Dành nửa đời người để ''gieo'' con chữ

'Tôi đến với nghề giáo như một cơ duyên không định trước. Những ngày còn là cậu học trò cấp 3, chính bản thân cũng không nghĩ mình sẽ theo nghiệp gõ đầu trẻ, ấy vậy mà cuối cùng lại làm hồ sơ thi vào trường sư phạm. Ngót nghét cũng đã hơn 40 năm gắn bó với nghề giáo, trong đó có 20 năm tôi công tác tại Trường THPT Tân Hà'. Đó là những lời chia sẻ của thầy Nguyễn Lương Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tân Hà trước thời khắc ngôi trường ấy bước sang tuổi 20.

Thầy Ngọc và những học sinh Trường THPT Tân Hà

Thầy Ngọc và những học sinh Trường THPT Tân Hà

Tuổi xuân gắn với con chữ

Chúng tôi gặp thầy Nguyễn Lương Ngọc trong giờ ra chơi tại Trường THPT Tân Hà. Trên gương mặt trầm ngâm, ánh mắt nghiêm nghị, có lẽ không ít lần vẻ ngoài ấy đã tạo cho người đối diện có một cảm giác e ngại khi lần đầu gặp mặt. Thế nhưng, qua cái bắt tay ấm áp, những câu hỏi thăm ân cần cũng đủ thấy được, phía sau sự nghiêm khắc ấy là người giáo viên luôn cháy hết mình với nghề, biết lắng nghe, thấu hiểu tâm tư của từng thế hệ học sinh và giáo viên trong trường.

Thầy Ngọc kể, năm 1981, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, thầy trở thành giáo viên dạy Toán, Lý tại Trường Thanh niên Dân tộc vừa học vừa làm ở huyện Quỳnh Nhai, Sơn La. Đến năm 1990, thầy chuyển vào Lâm Hà sinh sống và lần lượt giữ chức vụ Hiệu trưởng ở nhiều trường học trên địa bàn huyện. “Như một cái duyên, cái nợ, tôi đi rồi lại trở về với Trường THPT Tân Hà như một người bạn tri kỉ mà không thể tách rời” - thầy Ngọc tâm sự.

Tân Hà ngày ấy là xã vùng xa, phân trường đặt cách xa trung tâm xã mấy chục cây số, nên việc đến trường của học sinh lúc ấy rất gian nan. Đây cũng chính là trăn trở của một người thầy, luôn đau đáu có một ước mơ đưa con chữ và kiến thức, cũng như đội ngũ giáo viên đến gần hơn với con em nơi đây.

Giấc mơ thành hiện thực khi Trường THPT Tân Hà được thành lập vào năm 2000. Đằng đẵng gần 20 năm làm việc và cùng ngôi trường đi qua những ngày gian khó, ấy vậy mà nụ cười hạnh phúc vẫn luôn nở trên môi mỗi thầy cô khi nhìn thấy sự trưởng thành của bao thế hệ học sinh. Đó là niềm tự hào của những giáo viên như thầy Ngọc.

Muôn khó khăn nhưng không buông bỏ

Nhớ lại những tháng ngày chuẩn bị xây dựng trường, lúc ấy nơi đây chỉ là một ngọn đồi bỏ hoang và những thầy cô trẻ tuổi như thầy Ngọc đều nghĩ sẽ chẳng bám trụ được lâu. “Tôi còn nhớ ngày mới thành lập, khi đó mọi thứ còn khó khăn, vất vả lắm nhưng vui. Tất cả giáo viên đều là những người tha phương nên khi về sống chung cùng một khu tập thể, ai nấy cũng đều coi nhau như anh em trong một nhà. Gọi là khu tập thể vậy thôi, nhưng nó chỉ là cái nhà kho cũ kĩ rộng chừng 30 m2 cho 13 giáo viên. Chật chội là thế, nhưng anh em sống với nhau có nhiều kỷ niệm. Nhớ mỗi lần mưa gió kéo về là y như rằng khi kết thúc giờ dạy, mấy thầy cô vội vàng chạy về khu tập thể. Cảnh tượng ai cũng đoán được trước rằng, gió sẽ làm tốc hết mái nhà, áo quần, sách vở, giáo án soạn sẵn ướt nhẹp. Đôi ba lần nhiều thầy cô cũng có ý định chuyển công tác hoặc xin nghỉ, nhưng rồi tất cả đâu lại vào đấy. Rồi cũng gắn bó keo sơn với nhau cũng chỉ vì quá yêu cái nghề giáo và vì trách nhiệm đối với thế hệ học sinh” - thầy Ngọc xúc động nói.

Bởi, thầy Ngọc là người đã gắn bó với ngôi trường từ khi còn sơ khai, trải qua bao biến cố thăng trầm, nên khi được tiếp tục ở lại trường, người thầy ấy vẫn lặng lẽ giữ cho mình những ngày tháng tươi đẹp ở nơi mà thầy thường nói đó là ngôi nhà thứ 2 của mình.

Và từ đó, sâu thẳm bên trong con người thầy là trách nhiệm của người lái đò thầm lặng, mong muốn truyền lại ngọn lửa dạy và học cho giáo viên kề cận, những cô cậu học trò trong tương lai.

Hơn 40 năm gắn bó với ngành giáo dục, trong đó có 20 năm gắn bó với Trường THPT Tân Hà, thầy Ngọc cho rằng đó là một chặng đường dài để mình nhìn lại và tự hào về điều đó. Và chắc hẳn, những cống hiến của người thấy ấy nói riêng và giáo viên Trường THPT Tân Hà nói chung đều được bao thế hệ học sinh ghi nhận và nhớ mãi.

“Cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc và trân quý khi mình đã được góp phần tiếp thêm tri thức cho thế hệ học sinh. Mong rằng ở những chặng đường mới, thầy cô ở ngôi trường này sẽ có thêm nhiều năng lượng, biết đổi mới cách giảng dạy phù hợp và có nhiều cống hiến hơn cho sự nghiệp trồng người. Còn đối với học sinh, hy vọng các em sẽ là những mầm non của đất nước, có ích cho xã hội và gia đình” - đó là những tâm sự của thầy Ngọc khi đã bước vào những năm cuối của nghề giáo cao quý mà cả cuộc đời thầy gắn bó.

Thầy giáo Nguyễn Đình Thắng, người đã công tác tại Trường THPT Tân Hà và làm việc cùng thầy Ngọc từ năm 2014 chia sẻ: Ở vị trí nào, thầy Nguyễn Lương Ngọc cũng đều mang cả tấm lòng của mình để đặt vào đó. Quyết đoán trong lãnh đạo, nhưng trong cuộc sống, thầy là người dành nhiều tình cảm cho cả giáo viên và học sinh, đặc biệt thầy rất tâm huyết với ngành giáo dục. Có lẽ cho đến sau này, thầy vẫn mãi là tấm gương để thế hệ giáo viên trẻ nhìn vào và học hỏi.

THÂN THU HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202011/ky-niem-20-nam-thanh-lap-truong-thpt-tan-ha-huyen-lam-ha-2000-2020-danh-nua-doi-nguoi-de-gieo-con-chu-3030339/