Danh sách đen của Mỹ khiến startup công nghệ Trung Quốc ngắc ngoải
Đòn trừng phạt mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể khiến một số startup công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc tê liệt.
Ngày 7/10, chính phủ Mỹ đưa 8 công ty công nghệ Trung Quốc vào “danh sách đen”. Trong số đó có SenseTime, startup Al lớn nhất thế giới và Megvii Technology.
Theo Bloomberg, đây là hai doanh nghiệp thu hút hàng tỷ USD tiền đầu tư từ nước ngoài và được chính quyền Bắc Kinh kỳ vọng sẽ tạo ra những công nghệ mới mang tính cách mạng.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump tung cú đòn chỉ vài ngày trước khi các quan chức Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại ở thủ đô Washington DC.
Cú đòn đánh vào ngành công nghệ Trung Quốc
Trước đó, SenseTime và Megvii gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn do kinh tế Trung Quốc sa sút. Lãnh đạo các công ty này tính huy động đầu tư từ nước ngoài. Nhưng quyết định của Nhà Trắng sẽ phá vỡ kế hoạch này.
Ngoài ra, "danh sách đen" của chính phủ Mỹ cũng sẽ ngăn chặn các nhà cung cấp và đối tác nghiên cứu phương Tây tiếp tục hợp tác với SenseTime và Megvii.
Động thái của Bộ Thương mại Mỹ có khả năng hủy hoại nỗ lực này khi cấm cửa các đối tác kinh doanh, nhà cung cấp và nhà nghiên cứu của Mỹ hợp tác với hai công ty này. Ví dụ, Tập đoàn Nvidia (Mỹ) là nhà cung cấp chính cho cả hai công ty Al Trung Quốc.
“Các công ty Mỹ sẽ e ngại không muốn hợp tác với SenseTime và Megvii vì lo ngại ảnh hưởng đến uy tín”, Bloomberg dẫn lời chuyên gia Isaac Stone Fish thuộc Trung tâm Xã hội châu Á bình luận.
Giới quan sát đánh giá đây là một nước cờ của Mỹ nhằm tiếp tục chiến dịch kiềm chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. Đầu tiên là cú đánh vào Huawei và giờ là đòn tấn công một số startup quan trọng của nước này.
Ngoài SenseTime và Megvii, chính quyền Tổng thống Trump còn đưa 6 công ty công nghệ khác của Trung Quốc vào “danh sách đen”. Điều đó có nghĩa là chúng không thể làm ăn với các doanh nghiệp Mỹ khi không có giấy phép của Washington.
Bloomberg cho biết SenseTime và Megvii đang cố giảm sự phụ thuộc vào phần mềm và bảng mạch của Mỹ bằng cách tự phát triển chip riêng. Việc bị đưa vào "danh sách đen" sẽ khiến hai công ty này mất khả năng tiếp cận công nghệ và vốn Mỹ.
Kỳ vọng lớn và nguy cơ đổ bể kế hoạch IPO
Trên tài khoản WeChat, Megvii tuyên bố lệnh cấm của Mỹ "không có cơ sở" và khẳng định tuân thủ mọi quy định tại các thị trường mà công ty này có mặt. SenseTime và Bộ Thương mại Mỹ chưa lên tiếng phản ứng.
Với các sản phẩm như xe tự hành, robot lễ tân và hệ thống nhận diện khuôn mặt, Megvii và SenseTime - cùng Huawei, Tencent Holding và Didi Chuxing - được chính quyền Trung Quốc kỳ vọng sẽ giúp khẳng định vị thế của nước này trong nền kinh tế hiện đại toàn cầu.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc mô tả đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của Megvii sẽ đánh dấu màn ra mắt của ngành công nghiệp AI Trung Quốc trên trường quốc tế. Tuy nhiên, kế hoạch này có nguy cơ đổ bể.
Chưa rõ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phản ứng thế nào với quyết định của chính phủ Mỹ. Qiming Venture Partners và Sinovation Ventures của Lee Kai Fu đầu tư vào Megvii và công ty này được định giá 4 tỷ USD. Trong khi đó, SenseTime được Fidelity International, Silver Lake, Tiger Global và SoftBank rót vốn. SenseTime được định giá 7,5 tỷ USD.
Cả hai startup đều tăng trưởng chóng mặt trong những năm gần đây. SenseTime đã mở rộng từ công nghệ nhận diện khuôn mặt sang bảo mật tài chính, robot giao hàng và xe tự hành. Startup này có khoảng 3.000 nhân viên và tuyển 100 người mới mỗi tháng.
Doanh thu SenseTime tăng trưởng hơn 100% mỗi năm nhưng vẫn kinh doanh lỗ do đầu tư ồ ạt vào các lĩnh vực mới như sản xuất chip Al. Vẫn phụ thuộc vào chip của Nvidia nhưng SenseTimeđang phát triển chip "cây nhà lá vườn" và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.
Trong danh sách đen của Mỹ còn có Xiamen Meiya Pico và Yixin Science and Technology, các nhà cung cấp thiết bị và phần mềm cho cảnh sát Trung Quốc.