Danh thơm liệt nữ còn mãi

Nghĩa trang liệt sĩ xã Văn Tự, huyện Thường Tín (Hà Nội) nằm bên khu đồng nội lúa xanh bát ngát. Như hàng vạn nghĩa trang liệt sĩ trên đất nước Việt Nam, những ngôi mộ trắng nơi đây nằm lặng lẽ nghe tiếng gió ru của đồng nội, tiếng rì rào của ngàn cây lá. Giữa cái thăm thẳm vời vợi ấy, đồng đội, người thân vẫn nhớ đến những người con ưu tú đã ngã xuống vì quê hương.

Một buổi chiều muộn, ông Nguyễn Công Hàm, ở thôn Minh Nga, xã Văn Tự, người từng tham gia đội du kích địa phương, ra thăm viếng mộ phần đồng đội. Ông Hàm năm nay đã ngoại bát tuần, dáng tầm thước, giọng nói sang sảng, chuyện xưa, chuyện nay như bao lớp sóng bồi cứ thế ào ạt trở về. Trong nghĩa trang, ở ngay hàng đầu là mộ phần liệt sĩ Nguyễn Thị Tuyết.

Ngồi dưới tán cây, ông Hàm kể lại những ngày tháng quê hương chìm trong khói lửa chiến tranh. Xã Văn Tự ngày trước có tên là Tô Hiệu, nằm ở vành đai đô thị có trục Quốc lộ 1A đi từ trung tâm Hà Nội xuôi về các tỉnh phía Nam, phía đông có sông Hồng thuận tiện cho ca nô, tàu thuyền đi lại. Tại đây, địch lập 11 đồn tổng và 4 bốt bao vây nhằm củng cố vành đai bảo vệ Hà Nội-đầu não chiến tranh của chúng-đồng thời tạo bàn đạp để tiến quân vào khu tự do của ta. Giặc tăng cường bọn hương dũng ngày đêm lùng sục du kích, mở các đợt càn quét phá làng rất ráo riết.

 Ông Nguyễn Công Hàm thắp hương lên phần mộ Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Thị Tuyết.

Ông Nguyễn Công Hàm thắp hương lên phần mộ Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Thị Tuyết.

Trong thôn Minh Nga có chị Nguyễn Thị Tuyết nổi tiếng đẹp người đẹp nết. Cha mẹ mất trong đợt dịch bệnh năm 1945. Một mình chị nuôi 5 em nhỏ, vừa lo việc nhà, vừa tham gia đội du kích. Tháng 12-1947, đội du kích của chị cùng với bộ đội tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) chống càn 4 trận, phục kích đánh mìn 2 trận, diệt 2 toán hương dũng, cảm hóa 16 tên tề ngụy ra đầu hàng. Chị còn đào hầm trong buồng nhà mình nuôi giấu cán bộ. Chị Tuyết bảo đảm tốt đường dây liên lạc từ xã Tô Hiệu lên Huyện ủy Thường Tín và vào Khu Cháy (huyện Ứng Hòa). Có những tình huống tưởng như cận kề cái chết, nhưng chị vẫn bình tĩnh xử lý. Có lần, chị Tuyết đi từ Khu Cháy về Thường Tín, đến cánh đồng thôn An Lãng thì thấy một tốp lính địch phía trước. Lúc ấy, chị nhanh chân lội xuống ruộng cấy cùng bà con và thủ tiêu tài liệu.

Cuối năm 1952, chị Tuyết cùng bộ đội địa phương đánh địch ở bốt Tía, riêng chị diệt 3 tên tề ngụy khét tiếng gian ác, làm bị thương 6 tên khác. Trước những tổn thất nặng nề, địch càng điên cuồng càn phá. Chúng quyết tâm vây bắt bằng được nữ “du kích đỏ”. Tháng 7-1953, trong một lần đưa đồng chí Trần Quân, Huyện đội trưởng Thường Tín về An Lãng, chị Tuyết không may sa vào ổ phục kích của địch. Bao nhiêu hận thù trước đó, chúng dồn cả lên tấm thân nhỏ bé của chị. Suốt 8 ngày, “Chúng liền đánh đập khảo tra/ Dùi cui, điện nước, róc da tơi bời” khiến chị chết đi sống lại nhiều lần. Bất lực trước ý chí sắt thép của chị, chúng lại giở trò hèn hạ chôn sống chị. Tin đồng chí Nguyễn Thị Tuyết hy sinh lan truyền khắp vùng, thổi bùng lên phong trào phá bốt, diệt đồn địch. Gần một năm sau, quê hương Tô Hiệu được giải phóng.

Đất nước hòa bình, nhân dân đã rước di cốt chị về nghĩa trang liệt sĩ. Năm 1999, chị Nguyễn Thị Tuyết được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ông Nguyễn Công Hàm bày tỏ: “Người dân xã Văn Tự đề nghị có một con đường ở địa phương được mang tên nữ liệt sĩ anh hùng Nguyễn Thị Tuyết. Chúng tôi mong sẽ sớm có ngày cháu con được đi trên con đường được tô thắm bởi quá khứ hào hùng của thế hệ cha ông bất khuất, kiên cường”.

Bài và ảnh: VŨ DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/danh-thom-liet-nu-con-mai-666609