'Đánh thức' du lịch sông Hồng:Để du lịch sông Hồng trở thành sản phẩm hấp dẫn của Thủ đô
Trong Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đã định hướng, sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Để hiện thực hóa định hướng này, việc khai thác, phát triển tuyến du lịch sông Hồng cùng những sản phẩm du lịch mới ở hai bên bờ sông là giải pháp cần thiết, góp phần đưa du lịch sông Hồng trở thành sản phẩm mang thương hiệu Thủ đô.
Phóng viên Hànôịmới Cuối tuần đã có dịp trò chuyện với Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu về vấn đề này.
- Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển tuyến du lịch trên sông Hồng, nhưng theo ông, đâu là nguyên nhân khiến tuyến du lịch này “ngủ quên” lâu như vậy?
- Thời gian qua, sản phẩm du lịch đường sông nói chung và tuyến du lịch sông Hồng nói riêng đã được thành phố Hà Nội và ngành Du lịch hết sức quan tâm nhằm hình thành một tuyến du lịch chất lượng cao, hấp dẫn. Tuy nhiên, tuyến du lịch sông Hồng chưa thực sự phát triển đúng với kỳ vọng cũng như tiềm năng. Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan.
Thứ nhất là công tác xây dựng quy hoạch, Đề án phát triển khu vực bãi giữa và hai bên bờ sông còn chậm triển khai. Bên cạnh đó, công tác quản lý còn chưa được quan tâm, đặc biệt là công tác quản lý, bảo vệ môi trường dẫn đến môi trường khu vực ven sông Hồng còn hiện tượng ô nhiễm, cảnh quan nhếch nhác, không có các điểm đến, công trình đặc sắc hấp dẫn du khách.
Thứ hai là hệ thống giao thông kết nối, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ du lịch đường sông (bao gồm các bến cảng, khu dịch vụ đón khách, bãi đỗ xe...) chưa được quan tâm đầu tư, chưa đáp ứng được yêu cầu đón khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Do hạ tầng phục vụ hạn chế, thiếu chuyên nghiệp nên các doanh nghiệp du lịch cũng không mặn mà.
Thứ ba là thiếu cơ chế, chính sách trong việc thu hút nguồn lực xã hội trong đầu tư, khai thác bến bãi, cơ sở hạ tầng du lịch đường thủy.
Thứ tư là các sản phẩm, điểm đến du lịch hai bên bờ sông Hồng còn đơn điệu, chưa hấp dẫn. Chủ yếu hiện nay là các điểm đến di tích, di sản, thiếu các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc sắc, bổ trợ như vui chơi, giải trí, du lịch sinh thái, nông nghiệp, nông thôn, du lịch đêm; dẫn đến chưa tạo thành tuyến du lịch sông Hồng hoàn chỉnh, khép kín, kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách.
- Định hướng, quy hoạch phát triển sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, tạo bước đà như thế nào đối với việc phát triển du lịch sông Hồng trong tương lai?
- Hiện nay, Thành phố đang tích cực triển khai và hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong đó xác định quy hoạch và phát triển trục cảnh quan sông Hồng là trục cảnh quan chính, đặc biệt quan trọng của thành phố. Định hướng chủ đạo về phát triển khu vực sông Hồng trong thời gian tới thành một khu vực công viên văn hóa đa chức năng với các phân khu, cảnh quan đặc sắc, phát triển văn hóa, du lịch theo hướng “xanh”, bền vững.
Đây là nền tảng rất quan trọng trong việc phát triển du lịch sông Hồng trong tương lai. Với quy hoạch trên, Thành phố sẽ có điều kiện, nguồn lực để tập trung đầu tư, hoàn thiện cảnh quan khu vực bãi giữa và hai bên bờ sông Hồng theo hướng “xanh”, thân thiện với môi trường. Phát triển các bến cảng, bến bãi chuyên nghiệp hiện đại, cùng với đó là đầu tư, hình thành các phân khu du lịch, văn hóa hấp dẫn đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như du khách trong nước và quốc tế.
- Để giải quyết những tồn tại, bất cập, cần có những giải pháp như thế nào? Ngoài nguồn lực đầu tư của thành phố, nguồn lực xã hội hóa đóng vai trò ra sao?
- Theo chúng tôi, các cấp, các ngành cần thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ chính để giải quyết vấn đề này, đó là: Tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch, đề án hai bên bờ sông Hồng và bãi giữa. Xác định cụ thể vị trí, quy mô, công suất... của các bến cảng, bến bãi, hệ thống giao thông kết nối, từ đó tập trung nguồn lực để đầu tư, hiện đại hóa các cơ sở vật chất này.
Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công đang phải đầu tư nhiều lĩnh vực, rất cần đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi đầu tư phát triển các cảng du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cần có cơ chế gỡ vướng mắc trong quản lý tài sản công để có thể kêu gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia vận hành, khai thác hiệu quả các cảng du lịch sẵn có như cảng Chương Dương Độ (Hoàn Kiếm), cảng Bát Tràng (Gia Lâm)...
Phải đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển trong việc đăng ký phương tiện tàu thủy vận chuyển khách, kết nối với các điểm đến du lịch... Bên cạnh đó là nghiên cứu cơ chế, chính sách đột phá hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư phát triển hạ tầng cảng, đầu tư đóng mới và vận hành tàu thủy du lịch chất lượng cao, công suất lớn...
- Để tuyến du lịch sông Hồng trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, Sở Du lịch Hà Nội có kế hoạch cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi đã tham mưu UBND thành phố nhằm “hoàn thiện tuyến du lịch đường sông từ bến Chương Dương Độ - Bát Tràng - Ninh Sở (huyện Thường Tín) - Hưng Yên và tiếp tục mở rộng các sản phẩm du lịch đường sông”.
Để tuyến du lịch sông Hồng trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, cùng với những tiềm năng, lợi thế về cảnh quan, mặt nước, vị trí địa lý của khu vực bãi giữa và hai bên bờ sông Hồng, Sở Du lịch định hướng phát triển một số sản phẩm du lịch trọng tâm như nâng cấp phát triển tuyến du lịch đường sông, phát triển các hoạt động du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí ven sông.
Cụ thể, đối với nhóm sản phẩm du lịch đường sông: Sở Du lịch đang phối hợp với các địa phương, các đơn vị liên quan như Sở Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, các nhà đầu tư... nhằm nghiên cứu phương án phát triển, mở rộng các tuyến du lịch đường sông, gồm nâng cấp tuyến du lịch đường sông kết nối giữa bến Chương Dương Độ - cảng Bát Tràng - Ninh Sở (Thường Tín) - đền Dạ Trạch (Hưng Yên), nghiên cứu phát triển tuyến du lịch mới đi xuôi tới Hải Phòng hoặc ngược lên Việt Trì, Đá Chông (Ba Vì); nghiên cứu khả năng khai thác, kết nối tuyến từ khu bến Bạc (Tây Hồ)...
Đối với nhóm sản phẩm du lịch thể thao: Tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị tổ chức sự kiện thực hiện các chương trình, hoạt động du lịch gắn với thể thao tại khu vực bãi giữa và hai bên bờ sông Hồng như bay khinh khí cầu, dù lượn, đua thuyền...
Đối với nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, vui chơi giải trí: Tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch khu vực bãi giữa và hai bên bờ sông Hồng theo hướng phát triển các điểm đến phục vụ hoạt động du lịch, trải nghiệm... để thu hút các nhà đầu tư vào phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch tại khu vực này.
- Trân trọng cảm ơn ông!