Danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành không gian văn hóa, giải trí đặc sắc của Đà Nẵng
Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành không gian văn hóa, không gian tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của Tp.Đà Nẵng; kết nối với các điểm di tích, danh thắng nổi tiếng khác của thành phố và các địa phương lân cận để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, là điểm đến quan trọng trên hành trình du lịch 'Con đường Di sản miền Trung'...
Đây là một trong những mục tiêu được nhấn mạnh trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (danh thắng Ngũ Hành Sơn), quận Ngũ Hành Sơn, Tp.Đà Nẵng vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành ngày 11/7/2023.
Phạm vi lập quy hoạch có diện tích 1.049.701 m2, được xác định theo bản đồ khoanh vùng Khu vực bảo vệ I và Khu vực bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, thuộc địa bàn phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Tp.Đà Nẵng.
Quy hoạch nhằm quản lý và bảo vệ danh thắng Ngũ Hành Sơn hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, dịch vụ du lịch; là cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị cảnh quan đặc trưng, hệ sinh thái của khu vực danh lam thắng cảnh.
Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành không gian văn hóa, không gian tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của Tp.Đà Nẵng; kết nối với các điểm di tích, danh thắng nổi tiếng khác của thành phố và các địa phương lân cận để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, là điểm đến quan trọng trên hành trình du lịch “Con đường Di sản miền Trung”.
Quy hoạch cũng xác định ranh giới và các khu vực bảo vệ, phát huy giá trị của danh thắng Ngũ Hành Sơn; tạo cơ sở để quản lý và cắm mốc giới, phân khu chức năng và xác định chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực bảo vệ của danh thắng, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái và các phân khu chức năng khác.
Cùng với đó định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nâng cấp và xây mới) phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị; bảo đảm kết nối hài hòa, đồng bộ với cảnh quan, môi trường xung quanh, với quy hoạch chung Đà Nẵng và các quy hoạch khác có liên quan.
Định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn và khu vực vùng đệm gắn với phát triển du lịch bền vững.
Đây cũng là căn cứ pháp lý để xây dựng quy định quản lý, bảo vệ, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực danh thắng và các khu vực liền kề; lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh theo quy hoạch được duyệt. Tạo điều kiện, cơ chế, nguồn lực thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững tại khu vực.
Toàn cảnh Ngũ Hành Sơn
Về cơ cấu sử dụng đất toàn khu vực, quy hoạch nêu rõ việc bảo vệ nguyên trạng toàn bộ Khu vực bảo vệ I của Danh thắng Ngũ Hành Sơn (diện tích 189.821m2), thiết lập vùng đệm cây xanh rộng 20m xung quanh khu vực này. Đất các công trình di tích, cơ sở tôn giáo: Diện tích 90.104 m2.
Khu vực dân cư kinh doanh đá mỹ nghệ trên tuyến đường Huyền Trân Công Chúa và đường Non Nước: Chỉnh trang một phần; có kế hoạch giải tỏa một phần để tạo lập trục cảnh quan kết nối ngọn Thủy Sơn và Mộc Sơn.
Khu vực bảo tồn hình thái vùng dân cư sản xuất nông nghiệp: Thực hiện bảo tồn 5 nhà cổ hiện trạng và giữ lại tối đa 25 thửa đất; di dời để tạo quỹ đất sạch. Quy hoạch toàn bộ khu vực này thành đất hỗn hợp kết hợp giữa chức năng đất ở đô thị với đất du lịch dịch vụ, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật khác...;
Các khu đất và dự án đã được cấp đất sẽ quản lý và xây dựng theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Giải tỏa các khu vực dân cư còn lại: Thiết lập các khu chức năng dịch vụ du lịch gắn với phát huy giá trị di tích, phù hợp với phân kỳ thực hiện theo quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất của Thành phố.
Theo định hướng, khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn sẽ xây dựng các tuyến, điểm du lịch trên cơ sở lấy các yếu tố gốc tạo nên giá trị của danh lam thắng cảnh là hạt nhân trong phát triển du lịch. Tổ chức các tour du lịch theo chuyên đề để gia tăng trải nghiệm cho du khách.
Tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, văn hóa sẵn có của khu vực như: Hệ thống núi đá, hang động, công trình di tích... để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tín ngưỡng, trải nghiệm, tham quan làng nghề đá mỹ nghệ...
Bên cạnh đó, tạo lập các sản phẩm dịch vụ, du lịch mới phù hợp như du lịch thiền, ẩm thực chay, các khóa tu tập...; khai thác lợi thế của làng quê nông nghiệp, mặt nước sông Cổ Cò kết nối với giao thông thủy nội địa để đa dạng thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng... Tổ chức các hoạt động khai thác dịch vụ du lịch ban đêm trong khu vực danh thắng theo định hướng chung của ngành du lịch thành phố.
Cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch phục vụ du khách, đồng thời có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng các sản phẩm du lịch mới phát triển…