Đánh sập đường dây mua bán hóa đơn trị giá 25.000 tỷ đồng

Ngày 02-11, Công an (CA) tỉnh Phú Thọ tổ chức họp báo thông báo kết quả đấu tranh một số chuyên án, vụ án nổi bật. Chủ chủ trì họp báo là Đại tá Phạm Trường Giang, Giám đốc CA tỉnh.

228 công ty có người đại diện đều sử dụng giấy tờ giả

Theo đó, Phòng Cảnh sát kinh tế CA tỉnh Phú Thọ cho biết đã thu giữ 228 con dấu của các doanh nghiệp bán hóa đơn và 32 con dấu giả của các cơ quan chức năng; phong tỏa 2 tài khoản với số tiền trên 27 tỷ đồng... Liên quan đến vụ án trên, CA tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng về hành vi "Mua bán trái phép hóa đơn điện tử" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Trong đó, 2 đối tượng cầm đầu là Nguyễn Minh Tú (SN 1992) và Võ Tấn Lộc (SN 1997, cùng ở phường Tam Phú, TP.Thủ Đức, TPHCM). Quá trình điều tra xác định: Thông qua mạng zalo, hai đối tượng đã mua 228 công ty có người đại diện theo pháp luật đều sử dụng giấy tờ giả, địa chỉ ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước (chủ yếu ở TPHCM và Hà Nội). Sau đó, thiết lập mạng lưới các đối tượng trung gian khoảng trên 400 người có phân công, phân cấp nhiệm vụ rõ ràng để khai thác trang thông tin điện tử các doanh nghiệp Việt Nam, tìm kiếm để bán hóa đơn GTGT điện tử cho rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước với doanh số trên 25 nghìn tỷ đồng.

Bước đầu xác định thiệt hại về thuế trên 2.500 tỷ đồng; các đối tượng thu lợi bất chính khoảng trên 1.200 tỷ đồng. Trong đó, hai đối tượng cầm đầu là Tú và Lộc thu lợi bất chính trên 252 tỷ đồng, còn lại là các đối tượng trung gian trong hệ thống (F1, F2, F3...) hưởng lợi bất chính.

Để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn đã bán, Tú và Lộc thành lập nhiều công ty tài chính với hình thức mua qua mạng zalo (người đại diện theo pháp luật của các công ty này đều sử dụng giấy tờ giả); sử dụng số điện thoại sim "rác" đăng ký ứng dụng Internet Banking để "bơm tiền" cho các đối tượng trung gian làm thủ tục thanh toán "quay vòng".

Cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ kiểm tra tang vật thu giữ

Cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ kiểm tra tang vật thu giữ

Đối với các hóa đơn đã bán có mặt hàng cần phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như: đất, cát, sỏi, gỗ, xăng dầu, thực phẩm..., Nguyễn Minh Tú đã mua 32 con dấu giả của các cơ quan có thẩm quyền (UBND các tỉnh, các sở, ngành và các cơ quan đăng kiểm, kiểm định, công chứng) qua mạng để thiết lập các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ghi trên các hóa đơn khống, chuyển cho doanh nghiệp mua hóa đơn.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Phú Thọ đã thu giữ 228 con dấu của các doanh nghiệp bán hóa đơn và 32 con dấu giả của các cơ quan chức năng, phong tỏa 2 tài khoản với số tiền trên 27 tỷ đồng. Hiện Cơ quan CSĐT CA tỉnh Phú Thọ đang tiếp tục xác minh điều tra mở rộng vụ án.

Làm GPLX giả nhưng quảng bá "thật 100%, có mã QR"

Ngày 02-11, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) CA tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng về hai hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Các đối tượng gồm Hoàng Văn Đằng (SN 1995); Phạm Văn Vượng (SN 1994); Tống Xuân Duy (SN 2003) và Cao Thị Hiền (SN 2003, HKTT huyện Giao Thủy, Nam Định) đã bán hàng trăm bộ hồ sơ và giấy phép lái xe (GPLX) giả cho nhiều người ở các tỉnh, thành phố khác nhau để thu lời bất chính.

Vào cuộc xác minh, Phòng CSHS CA tỉnh Phú Thọ phát hiện trên Facebook có nhiều trang, nhóm giả mạo các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe chạy quảng cáo rầm rộ "nhận làm GPLX các hạng A1, A2, B1, B2..." và cam kết "GPLX thật 100%, có mã QR, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh và CCCD sẽ có người thi hộ, có hồ sơ gốc, bao đậu... nhận bằng lái mới phải trả tiền...

Các đối tượng trong đường dây mua bán hóa đơn và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Các đối tượng trong đường dây mua bán hóa đơn và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Qua xác minh, Phòng CSHS CA tỉnh Phú Thọ xác định các "trung tâm đào tạo sát hạch lái xe" này đều không có địa chỉ thật và không có thông tin trong hệ thống đào tạo lái xe được cấp phép. Tuy nhiên, đã có rất nhiều người ở khắp cả nước đăng ký xin cấp, đổi GPLX các hạng và đang sử dụng GPLX giả của những "trung tâm ma" này.

Ngày 06-10, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Phú Thọ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, khám xét khẩn cấp chỗ ở của nhóm đối tượng kể trên tại một chung cư ở Hà Nội và thu giữ nhiều tang vật liên quan đến hành vi lừa đảo và làm giả GPLX.

Căn cứ kết quả điều tra xác định: Từ khoảng tháng 6 đến tháng 10-2022, Vượng đã tạo khoảng 20 trang Fanpage, lấy tên là: "Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe...", để chạy quảng cáo nhận cấp, đổi GPLX các hạng, nhằm lừa đảo những người có nhu cầu.

Sau đó, Vượng rủ Duy, Đằng và Hiền đến ở cùng chung cư tại Hà Nội để phân chia nhiệm vụ cùng phạm tội. Mỗi bộ hồ sơ và GPLX mô tô, các đối tượng bán với giá 1,3 triệu đồng/bộ, GPLX ô tô từ 2,5 - 4,5 triệu đồng/bộ.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã bán hàng trăm bộ hồ sơ và GPLX giả cho nhiều người trên khắp cả nước để thu lời bất chính. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra đã tạm giữ 127 bộ hồ sơ sát hạch lái xe và GPLX các đối tượng đã làm giả để phục vụ công tác điều tra.

Nguyên Ngọc

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/danh-sap-to-chuc-mua-ban-hoa-don-tri-gia-25000-ty-dong_139333.html