'Đánh thức' Dần Thàng
Có nhiều tiềm năng, lợi thế về khí hậu, cảnh quan, văn hóa đậm đà bản sắc để phát triển du lịch, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo của xã Dần Thàng (Văn Bàn) vẫn còn hơn 40%. Thời gian tới, huyện Văn Bàn sẽ ưu tiên nguồn lực triển khai các chương trình, dự án để 'đánh thức' mảnh đất này.
Từ Quốc lộ 279 rẽ lên trung tâm xã Dần Thàng cứ hun hút hết con dốc này nối con dốc khác khiến người ta có cảm giác xã vùng cao này phải ở nơi “thâm sơn cùng cốc”, nhưng thực tế từ xã Dương Quỳ lên đây chỉ chưa đầy chục cây số. Những ai đủ kiên nhẫn để đi qua chặng đường buồn tẻ ấy sẽ không cảm thấy uổng công khi lạc vào biển mây đầy mê hoặc khi đứng từ trung tâm xã Dần Thàng nhìn xuống thung lũng và đi thêm vài cây số nữa về hướng Nậm Mười là triền ruộng bậc thang tít tắp theo sườn núi chẳng hề thua kém ruộng bậc thang Sa Pa hoặc Y Tý (Bát Xát). Với sự “lên ngôi” của du lịch xanh, du lịch cộng đồng, nơi đây đang được kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn trong tương lai.
Trong vô vàn bức ảnh mùa lúa vàng tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, chúng tôi bị cuốn hút bởi tràn ruộng vàng óng men dòng suối rồi kéo tít tắp tận chân trời, giữa tràn ruộng là con đường bê tông uốn lượn nối lên khu dân cư trù phú - đó là hình ảnh của thôn Nậm Cần bên dòng Nậm Khắt hôm nay. Nậm Cần nằm ở vị trí ngược đường so với các thôn khác ở Dần Thàng, muốn đến đây phải đi theo đường lên xã Nậm Chày. Trước đây đến Nậm Cần, chúng tôi phải ì ạch gần tiếng đồng hồ cho chặng đường chừng hơn chục cây số. Từ khi tuyến đường Dương Quỳ - Nậm Chày được đầu tư đã giúp việc đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân nơi đây thuận lợi hơn.
Phó Chủ tịch UBND xã Dần Thàng - Triệu Ồng Lai cho biết: So với mặt bằng chung của xã thì Nậm Cần có nhiều hộ khá nhất. Ruộng bậc thang trù phú cùng với diện tích đất tự nhiên rộng giúp người dân có điều kiện phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Cùng với đó, từ lâu Nậm Cần đã nổi tiếng với rượu men lá truyền thống, nhờ giao thông thuận lợi nên thứ rượu ấy trở thành hàng hóa, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Khác với hầu hết các xã ở khu vực phía Tây Văn Bàn nằm dọc suối Chăn, Dần Thàng nằm sườn núi nơi có độ cao trung bình khoảng 800 - 900 m. Cũng bởi vậy, trong khi các xã vùng thấp chịu ảnh hưởng bởi gió khô nóng, khí hậu khắc nghiệt thì Dần Thàng được thiên nhiên ban tặng khí hậu dịu mát hơn. Bắt đầu từ ngã 3 Nậm Chày, Dần Thàng, con đường ngược dốc qua thôn Nậm Tăm rồi đến thôn Nậm Mười, tiết trời dịu hơn, đây cũng là khu vực cấy lúa Chăm Pét - giống lúa đặc sản bản địa ở Dần Thàng.
Anh Bàn Phú Thanh, Chủ tịch UBND xã Dần Thàng cho biết: Ở cả Nậm Cần, Nậm Tăm và Nậm Mười đều cấy lúa Chăm Pét. Mỗi năm, người dân thu hàng chục tấn thóc. Tuy nhiên, khu vực Nậm Mười với khí hậu mát mẻ và nguồn nước trong lành cho chất lượng hơn hẳn các nơi khác. Hạt gạo Chăm Pét ở Nậm Mười to, tròn, nấu lên có vị đậm và dẻo hơn. Nhờ đặc sản này mà ở Nậm Mười có thêm nhiều hộ thoát nghèo, thêm nhiều căn nhà xây khang trang. Khí hậu mát mẻ cũng tạo cho nơi đây có nhiều tiềm năng để phát triển các loại cây dược liệu, cộng đồng người Dao nơi đây vẫn lưu giữ nhiều bài thuốc quý và phát triển dược liệu gắn với du lịch cũng là định hướng trong giai đoạn tới của xã để xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân.
Du khách đến với Dần Thàng có thể ngắm biển mây, ngắm lúa vàng ở thung lũng Nậm Cần, Nậm Mười, khám phá đời sống văn hóa của đồng bào Dao, thưởng thức gạo Chăm Pét, rượu Nậm Cần, cá suối Nậm Khắt, măng sặt và trải nghiệm tắm lá thuốc người Dao. Tất cả chẳng thua kém những khu du lịch cộng đồng nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.
Theo chân Phó Chủ tịch xã Triệu Ồng Lai đi một vòng qua các thôn, chúng tôi cảm nhận được không khí hồ hởi của người dân xã vùng cao này khi đón nhận thông tin về những định hướng phát triển kinh tế du lịch. Để đánh thức tiềm năng Dần Thàng, thời gian qua, huyện Văn Bàn đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư nâng cấp các tuyến đường kết nối từ trung tâm xã đến các thôn và từ trung tâm xã Dần Thàng đi Nậm Chày. Tới đây, khi đường kết nối từ Quốc lộ 279 qua Dương Quỳ lên trung tâm xã Dần Thàng được nâng cấp, mở rộng sẽ tạo nên các trục giao thông khép kín không chỉ thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương, mà còn tạo điều kiện thu hút đầu tư vào địa bàn.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361154-danh-thuc-dan-thang