Danh nhân tuổi Sửu có công dựng nước
Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước của dân tộc ta đã ghi danh rất nhiều vị danh tướng tuổi Sửu. Với tài thao lược, trí tuệ hơn người, họ đã lãnh đạo quân - dân, đánh đuổi quân xâm lược, lập nước, giữ vững độc lập của dân tộc Việt Nam.
Người chúng tôi muốn nhắc tới đầu tiên là Phùng Hưng, sinh năm Tân Sửu (761) - vị vua đầu tiên của đất hai vua Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Không chịu sống dưới ách cai trị hà khắc của quân đô hộ nhà Đường (Trung Quốc), Phùng Hưng đã dựng cờ chiêu hiền, đãi sĩ phát động khởi nghĩa vào năm 779. Quân khởi nghĩa đánh chiếm được cả một miền rộng lớn quanh vùng thuộc Phong Châu. Phùng Hưng xưng là Đô Quân cùng các anh em chia quân đi trấn giữ những nơi hiểm yếu. Phùng Hưng cầm quyền cai trị, không lâu sau đó đã qua đời năm 791. Ông được nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại Vương.
Một vị tướng khác được tôn lên làm vua là Lê Hoàn (Lê Đại Hành). Ông sinh năm Tân Sửu (941), quê ở Hà Nam. Lê Hoàn lập được nhiều chiến công khi vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập nên nhà Đinh. Ông được vua phong làm Thập Đạo tướng quân lúc vừa tròn 30 tuổi. Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng bị sát hại, Đinh Toàn khi đó mới 6 tuổi lên nối ngôi, Lê Hoàn được cử làm nhiếp chính, đảm đương việc nước.
Năm 980, nhà Tống có ý định xâm lược nước ta. Lê Hoàn được tôn lên ngôi vua thay Đinh Toàn để trị vì đất nước, dẹp nội loạn, chống giặc, giữ nước. Vương triều Tiền Lê bắt đầu từ đây. Vua Lê Đại Hành lấy tên nước là Đại Cồ Việt và tổ chức kháng chiến chống quân Tống. Với kế sách khôn khéo, mưu lược, chỉ sau chưa đầy 4 tháng, đến cuối mùa Xuân năm 981, vua Lê Đại Hành đã lãnh đạo quân và dân ta đánh thắng quân xâm lược, giữ được nền độc lập, tự chủ của đất nước. Ông thực hiện nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, giáo dục, bảo vệ và chấn hưng đất nước. Ông cũng là người đầu tiên có công mở cõi về phía Nam khi thân chinh đánh Chiêm Thành năm 982, do vua nước này đã bắt giam 2 sứ thần nước ta khi đi sứ.
Dưới triều nhà Lý, có vị danh tướng xuất chúng là Lý Thường Kiệt, từng làm quan qua 3 triều vua. Ông tên thật là Ngô Tuấn, sinh năm Kỷ Sửu (1019), cháu 6 đời của Ngô Quyền. Do có công phá Tống bình Chiêm, ông được vua ban “quốc tính”, mang họ vua. Năm 1061, người Mường ở biên giới quấy rối. Nhận lệnh vua Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt đã tới vùng Thanh Hóa, Nghệ An phủ dụ dân chúng, tất cả các châu, huyện ở đây đều quy phục.
Tháng 2-1069, theo nhà vua đi đánh Chiêm Thành, ông tiên phong đi đầu, truy bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Vua Chế Củ phải chịu hàng, dâng 3 châu Bố Chánh, Địa Lý, Mai Linh (nay thuộc phận Quảng Bình, Quảng Trị) để được tha về nước.
Năm 1072, nhà Tống lăm le xâm chiếm nước ta. Lý Thường Kiệt trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc. Ông được coi là người đầu tiên trong sử sách đưa quân đánh sang đất phương Bắc để phá vỡ âm mưu của giặc. Đến tháng 3-1076, quân nhà Lý triệt hạ 3 căn cứ lớn của quân Tống, phá hủy quân lương, buộc nhà Tống phải hoãn kế hoạch xâm chiếm nước ta. Sau đó, Lý Thường Kiệt rút quân về nước, chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng đánh giặc. Ông cho xây dựng các tuyến phòng thủ trên đường bộ lẫn đường thủy. Trên tuyến phòng thủ trọng yếu sông Như Nguyệt (tỉnh Bắc Ninh), Lý Thường Kiệt chỉ huy quân và dân ta đánh tan 30 vạn quân Tống. Chiến thắng lẫy lừng trên sông Như Nguyệt khiến nhà Tống phải rút quân về nước.
Lý Thường Kiệt cũng được coi là tác giả bài thơ “Sông núi nước Nam” - bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc, khẳng định chủ quyền lãnh thổ và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền, độc lập của dân tộc trước mọi kẻ thù xâm lược.
Dưới thời nhà Trần cũng có một danh tướng tuổi Sửu là Trần Quang Khải. Ông sinh năm Tân Sửu (1241), là con trai thứ ba của vua Trần Thái Tông. Không chỉ có công lao giữ yên vùng phên dậu Hoan Diễn (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay), Trần Quang Khải còn có công lớn trong chiến thắng quân Nguyên Mông. Ông đã chỉ huy quân lính đánh thắng trận ở Chương Dương và Thăng Long vào cuối tháng 5-1285, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2.
Không chỉ có tài thao lược quân sự, Trần Quang Khải còn là một nhà ngoại giao khôn khéo. Được vua cha cử tiếp đãi Sài Thung - sứ thần nhà Nguyên, ông đã mềm dẻo, khôn khéo từng bước bác bỏ các yêu sách ngang ngược của y. Trần Quang Khải còn là người giỏi làm thơ. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư nói về chiến thắng Chương Dương độ.
Một trong những vị vua nổi tiếng nhất thời Hậu Lê là Lê Lợi (Lê Thái Tổ). Ông sinh năm Ất Sửu (1385). Năm 1407, nhà Minh (Trung Quốc) cho quân xâm lược nước ta. Năm 1418, Lê Lợi tế cờ khởi nghĩa, xưng là Bình Định Vương. Ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược trong 10 năm, giành lại được độc lập cho dân tộc. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua lập ra nhà Hậu Lê, lấy tên nước là Đại Việt. Là người trọng người tài, ông đã tổ chức lại việc học tập tại Quốc Tử Giám, mở khoa thi tuyển chọn nhân tài.
Lê Thái Tổ là vị vua rất coi trọng việc giữ gìn độc lập, chủ quyền đất nước. Đầu năm 1432, sau khi dẹp xong cuộc nổi loạn của Đèo Cát Hãn - tù trưởng Mường Lễ, châu Ninh Viễn (nay là tỉnh Lai Châu) làm phản ở biên giới Tây Bắc, trên đường hồi kinh, vua Lê Thái Tổ đã sáng tác một bài thơ khắc trên vách đá ở Hòa Bình nói lên tư tưởng giữ nước cũng như kế sách bảo vệ phên dậu Tổ quốc. Bài thơ có câu: “Biên phòng hảo vị trù phương lược - Xã tắc ưng tu kế cửu an”, dịch nghĩa là: “Biên phòng phải lo sẵn phương lược - Giữ nước cần tính kế lâu dài”. Tư tưởng giữ nước, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới phải có sẵn kế sách của vua Lê còn mãi giá trị cho tới ngày nay.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/danh-nhan-tuoi-suu-co-cong-dung-nuoc-post437074.html