Dành nguồn vốn 'cứng' đầu tư hạ tầng giao thông
Chúng ta xác định quan điểm mang tính đột phá cần đưa vào quy hoạch GTVT lần này là quy hoạch theo nguồn lực.
Thông xe vào tháng 9/2014, cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những tuyến cao tốc đã được Bộ GTVT thực hiện đầu tư xây dựng đúng theo lộ trình quy hoạch đề ra. Ảnh: Tạ Hải
Tổng đầu tư toàn xã hội trong 1 năm hay thời kỳ chiếm tỷ lệ bao nhiêu của GDP. Trong đó, nếu xác định phát triển hạ tầng giao thông là khâu đột phá thì tỷ lệ vốn đầu tư hạ tầng giao thông cả Trung ương và địa phương là bao nhiêu.
Quy hoạch GTVT không chỉ đầu tư cho công trình quốc gia mà phải là bức tranh chung bao gồm cả công trình của địa phương để có sự kết nối hiệu quả. Nói cách khác là quy hoạch quốc gia và địa phương phải có sự phối hợp nhịp nhàng, không lệch nhịp.
Đây mới là giá trị của Luật Quy hoạch, đồng loạt làm quy hoạch từ Trung ương đến địa phương cùng thời điểm. Tuy khó khăn nhưng đây là cơ hội để đồng bộ các quy hoạch. Quan điểm đột phá ở đây phải là tính ưu tiên và thứ tự đầu tư. Nghị quyết của Đảng cũng đã xác định hai yếu tố này.
Để thúc đẩy việc này phải tăng vốn đầu tư về hạ tầng, sản xuất. Trọng tâm là đầu tư hạ tầng, vốn đầu tư hạ tầng phải tăng, trong đó có giao thông.
Tổng nguồn vốn đầu tư cho giao thông mỗi năm chiếm bao nhiêu phần trăm GDP quốc gia, 8 - 10% chẳng hạn. Trong đó, phân chia rõ tỷ lệ vốn giữa Trung ương và địa phương một cách cụ thể. Số km đường địa phương lớn hơn rất nhiều so với đường Trung ương nhưng chưa được tính đến.
Quy hoạch mạng lưới đường quốc gia không tính toán cụ thể nhưng phải đặt ra đầu bài về đầu tư cho giao thông địa phương để đồng bộ kết nối với đường Trung ương.
Có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta không đạt được mục tiêu phát triển đường cao tốc theo mục tiêu, trong đó quan trọng nhất là nguồn vốn.
Từ đây cần có kiến nghị chung về cơ cấu đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông phải chiếm bao nhiêu phần trăm GDP của cả nước. Từ con số tổng này chia theo tỷ lệ cho Trung ương, địa phương. Từ nay đến năm 2025 dành 6% GPD cho giao thông chẳng hạn thì từng phương thức là bao nhiêu.
Một nội dung quan trọng khác để huy động vốn cho giao thông là giá trị chênh lệch địa tô sau khi đầu tư xong một con đường cũng cần tính đến.
Sau khi một con đường đưa vào khai thác, giá đất hai bên đường tăng. Phần gia tăng của giá trị đất đai phải dành một tỷ lệ xứng đáng nộp về ngân sách Trung ương. Cần xem lại các quy định pháp luật về lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, thuế để huy động được các nguồn lực, đặc biệt nguồn lực gia tăng về giá trị đất đai và nguồn lực gia tăng do đầu tư hạ tầng mang lại, quay trở lại tái đầu tư các dự án giao thông khác.
Từ đây cho thấy, chúng ta có đủ cơ sở để lập quy hoạch dựa trên nguồn lực nếu quản lý tốt các nguồn lực xã hội, không thất thoát.
Bấy lâu nay lập quy hoạch dựa trên nguồn lực chưa được chúng ta quan tâm. Quan điểm trong quản lý đầu tư và thực thi quy hoạch, lập quy hoạch dựa trên nguồn lực và quản lý nguồn lực, huy động nguồn lực như thế nào để thực hiện quy hoạch là rất quan trọng.
Từ đây, khi trình quy hoạch phải có phương án, giải pháp thực hiện. Đồng thời kiến nghị điều chỉnh thay đổi cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để thực hiện.
Đây là đột phá quan trọng nhất để thực hiện quy hoạch và phải thay đổi quan điểm, triết lý xây dựng và thực hiện quy hoạch. Trong thực hiện quy hoạch cần xác định rất kỹ về nguồn vốn, bao nhiêu tiền, tiền ở đâu, huy động từ nguồn nào và kiến nghị tháo gỡ nếu có vướng mắc về cơ chế.