Đánh thức các mô hình 'đuổi nghèo', thu hàng trăm triệu ở Bắc Mê

Giữa núi rừng hùng vĩ nơi cực Bắc của Tổ quốc, huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) từng là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Nhưng những năm gần đây, vùng đất khó này đang chứng kiến một bước chuyển mình mạnh mẽ.

Trong bước chuyển ấy, người dân không chỉ vượt qua đói nghèo mà còn vươn lên khá giả, làm giàu bền vững nhờ những mô hình kinh tế hợp tác, HTX năng động, hiệu quả, gắn sản xuất với thị trường, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động nông thôn.

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Trước đây, gia đình chị Hoàng Thị Yến (dân tộc Tày, xã Yên Cường) chỉ trông vào vài sào ruộng cấy lúa một vụ, quanh năm chật vật kiếm ăn. Nhưng kể từ khi tham gia vào HTX Nông nghiệp tổng hợp Thanh Bình, cuộc sống của gia đình chị đã đổi khác.

“Ngày đầu vào HTX, tôi chỉ biết trồng lúa và nuôi gà thả vườn. Nhưng được HTX hỗ trợ giống cây, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, tôi mạnh dạn mở rộng diện tích trồng chè Shan tuyết hữu cơ xen canh cây dược liệu. Đến nay, thu nhập ổn định 150–200 triệu đồng mỗi năm, còn được nhận thêm lương cố định khi tham gia sơ chế chè cho HTX,” chị Yến chia sẻ.

Những cây trồng thế mạnh đang xóa đói giảm nghèo ở Bắc Mê.

Những cây trồng thế mạnh đang xóa đói giảm nghèo ở Bắc Mê.

HTX Nông nghiệp tổng hợp Thanh Bình là một trong những điển hình trong phong trào xây dựng kinh tế tập thể ở Bắc Mê. Với gần 60 thành viên chính thức và hơn 100 hộ liên kết, HTX không chỉ phát triển vùng nguyên liệu chè Shan tuyết hơn 20 ha theo hướng hữu cơ mà còn mở rộng chuỗi giá trị với chế biến sâu, dán tem truy xuất nguồn gốc, mở kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử.

“Muốn người dân thoát nghèo bền vững thì sản xuất phải gắn với thị trường. HTX đứng ra làm ‘bà đỡ’ về kỹ thuật, đầu ra, rồi hướng dẫn bà con làm đúng quy trình, chất lượng. Có thế sản phẩm mới được khách hàng tin dùng, nông dân mới yên tâm gắn bó,” anh Nguyễn Văn Phú, đại diện HTX Thanh Bình, chia sẻ.

Tương tự, nằm ở vùng giáp ranh với tỉnh Cao Bằng, xã Giáp Trung trước đây chủ yếu trồng ngô, lúa nương, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc vào thời tiết.

Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ chuyển đổi sang mô hình trồng cây nghệ đỏ liên kết tiêu thụ với HTX Nông nghiệp Giáp Trung, đời sống nhiều hộ dân đã có sự thay đổi rõ rệt.

Hiệu quả liên tục tăng

“Gia đình tôi có hơn 1 ha đất trồng nghệ, mỗi năm thu gần 10 tấn củ. HTX đến tận nhà thu mua với giá ổn định 8.000–10.000 đồng/kg, lại còn hỗ trợ phân bón và hướng dẫn quy trình trồng theo tiêu chuẩn an toàn. Nhờ vậy mà thu nhập mỗi vụ gần 80–100 triệu đồng, cao gấp 3–4 lần trồng ngô trước đây,” anh Lường Văn Hòa, một hộ dân tham gia chuỗi liên kết với HTX Giáp Trung, cho biết.

HTX Giáp Trung hiện đang liên kết sản xuất với hơn 150 hộ dân trên địa bàn, hình thành vùng nguyên liệu nghệ đỏ, nghệ nếp hơn 40 ha.

Bên cạnh chế biến thủ công tinh bột nghệ và dầu nghệ, HTX còn hợp tác với doanh nghiệp dưới xuôi sản xuất mỹ phẩm và thực phẩm chức năng từ nghệ. Mỗi năm, HTX tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động tại xưởng sơ chế và hàng trăm lao động mùa vụ trong thu hoạch, sơ chế.

