Danh thơm còn mãi với non sông
Đã có một cách dịch như thế: 'Người thầy của muôn đời' từ bốn chữ đại tự 'Vạn thế sư biểu' đang treo cao ở di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám Thăng Long (Hà Nội). Thầy Chu Văn An (vì được vua Trần Nghệ Tông truy phong tước 'Văn Trinh công' nên người đời lấy chữ 'Văn' ấy đệm vào giữa họ và tên, thành ra là Chu Văn An)
“Người thầy của muôn đời”
Thật ra thì “Vạn thế sư biểu” là chữ dành cho Khổng Tử-người được vua Lý Thánh Tông xây Văn Miếu Thăng Long từ năm 1070 để thờ. Nhưng thầy Chu Văn An cũng được vua Trần Nghệ Tông-đúng 300 năm sau cho “tòng tự” (cùng được thờ) ở đấy. Thành ra, thầy Chu Văn An từ ấy cũng đương nhiên thành “Người thầy của muôn đời” nước Việt, đúng như lời bình luận của sử thần Ngô Sĩ Liên ở bộ sách viết vào thế kỷ XV-“Đại Việt sử ký toàn thư” rằng: “Người thực đáng được gọi là ông Tổ của các nhà Nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu”.
Văn Miếu-với bộ phận phái sinh nhưng hữu cơ, là “Quốc Tử Giám” (Trường Đại học Quốc lập Hoàng Gia)-có vinh dự được chính thầy Chu Văn An vào đời trị vì của vua Trần Minh Tông (1314-1329), khi đang ở chỗ mới chỉ là “giáo làng” của “ngôi trường dân lập” Cung Hoàng (Huỳnh Cung, Thanh Trì, Hà Nội) ở bên cạnh làng quê hương Quang Liệt (Thanh Liệt) của mình, nhưng do tiếng thơm giỏi nghề thầy, đã được nhà vua vời triệu ra Kinh Đô làm chức Tư nghiệp (Hiệu trưởng) phụ trách.
Bấy giờ, nền giáo dục quốc gia-mà chữ của Tể tướng Trần Nguyên Đán dùng để gọi là “học hải” (biển học) đang cùng với triều đại nhà Trần bước vào hồi suy thoái mà có nhiều vấn đề, cho nên việc đón mời được thầy Chu Văn An “thượng Kinh”-để vừa làm thầy dạy học cho Thái tử, vừa cầm đầu trường Quốc tử-là cả một sự kiện lớn. Chẳng thế mà đến như Tể tướng Trần Nguyên Đán cũng phải làm thơ “Hạ Tiều Ẩn Chu Tiên sinh bái Quốc tử Tư nghiệp” (Mừng Chu Tiên Sinh, hiệu là Tiều Ẩn, được bổ nhiệm chức Hiệu trưởng Quốc Tử Giám) với những lời lẽ thật trang trọng (dịch): “Biển học xoay chiều, tục đổi thay/Trường sang (Thái) Sơn, (Bắc) Đẩu xứng ngôi thầy”.
Đó là vì, trước hết, do chăm chú và biết cách tự học, Chu Văn An đã là người vô cùng uyên bác, chính phái mà thấu hiểu cả Nho học của Khổng giáo và Đạo học của Lão giáo, đúng như lời thơ ca ngợi của Trần Nguyên Đán (dịch): “Công phu nấu sử sôi kinh lớn/ Chính hóa tôn Nho kính lão hay” và câu sử bút tường thuật của Ngô Sĩ Liên (dịch): “Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa”.
Bởi thế, đem vấn tri thức khổng lồ riêng có mà chọn nghề làm thầy, mở trường dạy học ở quê ngay từ trước khi nhập triều làm học quan cao cấp và luôn có phương pháp cùng đạo lý thực hành giáo dục thật đặc biệt, đó là điều lớn lao, đặc sắc thứ hai của Thầy Chu Văn An đã theo đuổi và rèn tạo thành bản lĩnh, để do đó mà trở thành “Sư biểu”, như lời sách “Đại Việt sử ký toàn thư”-vốn rất kiệm lời, mà cũng đã phải nhiều dòng nói (dịch): “Ông, tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc... Học trò thường có kẻ đỗ đại khoa, vào Chính phủ, như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát, đã làm đến “Hành Khiển” (Thủ tướng) mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm hỏi thầy thì lạy ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa, thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét, không cho vào gặp. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt, đáng sợ đến như vậy đấy”.
