bị cách chức.
Ngược lại, cuộc thăm dò mới nhất của Gallup cho thấy 49% người Mỹ tin rằng ông Trump đang làm tốt trên cương vị của mình, tỷ lệ cao nhất kể từ khi ông nhậm chức.
Kể từ khi Trump lên nắm quyền, đám mây luận tội luôn treo lơ lửng trên đầu ông. Bà Pelosi cũng từng nhất mực phản đổi luận tội với lý do nó sẽ chia rẽ nước Mỹ theo đảng phái. Nhưng tính toán này đã thay đổi khi một người tố giác đứng ra cáo buộc ông Trump lạm dụng quyền lực trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine.
Nữ Chủ tịch Hạ viện giao nhiệm vụ cho Ủy ban Tình báo Hạ viện xây dựng lộ trình luận tội Tổng thống trong khi ông Trump ban hành chỉ thị yêu cầu tất cả các cơ quan chính phủ không tuân thủ cuộc điều tra.
Dù vậy, hàng chục các nhà ngoại giao Mỹ và quan chức Nhà Trắng vẫn đứng ra làm chứng trong các phiên điều trần công khai.
Ngày 18/12, Tổng thống Trump trở thành nhà lãnh đạo Mỹ thứ 3 bị luận tội trong lịch sử Mỹ. Nhưng cũng chỉ gần 2 tháng sau đó, ông được tuyên bố tha bổng.
Giống như quá trình luận tội Trump liên tục được mang ra so sánh với các luận tội trong quá khứ, bất cứ nỗ lực vị Tổng thống Mỹ nào trong tương lai cũng sẽ được đem ra đối chiếu với quyết định của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thời gian này.
Luận tội chỉ được sử dụng 1 lần trong 2 thế kỷ đầu tiên trong lịch sử Mỹ, nhưng giờ đã là 3 lần kể từ năm 1970. 2 trong 4 tổng thống từng bị xem xét luận tội bị luận tội và không ai bị phế truất.