Đánh phụ nữ ở cây ATM và loạt hành động xấu xí của kẻ chen hàng
Nhiều người đồng tình rằng hành vi chen ngang hàng khi sử dụng dịch vụ ở nơi công cộng là thể hiện ý thức, văn hóa kém khi không tuân thủ quy định chung.
"Con ranh này, mày biết tao là ai không?"
"Mày giỏi quay đi, quay đi"
Những câu nói đầy tính chợ búa, côn đồ cùng lời chửi thề được một người đàn ông thốt ra khi bị chị Nguyễn Thị Loan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhắc nhở vì chen hàng rút tiền tại cây ATM ở đường Khương Trung.
Ngoài chửi bới, sau 5-7 phút không rút được tiền, người này còn quay ra tát và lấy mũ bảo hiểm đánh vào đầu chị Loan.
Không chỉ ở cây ATM, từ rạp phim, nhà hàng, sân bay, câu chuyện về văn hóa xếp hàng không còn mới nhưng vẫn xảy ra hàng ngày, khiến nhiều người ngán ngẩm về ý thức của một bộ phận người dân.
Chuyện không của riêng ai
Dưới clip ghi lại vụ việc người đàn ông hành hung chị Loan ở cây rút tiền, nhiều dân mạng chia sẻ câu chuyện tương tự của bản thân khi có những trải nghiệm đáng quên khi xếp hàng.
"Hôm mình đứng xếp hàng thanh toán, có cô đứng trước mình và nhờ mình đứng trông đồ hộ để cô đi lấy thêm đồ. Tự dưng có một bác nữa cầm nguyên cây chổi lau nhà chen lên trước mình, coi mình như không khí mặc dù mình đứng chình ình ở đó. Xong chìa chìa cái thẻ ra trước mặt chị thu ngân. May mà chị thu ngân bơ luôn nên bác đó mới lui về sau xếp hàng", Diệu Linh kể.
Thùy Linh (24 tuổi, nhân viên kinh doanh) cũng từng có trải nghiệm "nhớ đời" khi nhắc nhở người khác xếp hàng theo thứ tự.
"Hôm đó, mình cùng bạn trai đi ăn ở nhà hàng khá nổi tiếng, khách đông nên phải xếp hàng đợi tới lượt. Chẳng hiểu ở đâu có hai vợ chồng nọ hồn nhiên đứng vào khoảng trống nhỏ trước mặt mình rồi cười nói như không có gì", Linh nhớ lại.
Bức xúc khi phải xếp hàng gần 20 phút mà lại bị chen ngang, Linh vẫn nhắc nhở hai vợ chồng nọ một cách lịch sự.
"Anh chị tới sau thì xuống dưới xếp hàng đi ạ, em đứng đây từ nãy rồi".
Lúc đó, đột nhiên người đàn ông quay ra hét lớn vào mặt Linh: "Xếp cái gì mà xếp, lúc nãy tao có thấy mày đâu. Mày không thích ăn lại thích gây sự à".
Quá bất ngờ vì bị chửi bới dù mình không làm gì sai, Linh dù tức nhưng cũng không muốn làm to chuyện thêm vì sợ xảy ra xô xát.
"Lúc đó nhà hàng đông, người yêu mình lại nóng tính nên nếu đôi co thêm vài câu kiểu gì cũng đánh nhau. Vì không muốn rước thêm bực vào người nên mình nói bạn trai sang hàng khác ăn", Linh nói.
Cũng với tâm lý "không muốn vướng rắc rối", Quỳnh Anh (23 tuổi) cũng từng ấm ức chịu cảnh xem phim muộn giờ vì bị chen hàng khi mua vé.
"Lúc mua được tấm vé nhờ chen hàng của mình, đám thanh niên còn quay lại cười cợt, đắc thắng giống như tự hào vì hành động của mình vậy. Thật không hiểu ý thức của một số người hiện nay bị sao nữa", cô ngán ngẩm.
Không phải cứ nhẫn nhịn là tốt
Theo South China Morning Post, trung bình một người Mỹ dành ra tới 2 năm trong cuộc đời để chờ đợi khi xếp hàng, con số này ở người Anh là khoảng 6 tháng.
Một trong những đất nước nổi tiếng với văn hóa xếp hàng ngay cả trong hoàn cảnh hỗn loạn sau thiên tai là Nhật Bản.
Sau những trận động đất, bão lụt kinh hoàng, hình ảnh những người dân ở xứ anh đào ngay ngắn xếp hàng để mua đồ dùng hay thực phẩm từng khiến nhiều người trên thế giới kinh ngạc.
"Khi mình du lịch Thái Lan cùng bạn, cả nhóm phải đợi rất lâu để được thưởng thức món ăn tại một nhà hàng nổi tiếng ở Bangkok. Điều khiến mình ngạc nhiên là dù có nhiều khách đến từ các nước khác nhau, mọi người đều xếp hàng ngay ngắn, tranh thủ trò chuyện hay lướt điện thoại chứ không có việc chen lấn, xô đẩy", Thu Thảo (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
Theo Thảo, một phần khách có ý thức như vậy là do nhà hàng thông báo sẽ từ chối phục vụ khách chen, lấn hàng hay gây lộn xộn.
"Mình nghĩ ở những nơi cung cấp dịch vụ ăn uống, mua sắm, nếu có quy định nghiêm ngặt về việc xếp hàng thì sẽ công bằng hơn, hạn chế được hiện tượng chen lấn ở khách", Thảo nói.
Chia sẻ trên một diễn đàn mới đây, pha "đáp trả" khi bị chen hàng của tài khoản Đức Tân Liêu khiến nhiều người "hả dạ".
"Đợi mãi mới đến lượt, mình hớn hở rút thẻ tích điểm ra chuẩn bị thanh toán thì có bà chị chen tới, nói mình nhường vì 'chị mua có hộp sữa cho con thôi', nhưng trong giỏ thì phải mua ít nhất 20 món.
Sau đó, mình nói: 'Chị đi cùng con thì nên làm sao cho phải, đừng làm gương xấu cho con như vậy chị ạ. Em mà như chị em xấu hổ với con mình lắm đó'", người này viết.
Nhận ra hành động không đẹp của người phụ nữ, nhân viên thu ngân cũng tiến hành thanh toán cho chủ nhân bài viết và mời người phụ nữ ra sau xếp hàng.
Nói về ý thức xếp hàng, Trần Thiên An (26 tuổi) nhận xét tình trạng chen chúc, lấn chỗ đã giảm rất nhiều, nhất là ở người trẻ. Những lần đi ăn uống, cô và bạn bè vẫn giữ thói quen hỏi "ai là người cuối cùng" để đứng chờ, tránh lộn xộn, gây ồn ào, ảnh hưởng tới người khác.
"Thời buổi văn minh, mình tưởng tâm lý muốn nhanh một chút, người ta chen được mình cũng chen được, hoặc những kẻ chen hàng như anh trong clip đã tuyệt chủng rồi chứ. Bạn bè và những người mình quen đã rất thoải mái với việc xếp hàng ở nơi công cộng. Mong rằng hình ảnh đang chia sẻ trên mạng kia chỉ là 'con sâu làm rầu nồi canh'", Thiên An nói.