Dành sự quan tâm, chăm lo, hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em
Hằng năm, cứ đến Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và tết Trung thu là dịp để toàn xã hội thể hiện sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đối với thiếu niên, nhi đồng. Ngay trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, tỉnh Quảng Trị luôn dành sự quan tâm thích đáng đến công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng bằng những chủ trương, hành động thiết thực, hiệu quả, ý nghĩa. Thể hiện rõ nét nhất là tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch số 133/KH-UBND, ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2030.
Theo số liệu thống kê, tỉnh Quảng Trị có 182.399 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 29% dân số); số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đông, gần 40.000 trẻ, trong đó có khoảng 34.000 trẻ em sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và sự quan tâm của chính quyền địa phương, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Điểm nổi bật trong những năm qua là số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn được quan tâm hỗ trợ; tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em, tránh nguy cơ gây tổn hại, đặc biệt là kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục, bạo lực, phòng chống tai nạn thương tích.
Xác định công tác kiểm tra, giám sát thực hiện công tác trẻ em được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) (thường trực Ban điều hành bảo vệ trẻ em cấp tỉnh) đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, giám sát và thực hiện các chế độ liên quan đến trẻ em ở các địa phương; các ngành: giáo dục, y tế, văn hóa, ... bảo đảm cho trẻ em quyền được học tập, nuôi dưỡng, chăm lo sức khỏe, quyền khai sinh...
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc báo cáo, giải trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về Hệ thống bảo vệ trẻ em. Sở LĐ-TB&XH đã chủ động, kịp thời phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tăng cường truyền thông, tuyên truyền về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em, cách phòng, chống bệnh thường gặp ở trẻ em, Luật Trẻ em năm 2017, Nghị định số 56/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, tổ chức phát động điểm Tháng hành động cấp tỉnh tại huyện Triệu Phong và tăng cường công tác truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, in ấn sản phẩm băng rôn, áp phích, tờ rơi tuyên truyền. Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện chuyên mục “Vì trẻ em Quảng Trị”; thăm và tặng quà các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...
Ngoài các hoạt động được các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan cấp tỉnh triển khai, hầu hết các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đều tổ chức, thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp cho mọi trẻ em có sân chơi bổ ích, an toàn và lành mạnh.
6 tháng đầu năm 2024, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới vùng Hướng Hóa và Đakrông và phòng LĐ-TB&XH 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông tổ chức 6 lớp tập huấn hướng dẫn xây dựng Quy ước thôn không có tảo hôn.
Phối hợp với tổ chức Plan International xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tập huấn cho Ban điều hành bảo vệ trẻ em cấp tỉnh và cấp huyện, đồng thời tập huấn nâng cao năng lực cho Ban điều hành bảo vệ trẻ em cấp xã đối với các xã trong vùng dự án Plan tại huyện Đakrông và Hướng Hóa.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ngày càng được chú trọng. Hiện có 71.871 trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí. Tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ thực hiện đến hết tháng 6/2024 ước đạt 48%. Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động sôi nổi, bổ ích, tạo điều kiện cho trẻ em được vui chơi lành mạnh, được phát triển toàn diện trong môi trường an toàn và thân thiện; định hướng, giáo dục trẻ em giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tổ chức phát thưởng cho trẻ em nghèo vượt khó học giỏi nhằm động viên kịp thời những tấm gương tiêu biểu trong học tập; giáo dục cho trẻ em kỹ năng biết tự bảo vệ mình; tổ chức các hoạt động giao lưu giữa trẻ em bình thường và trẻ em đặc biệt để tăng cường sự tự tin, hỗ trợ các em hòa nhập cộng đồng; vận động trao học bổng và điều kiện học tập cho học sinh, góp phần động viên về vật chất và tinh thần cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số...
Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học chống mù chữ. Trường trẻ em khuyết tật tỉnh đã đi vào hoạt động có hiệu quả, tạo điều kiện để cho gần 150 trẻ khuyết tật nặng vào học theo mô hình chuyên biệt theo đúng nội dung, chương trình và thời gian quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tất cả các trẻ khuyết tật nhẹ được đưa vào học hòa nhập tại các trường tiểu học trên địa bàn mà gia đình trẻ đang sinh sống. Tỉnh Quảng Trị duy trì vững chắc kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS đạt mức độ 1 và xóa mù chữ đạt mức độ 1.
Kết quả, có 100% trẻ đến trường được học chương trình giáo dục mầm non và 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, 100% trẻ được đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần, được hướng dẫn ăn uống đầy đủ ở nhà và khi đến trường; được ăn bán trú và học 2 buổi/ngày.
Toàn tỉnh hiện có 1 trung tâm thanh thiếu nhi, 6 nhà thiếu nhi cấp huyện, 125/125 xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi cho trẻ em với tổng số 125 điểm vui chơi ở xã, phường, thị trấn...
Toàn tỉnh có 1.297 sân thể thao các loại phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, học tập cho trẻ em, thanh niên trên địa bàn tỉnh; 26 bể bơi cấp tỉnh; 17 bể bơi cấp huyện phục vụ nhu cầu của trẻ em. Trẻ em được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và được tham gia hoạt động xã hội phù hợp...
Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể luôn phối hợp tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao cho trẻ em. Việc huy động các nguồn lực xã hội vận động Quỹ Bảo trợ Trẻ em để tổ chức các hoạt động nhằm hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả tích cực.