Đánh thức di sản công nghiệp
Những di sản như tháp nước Hàng Đậu, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã được 'đánh thức' và thu hút hàng trăm ngàn du khách tới tham quan, trải nghiệm
Hơn 200.000 lượt khách đã đến tham quan, trải nghiệm các không gian sáng tạo tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và tháp nước Hàng Đậu là con số mà Lễ hội Thiết kế sáng tạo Việt Nam năm 2023 đạt được sau 12 ngày tổ chức.
Nhiều nhà máy cũ thành cao ốc, chung cư
Những vị khách tới tham quan không chỉ là các bạn trẻ, người lớn tuổi mà còn có các em nhỏ đang trong độ tuổi mầm non. Cô giáo Hà My, giáo viên một cơ sở giáo dục tư thục Hà Nội đang say sưa giới thiệu cho 10 bạn nhỏ (4 tuổi) tới tham quan các không gian sáng tạo tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. "Các em rất thích thú vì được nhìn thấy những sự vật, hình ảnh, không gian sáng tạo chưa từng thấy ở đâu" - cô My cho biết.
"Triển lãm về nghệ thuật đương đại thường rất kén khán giả nhưng thực tế khi ở trong một không gian là di sản công nghiệp đã cho thấy sức hút lớn" - ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Nghệ thuật của Heritage Space, thông tin với Báo Người Lao Động.
Sức hút, giá trị từ các di sản công nghiệp là vấn đề đã được chứng minh qua lễ hội. Nhưng việc khiến chúng ta không khỏi băn khoăn khi một nửa trong tổng số 185 cơ sở công nghiệp cũ tại Hà Nội đã bị phá bỏ mà nhiều nhà máy trong số đó đã từng có giá trị di sản, theo thông tin từ một cuộc tọa đàm tái thiết di sản công nghiệp. PGS-TS-KTS Phạm Thúy Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, cho rằng chúng ta đã mất dần các di sản công nghiệp tại Hà Nội và nhiều thành phố khác ở Việt Nam trong suốt 20 năm qua. Rất nhiều nhà máy có giá trị đã bị phá bỏ để thay thế bằng tòa cao ốc, chung cư thương mại, dịch vụ hỗn hợp.
"Trong 5 năm tới sẽ có 9 nhà máy của Hà Nội nằm trong kế hoạch di dời, trong đó có Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội. Đây là 2 nhà máy, theo ý kiến của các chuyên gia, có giá trị di sản xuất sắc" - bà Loan nhìn nhận.
Cần cơ chế chính sách
PGS Phạm Thúy Loan cho biết năm 2020, các chuyên gia thuộc mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đã thực hiện cuộc khảo sát đầu tiên với hơn 100 nhà máy thuộc danh sách phải di dời ra khỏi thành phố dưới góc nhìn di sản và nhận thấy Hà Nội hiện vẫn còn một số nhà máy có giá trị di sản độc đáo. Mỗi công trình đều đánh dấu sự hình thành và phát triển một ngành công nghiệp ở Việt Nam, gắn với lịch sử cận hiện đại Việt Nam, gắn với lịch sử đối ngoại và giao thoa văn hóa - khoa học kỹ thuật của Việt Nam với quốc tế, đời sống kinh tế - xã hội của một lực lượng lao động lớn trong thành phố và nhiều công trình có giá trị kiến trúc - kết cấu xuất sắc.
"Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận, cách làm quyết liệt và rốt ráo hơn. Chúng ta không thể để mất các không gian di sản này vì chúng là một phần quan trọng trong không gian và lịch sử của thành phố" - bà Loan nhấn mạnh. Di sản công nghiệp là "vật kể chuyện" cho các thế hệ tương lai về sự nghiệp bảo vệ và kiến thiết quốc gia thông qua công nghiệp hóa, là một phần ký ức và cảm thức nơi chốn của nhiều người dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo ngành văn hóa thủ đô cho rằng muốn tính tương lai của các di sản công nghiệp, cũng như tránh để các nhà máy này trở thành "vang bóng một thời" thì trước hết cần có cơ chế, chính sách tạo hành lang cho quá trình chuyển đổi. Đối với Hà Nội, việc có quy định về hành lang pháp lý để công nhận di sản công nghiệp trong Luật Thủ đô sửa đổi có vai trò quan trọng.
"Di sản công nghiệp đừng xác định của anh, của tôi, mà là của chúng ta, của đất nước Việt Nam, từ đó có trách nhiệm để ứng xử, tạo dựng giá trị cho cả cộng đồng, thế hệ con cháu sau này" - lãnh đạo ngành văn hóa nhấn mạnh.
Theo PGS Phạm Thúy Loan, TP Hà Nội cần khẩn trương thực hiện các bước thể chế hóa quan trọng nhằm bảo vệ và phát huy các di sản công nghiệp còn lại như rà soát tất cả cơ sở công nghiệp trước khi di dời dưới góc nhìn di sản; xác định các công trình có giá trị và đưa vào danh mục công trình kiến trúc có giá trị, cũng như đưa nội dung Di sản công nghiệp vào quy chế quản lý kiến trúc TP Hà Nội. Đây là những nhiệm vụ cần thực hiện theo Luật Kiến trúc đã có hiệu lực từ năm 2019.
Trong điều chỉnh quy hoạch thủ đô Hà Nội, bà Loan nhấn mạnh cần chú trọng cải thiện khu vực đô thị hiện hữu. Kiên quyết thực hiện chủ trương (đã có của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2016) chuyển đổi các nhà máy cũ thuộc diện di dời sang các chức năng sử dụng phục vụ mục đích công (hạ tầng xã hội/hạ tầng kinh tế sáng tạo); chọn 3 nhà máy có giá trị di sản để thí điểm mô hình chuyển đổi, vận hành và quản lý theo chức năng mới như các trung tâm văn hóa - sáng tạo - dịch vụ (hạ tầng kinh tế xã hội).
"Vai trò của chính quyền là tối quan trọng, là tổng đạo diễn "cuộc chơi" giúp điều tiết các mâu thuẫn và xung đột, nhằm đạt được lợi ích tổng thể lâu dài bền vững đối với các tài nguyên đô thị quý giá này" - PGS Phạm Thúy Loan nói. Theo PGS Phạm Thúy Loan, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, mạnh dạn hành động và sáng tạo như những gì xã hội đã chứng kiến trong 2 tuần lễ hội vừa qua, chúng ta tin rằng Hà Nội sẽ thực sự trở thành một thành phố sáng tạo và hấp dẫn tầm quốc tế.
Di sản công nghiệp là các công xưởng được xây dựng từ thời Pháp cho tới giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa. Một số công trình đại diện tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử trong bối cảnh cách mạng công nghiệp được xem là hiện đại và đẹp nhất Hà Nội cũng như miền Bắc thời điểm được xây dựng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/danh-thuc-di-san-cong-nghiep-20231130191758771.htm