'Đánh thức' giá trị cây nhàu ở Tam Kỳ
Biết cây nhàu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, chị Bùi Thị Tuyết Nhung (SN 1982; trú khối phố Phú Trung, phường An Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã tìm tòi nghiên cứu, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng từ quả nhàu.
Sinh ra trong gia đình nông dân bên dòng sông Vu Gia tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), từ nhỏ nữ Giám đốc Hợp tác xã Best One này thường xuyên tiếp cận với cây nhàu nên biết được giá trị dược liệu của nó. Lớn lên, chị quyết định nghiên cứu bào chế ra các sản phẩm từ cây nhàu để làm giàu cho bản thân, tạo công ăn việc làm cho bà con quê hương mình.
Năm 2017, sau khi đi nhiều nơi, trải qua nhiều công việc, chị Nhung thấy cây nhàu ở quê mình mọc hoang nhiều, chẳng cần chăm sóc vẫn cứ ra quả trĩu cành quanh năm. Qua tìm hiểu, chị biết được nhiều nước phát triển trên thế giới từ lâu đã chế biến quả nhàu ra các sản phẩm để chăm sóc sức khỏe nhưng trong nước ta thì dường như bị lãng quên. Thấy tài nguyên trời cho bị lãng phí, chị quyết định bỏ ngang công việc kế toán tại một doanh nghiệp, bắt tay vào tìm tòi, nghiên cứu và bắt đầu hành trình khởi nghiệp với mong muốn nghĩ ra một cách nào đó để giúp nông dân tiêu thụ được loại quả này.
Để thực hiện ý tưởng của mình, chị Nhung đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về công dụng và những sản phẩm có thể tạo ra từ quả nhàu. Đến cuối năm 2019, sau hàng trăm lần bỏ đi làm lại, sản phẩm đầu tiên là nhàu lát khô làm trà đã được ra đời và những đơn hàng đầu tiên đã được xuất bán. Không dừng lại ở đó, khi nhận thấy người dùng cần nhiều dạng sản phẩm khác từ quả nhàu, chị đã nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm khác. Đến nay, chị Nhung đã đưa ra thị trường các loại như nhàu lát khô, bột nhàu, trà nhàu túi lọc, viên nhàu, nhàu tươi ngâm mật ong, nước cốt nhàu, nước cốt nhàu vị dứa, rượu nhàu, muối chườm thảo dược... Trong đó, sản phẩm bột nhàu đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") 4 sao.
Chị Nhung cho biết để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, ban đầu chị trồng vườn nhàu của riêng mình và kết hợp thu mua nhàu tươi của người dân trong vùng. Khi sản phẩm mang thương hiệu Best One được biết đến nhiều hơn, chị Nhung đã đầu tư mua cây giống, phân bón đưa đến cho nông dân trồng, chăm sóc và bao tiêu cho họ theo giá thỏa thuận. Từ đó, vừa tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào vừa giúp "đánh thức" được giá trị của cây nhàu, giúp nó không bị lãng quên. Chị Nhung gọi việc liên kết với nông dân trồng nhàu là tạo nên "vùng nguyên liệu hạnh phúc" vì nó đem đến nụ cười cho nhiều người. "Mình cung cấp cây giống, hướng dẫn cho bà con cách trồng, chăm sóc với mong muốn lan tỏa đến mọi người giá trị của cây nhàu, giúp đỡ cho những người xung quanh có cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ loài cây xù xì này" - chị Nhung bày tỏ.
Theo chị Nhung, cây nhàu có sức sống mãnh liệt, trồng được ở đồng bằng, vùng biển đến miền núi, nó có thể sinh trưởng tốt cả ở những vùng đất khó canh tác, bị bỏ hoang lâu ngày. Cây nhàu rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, không bị sâu bệnh hại, khoảng 1 năm thì ra trái và có thể thu hoạch nhiều đợt quanh năm. Vì vậy, ai cũng có thể trồng, chăm sóc loài dược liệu này. Đến nay, sau một thời gian triển khai, chị Nhung đã liên kết cùng bà con trồng hơn 4 ha nhàu tại TP Tam Kỳ, huyện Đại Lộc, giúp tạo việc làm, thu nhập cho nông dân. Riêng tại xưởng chế biến của mình, chị Nhung tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động.
"Hạnh phúc vì quả nhàu đã không bị lãng quên trên chính mảnh đất của nó" - chị Nhung tâm sự. Chị cho biết mục tiêu dài hạn là "vùng nguyên liệu hạnh phúc" này có thể được phát triển rộng hơn, phủ xanh những ngọn đồi trọc, dọc những vùng ven biển ngập mặn để tạo thêm sinh kế cho người lao động cũng như nông dân.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/danh-thuc-gia-tri-cay-nhau-o-tam-ky-20231015201100434.htm