“Chúng tôi đang xây dựng thương hiệu nghệ đỏ Bắc Mê gắn với chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc. Khi sản phẩm có tên tuổi, giá trị sẽ nâng cao và người dân mới tin tưởng gắn bó lâu dài”, đại diện HTX chia sẻ.

Người dân tham gia HTX, sản xuất theo hướng hàng hóa là chìa khóa để thoát nghèo, làm giàu.

Người dân tham gia HTX, sản xuất theo hướng hàng hóa là chìa khóa để thoát nghèo, làm giàu.

Không chỉ dừng lại ở cây trồng truyền thống, huyện Bắc Mê còn mạnh dạn khai thác tiềm năng địa phương để phát triển nghề nuôi ong lấy mật và trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Điển hình là HTX Dược liệu và Mật ong Mậu Duệ – một mô hình kinh tế hiệu quả, giúp hàng chục hộ dân người Mông, Dao tại các thôn vùng cao có thêm thu nhập.

“Trước đây bà con chỉ biết làm nương. Nhưng từ khi HTX hướng dẫn nuôi ong, trồng cây xạ đen, ba kích tím, thu nhập đã tăng lên đáng kể. Có hộ mỗi năm thu 30–50 triệu đồng từ bán mật ong rừng, lại thêm tiền bán dược liệu nên cuộc sống đỡ vất vả hơn,” già Lý Seo Chẩn, một người cao tuổi tại thôn Nà Ca, cho biết.

HTX Mậu Duệ hiện quản lý trên 300 đàn ong nội, liên kết với 50 hộ dân, trong đó phần lớn là hộ nghèo và cận nghèo. Bên cạnh hỗ trợ vật tư, giống cây con, HTX còn đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ mật ong thô và sản phẩm dược liệu, góp phần nâng cao giá trị nông sản vùng cao.

Đòn bẩy chính sách cho giảm nghèo bền vững

Theo ngành nông nghiệp huyện Bắc Mê, hiện toàn huyện có hơn 40 HTX nông nghiệp đang hoạt động, trong đó gần 30 HTX sản xuất gắn với chuỗi liên kết, tạo việc làm cho hơn 1.500 lao động tại chỗ. Nhờ phát triển kinh tế hợp tác, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 57% (năm 2020) xuống còn hơn 38% năm 2024, nhiều hộ vươn lên khá giả.

Để có được thành công hiện tại, nhiều HTX được thụ hưởng chương trình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Hà Giang, đặc biệt là các dự án hỗ trợ chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, tem truy xuất, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử…

Cụ thể, một trong những hỗ trợ quan trọng từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Hà Giang là việc tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Điển hình, Liên minh HTX tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ cho 3 HTX đăng ký vay vốn tại Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương, với tổng số vốn giải ngân lên tới 4,65 tỷ đồng. Nguồn vốn này giúp các HTX đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo thêm việc làm cho người lao động địa phương.

Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh còn tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX. Trong năm qua, có 95 lượt cán bộ từ 38 HTX tham gia các lớp đào tạo về chuyển đổi số và quản trị HTX, giúp các đơn vị này thích ứng với xu thế phát triển mới và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ngoài ra, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Hà Giang đã tổ chức tập huấn cho các HTX về việc đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử. Thông qua Cổng thông tin điện tử kết nối cung – cầu do Liên minh HTX Việt Nam xây dựng, nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh như chè Shan tuyết, mật ong, thảo quả... đã được quảng bá rộng rãi, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm.

Với các chính sách hỗ trợ và sự chuyển đổi đi đúng hướng, từ vùng đất nghèo khó với địa hình chia cắt, giao thông khó khăn, Bắc Mê đang từng bước viết nên câu chuyện mới về phát triển nông thôn bền vững, với “hạt nhân” là các HTX kiểu mới.

Những mô hình sản xuất hiệu quả, tạo việc làm ổn định và thu nhập khá cho người dân chính là minh chứng rõ ràng cho thành công của con đường hợp tác – liên kết – cùng phát triển. Trong hành trình xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, các HTX không chỉ là cánh tay nối dài của người nông dân mà còn là trụ cột vững chắc cho chiến lược phát triển kinh tế nông thôn của huyện Bắc Mê trong tương lai.

An Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/danh-thuc-cac-mo-hinh-duoi-ngheo-thu-hang-tram-trieu-o-bac-me-1106761.html