Minh họa sinh động cho phẩm cách vị “Sư biểu” trong danh nhân Chu Văn An có thể nhiều người còn chưa biết đến dấu tích ngôi trường “dân lập” của thầy ở Cung Hoàng cho đến cuối thế kỷ XX vẫn thấy còn. Đó là một bãi đất mà sau nhiều thế kỷ đã mọc cỏ um tùm. Nhưng vẫn nổi lên đây đó rất nhiều mô đất thấp cao, lớn nhỏ. Các cố lão người địa phương thường chỉ tay vào đấy mà giảng giải: Chỗ cao lớn này là nơi ngồi học của học trò giỏi; chỗ kia, thấp nhỏ hơn, là các trò học kém hơn một chút... Còn Thầy Chu thì giảng bài ở chỗ đỉnh đầu đấy!
Nhưng truyền thuyết về “Người học trò là Thủy thần” của Thầy Chu với chứng tích huyền kỳ là Khu Đầm Mực ở gần ngay trường và làng, để suốt 7 thế kỷ nay luôn mãi nói về tài dạy học của Thầy Chu, kinh động đến cả quỷ thần thì ai ai cũng đều đã biết.
“Văn Trinh ngạnh trực”
Đó là 4 chữ đầu đề bài viết về Chu Văn An của Hồ Nguyên Trừng. Tả Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng, hoàng trưởng tử của Thánh Nguyên hoàng đế Hồ Quý Ly, nổi tiếng “Tổng công trình sư” của nước Việt, bị giặc Minh bắt-cùng với cả triều đình nhà Hồ-đưa về phương Bắc từ năm 1407, phải đem tài chế tạo hỏa pháo “Thần cơ” và chiến hạm “Lâu thuyền” của mình phục vụ triều đình nhà Minh trong thân phận tù binh nhưng được phong đến chức Thượng thư (Bộ trưởng). Sống rồi chết ở phương Bắc, nhưng lòng vẫn đau đáu ngày đêm nhớ về phương Nam quê hương, Hồ Nguyên Trừng đã đem “tấm lòng cố quốc tha hương” ấy viết thành tác phẩm “Nam ông mộng lục” (ghi chép trong mộng của ông già người Phương Nam), trong đó có bài “Văn Trinh ngạnh trực” viết về Chu Văn An với tư cách là cây bút (gần như) đương thời.
Chữ “ngạnh” (ngang ngạnh, bướng bỉnh) đi liền với chữ trực (cương trực, thẳng thắn), đã được nguyên Tả Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng dùng rất “đắt” để nói về phẩm chất tinh thần đặc trưng của con người “Văn Trinh công” Chu Văn An. Vì nó phù hợp với những chữ mà sử thần Ngô Sĩ Liên đã viết trong “Đại Việt sử ký toàn thư” về tính cách người thầy ở trong nhà giáo Chu Văn An: “Cương nghị, thẳng thắn, nghiêm khắc, lẫm liệt...” vừa được trích dẫn ở trên.
Cụ thể hóa sự biểu hiện của tính cách “ngạnh trực” ở con người Chu Văn An thì sau đây là những chính sử quan phương của thế kỷ XV của sách “Đại Việt Sử ký toàn thư”: “Vua Trần Dụ Tông (1341-1369) ham chơi bời, lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước. Chu Văn An khuyên can, Trần Dụ Tông không nghe. Chu Văn An bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế, được vua yêu. Người thời bấy giờ gọi đó là “Thất trảm sớ”. Sớ dâng lên, nhưng không được vua trả lời. Ông liền treo mũ (bỏ triều đình), về quê. Ông thích núi Chí Linh, bèn đến ở đấy. Chỉ khi nào có triều hội lớn thì mới về kinh sư”.
Đấy là thái độ và hành động quyết liệt “ngạnh trực” tiêu biểu nhất của Chu Văn An. Trước sự thể đó, vua Trần Dụ Tông-thật ra cũng muốn thỏa hiệp. Không nỡ (không thể) chém đầu một lúc đến 7 kẻ tay chân cùng bản chất, theo yêu cầu của Chu Văn An, nhà vua nghĩ ra cách trọng đãi Chu Văn An bằng quyền cao chức lớn, như sử cũ chép: “Trần Dụ Tông đem chính sự trao cho ông”! Tuy nhiên, một lần nữa, Chu Văn An lại khí phách: “Ông từ chối, không nhận. Vua sai nội thần đem quần áo ban cho ông. Ông lạy tạ xong, liền đem cho người khác hết”!
