Dành thời gian thỏa đáng thu thập, phân tích số liệu liên quan
Các Ban HĐND cần chủ động tiếp cận, yêu cầu các cơ quan soạn thảo tạo điều kiện tham gia ngay từ giai đoạn đầu quá trình xây dựng tờ trình, dự thảo nghị quyết để nắm chắc nội dung và kịp thời thu thập số liệu, tài liệu liên quan; kiên quyết yêu cầu cơ quan soạn thảo gửi tài liệu thẩm tra đúng thời gian quy định. Việc thu thập, phân tích các số liệu liên quan đến nội dung thẩm tra phải được chú trọng, dành thời gian thỏa đáng. Quá trình thẩm tra, có sự linh hoạt, chú trọng đánh giá tác động của nghị quyết…
Đó là những nội dungPhó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thành phố lần thứ 5 mới đây.
Khâu “then chốt” bảo đảm chất lượng các quyết sách
Qua trao đổi tại hội nghị cho thấy, về cơ bản các đại biểu đều thống nhất nhận thức vai trò quan trọng của công tác thẩm tra các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trình kỳ họp HĐND, là khâu “then chốt” bảo đảm nghị quyết của HĐND thông qua hợp hiến, hợp pháp, khoa học, có tính khả thi cao, giúp nghị quyết được ban hành sớm đi vào cuộc sống. Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, công tác thẩm tra luôn được HĐND, Thường trực HĐND tỉnh và các huyện, thành phố quan tâm, chỉ đạo, điều hòa, tạo điều kiện để các ban thực hiện tốt công tác thẩm tra. Chất lượng thẩm tra không ngừng được nâng lên, tạo cơ sở cho việc xem xét, quyết nghị tại kỳ họp.
Tuy nhiên, từ thực tế, nhất là các ý kiến trao đổi tại Hội nghị cũng cho thấy còn nhiều hạn chế, bất cập trong hoạt động thẩm tra, do nhiều nguyên nhân. Đó là: các Ban HĐND tỉnh, huyện có thời điểm, nội dung cũng chưa chủ động nghiên cứu, nắm vấn đề ngay từ khâu xây dựng dự thảo, đề án; việc nghiên cứu các văn bản, tài liệu, thu thập thông tin liên quan đến công tác thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết đôi khi chưa được sâu, toàn diện. Còn có báo cáo thẩm tra chưa thể hiện rõ quan điểm, nhất là khi các căn cứ của báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết của UBND cùng cấp, các ngành trình chưa đầy đủ, chưa thật sự thuyết phục.
Kiên quyết yêu cầu gửi tài liệu thẩm tra đúng thời gian
Trên cơ sở các ý kiến trao đổi tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh yêu cầu: các Ban HĐND phải thực sự chủ động trong tham mưu cho Thường trực HĐND xem xét xây dựng dự kiến nội dung kỳ họp. Từ đó, có thể chủ động nắm được nội dung trọng tâm của kỳ họp để có kế hoạch hoặc điều chỉnh kế hoạch trước khi kỳ họp diễn ra cho phù hợp với những nội dung sẽ thẩm tra.
Các Ban HĐND chủ động tiếp cận, yêu cầu các cơ quan soạn thảo tạo điều kiện tham gia ngay từ giai đoạn đầu của quá trình xây dựng tờ trình, dự thảo nghị quyết để nắm chắc nội dung và kịp thời thu thập số liệu, tài liệu liên quan. Từ đó, chủ động xây dựng đề cương báo cáo thẩm tra; kết hợp tốt giữa thẩm tra với hoạt động khảo sát, giám sát chuyên đề để thu thập thông tin, số liệu phục vụ hoạt động thẩm tra. Việc thu thập, phân tích các số liệu liên quan đến nội dung thẩm tra phải được chú trọng, dành thời gian thỏa đáng. Bộ phận chuyên trách chủ động cung cấp các tài liệu, thông tin cần thiết phục vụ công tác thẩm tra gửi các thành viên Ban đầy đủ, kịp thời.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh: Phải kiên quyết yêu cầu cơ quan soạn thảo gửi tài liệu thẩm tra đúng thời gian quy định. Quá trình thẩm tra, có sự linh hoạt, tùy theo mức độ để đề ra lịch thực hiện các bước thẩm tra bảo đảm đúng quy trình, quy định của luật; chú trọng đánh giá tác động của nghị quyết. Báo cáo thẩm tra phải có sự tham gia của các thành viên Ban và phải họp mời đại diện UBND cùng cấp tham dự, nghe và thảo luận, giải trình đối với các nội dung ý kiến còn trái chiều.
Việc thẩm tra các báo cáo, đề án trình kỳ họp trên nhiều lĩnh vực, nhiều đề án phức tạp, liên quan nhiều nội dung, đòi hỏi phải phát huy trí tuệ tập thể thì các báo cáo thẩm tra mới có chất lượng và mới tham mưu được cho HĐND những vấn đề đúng và trúng (có nhiều cách có thể vận dụng như mời hoặc tham khảo ý kiến của các chuyên gia thuộc các lĩnh vực thẩm tra). Ý kiến của các ngành liên quan, những thông tin thu thập được qua hoạt động giám sát, khảo sát thực tế cũng rất hữu ích phục vụ cho công tác thẩm tra. Việc tiếp thu các ý kiến của chuyên gia, các ngành, các cấp phải thực sự cầu thị và có sự tổng hợp, nghiên cứu đánh giá khách quan, khoa học, có so sánh đối chiếu với những thông tin thu được qua giám sát, khảo sát để từ đó có một bản báo cáo thẩm tra sâu sắc, có chất lượng, tính phản biện và tính chuyên sâu, để cơ quan soạn thảo phải đồng thuận giúp cho việc ban hành nghị quyết có chất lượng.
Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra có sự phối hợp chặt chẽ của Ban thẩm tra với nhiều đối tượng khác nhau. Chuẩn bị kỳ họp, các Ban phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình thẩm tra. Có nhiều tờ trình, dự thảo nghị quyết nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực, Ban chủ trì thẩm tra cần chủ động phối hợp với cơ quan soạn thảo theo dõi quá trình lấy ý kiến của các ngành, các cấp về nội dung dự thảo nghị quyết, tờ trình để nắm được quan điểm, những nội dung còn khác nhau, để có căn cứ và quan điểm chính thức trong thẩm tra.