"Người hái củi ở ẩn"
“Tiều Ẩn” (nghĩa là: “Người hái củi ở ẩn”) là tên hiệu tự đặt của Chu Văn An, ngay từ khi còn đang mở trường dạy học ở Cung Hoàng. Trong đời trị vì của vua Trần Minh Tông, ông tạm rời chí hướng và được lời chúc tụng của Tể tướng Trần Nguyên Đán: “Biển học xoay làn sóng, phong tục trở lại thuần hậu” (Học hải hồi loan, tục tái thuần). Nhưng chí lớn không thành, khoảng niên hiệu Đại Trị (1358-1369) của vua Trần Dụ Tông, Chu Văn An trở lại làm người “Tiều Ẩn”.
Núi Phượng Hoàng ở Chí Linh (Hải Dương bây giờ) là nơi Chu Văn An, thời gian này, lựa chọn để một lần nữa và thực sự làm người tiều phu ở ẩn. Vì Phượng Hoàng có phong cảnh đẹp tựa non tiên, chắc chắn rồi. Nhưng cũng chắc chắn, không chỉ có vì thế!
Ngày nay, vượt lên đỉnh Phượng Hoàng, nhìn rộng đất trời, sẽ dễ dàng nhận ra ngay: Đây chính là một đỉnh (góc) của một tam giác chiến lược, có hai đỉnh (góc) kia, là: Kiếp Bạc của Trần Hưng Đạo và Côn Sơn của Nguyễn Trãi. Trên cao xanh của tam giác Phượng Hoàng-Kiếp Bạc-Côn Sơn đó, sau phần đời của một bậc thầy “Sư biểu” và phần đời của một chính khách “ngạnh trực”, Chu Văn An có hơn một thập niên ở thời gian cuối cuộc đời đã vượt “Thất thập cổ lai hy” của mình để chủ yếu làm một thi nhân siêu thoát.
Những bài thơ hay nhất trong kho tàng và sự nghiệp văn thơ của Chu Văn An, tập hợp trong “Tiều Ẩn thi tập”, được sáng tác ở Phượng Hoàng, trong thời gian này. Và “Xuân đán” (Sớm xuân) là một tiêu biểu (dịch): “Ngày thâu nhà núi vắng như không/ Xếch xác rèm tre đỡ lạnh lùng/ Chếnh choáng màu trời pha cỏ biếc/ Đầm đìa hạt móc nhuốm hoa hồng/ Thân quen bạn với mây rừng thẳm/ Lòng vẫn in cùng giếng nước trong/ Hương mới vừa pha trà đã nguội/ Chim khe gọi tỉnh giấc xuân nồng”.
Nhưng không phải chỉ có những hạt ngọc thi ca về nhàn hạ và ẩn dật như vậy. Đúng như lời bài văn bia năm 1841 của ông Nghè Ngô Thế Vinh, hiện nay vẫn còn thấy lưu dựng ở trên núi Phượng Hoàng: “Tuy sống cuộc sống ẩn dật ngoài cuộc đời, lòng ông Chu Văn An vẫn không lúc nào quên những hào quang thời Đông A nhà Trần”.
Ngô Thế Vinh (1802-1856), được quan Án sát Hải Dương Nguyễn Bảo (tức Nguyễn Thu)-tác giả sách “Phượng Sơn từ chí lược”, ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp của Chu Văn An-mới viết bài văn bia dựng trên núi Phượng Hoàng, sau khi nhận xét về tấm lòng vẫn luôn đau đáu việc đời của “Người tiều phu ở ẩn”, có kể ra tên bài thơ “Miết trì” (Ao (nuôi) ba ba) của Chu Văn An làm trên núi Phượng Hoàng. Và đây là thi phẩm ấy (dịch): “Trăng nước bên cầu giỡn ánh chiều/ Sen hoa sen lá khéo nương nhau/ Cá đùa ao cũ, rồng đi vắng/ Mây phủ non không, hạc ở đâu?/ Quế lão hương bay đường đá ngát/ Rêu non nước thấm cửa thông sầu/ Tấm lòng chưa nát như gio đất/ Nghe chuyện Tiên hoàng lệ thầm lau”!
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/danh-thom-con-mai-voi-non-song-644241