'Đánh thức' giá trị Chiến khu Ngọc ThanhTin khácChung tay phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID-19THÔNG BÁO NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ BẢY (KỲ HỌP THƯỜNG LỆ CUỐI NĂM 2021) HĐND TỈNH KHÓA XVII NHIỆM KỲ 2021 – 2026
Vùng đất Ngọc Thanh (nay là xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) nằm cuối dãy núi Tam Đảo. Ngọc Thanh có núi non hùng vĩ, địa hình hiểm trở, là vùng trung chuyển giữa vùng đồi núi, trung du và đồng bằng, án ngữ con đường giao thông huyết mạch giữa Phúc Yên, Vĩnh Yên, Thái Nguyên, nối liền Thủ đô Hà Nội với các tỉnh thuộc Chiến khu Việt Bắc…Với đặc điểm địa lý, địa hình đa dạng, Ngọc Thanh có vị thế chiến lược hết sức quan trọng trong chiến tranh cách mạng.Khu di tích Chiến khu Ngọc Thanh.Ảnh: HỒNG QUÂN
Vọng gác tiền tiêu của Việt Bắc
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Ngọc Thanh nằm trong Chiến khu 1 thuộc Liên khu Việt Bắc, là vọng gác tiền tiêu của Việt Bắc, trở thành căn cứ địa khá điển hình, được xây dựng toàn diện cả về quân sự, chính trị, kinh tế. Đóng ở Chiến khu Ngọc Thanh có nhiều cơ quan của Trung ương và địa phương, như: Kho bạc Nhà nước, Trạm Quân y dược, Kho Quân lương, Xưởng Quân giới… Ngọc Thanh cũng là nơi đóng quân của nhiều đơn vị bộ đội chủ lực, như: Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Trung đoàn 46, Trung đoàn 2 và Đại đội Hoàng Văn Thụ, Đại đội Trần Quốc Tuấn, bộ đội địa phương tỉnh Phúc Yên.
Chiến khu Ngọc Thanh từng ghi dấu trận đánh bốt Thằn Lằn vào ngày 28-12-1950 trong Chiến dịch Trần Hưng Đạo (Chiến dịch Trung du), góp phần vào thắng lợi chung của toàn chiến dịch và đe dọa phòng tuyến của địch ở vùng Phúc Yên. Cũng từ chiến khu này, các đơn vị của Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 đã xuất phát hành quân đánh trận mở đầu chiến dịch tại Thản Sơn, Liễn Sơn (Lập Thạch) vào ngày 26-12-1950, trận Núi Đanh (Vĩnh Yên), kết thúc chiến dịch vào ngày 18-1-1951 và nhiều trận đánh khác trên địa bàn, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Vào tháng 12-1995, Khu Di tích lịch sử-cách mạng Chiến khu Ngọc Thanh được Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích quốc gia.
Đánh thức vùng đất ngủ quên
Bên cạnh những giá trị to lớn về lịch sử-cách mạng gắn liền với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng đất Ngọc Thanh còn có nhiều di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, là tiềm năng để phát triển du lịch bền vững. Vùng đất này đang hiện hữu nhiều di tích văn hóa như: Đình Thanh Lộc, đình Lập Đinh, đình Ngọc Quang, đình Đồng Đằm, đền Đồng Chằm…
Cùng với đồng bào dân tộc Kinh, vùng Ngọc Thanh có tới gần 50% đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống từ lâu đời, trở thành chủ thể văn hóa bản địa với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng về ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, văn nghệ dân gian, tri thức dân gian… Đặc biệt, di sản hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu, một loại hình dân ca trữ tình, bắt nguồn từ cuộc sống bình dị, chất phác, phản ánh tâm tư, tình cảm, ước vọng của người dân, đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Với tổng hòa các lợi thế về thiên nhiên và xã hội, có thể nói Ngọc Thanh là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch bền vững, là điểm du lịch 3 trong 1: Di tích lịch sử, thiên nhiên thắng cảnh và văn hóa tộc người. Ngọc Thanh là một mô hình hợp lý, đa dạng cho phân khúc khách hàng tiềm năng là du lịch theo trường, nghỉ dưỡng cuối tuần với nhóm gia đình, bạn bè. Vị trí cận sân bay Nội Bài, gần Hà Nội, trên đường đi Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên là một lợi thế cho phát triển du lịch. Cộng đồng người Sán Dìu có nhiều ở tỉnh nhưng tại Ngọc Thanh mật độ cư dân tập trung nhất, cư trú lâu đời, bản sắc rõ, điều này là một lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng dựa trên di sản.
Từ khi di tích Ngọc Thanh được xếp hạng Di tích lịch sử-cách mạng quốc gia đến nay đã được 26 năm, Vĩnh Phúc đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Chiến khu Ngọc Thanh. Tỉnh Vĩnh Phúc đã phân cấp cho TP Phúc Yên quản lý di tích này, trong đó xác định tiến hành bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Chiến khu Ngọc Thanh vào năm 2024.
Tuy nhiên, những năm qua, việc làm được đối với di tích còn khá khiêm tốn, mới dừng lại ở văn bản, chưa có sức sống, chưa phát huy trong thực tiễn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, một di tích quan trọng như thế, ở một vùng có nhiều lợi thế mà hầu như bị ngủ quên, chưa được đánh thức được tiềm năng, là một điều rất đáng tiếc.
Để bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích, trước mắt và lâu dài có rất nhiều việc phải làm với tinh thần tích cực, quyết tâm, bài bản, khoa học; có lộ trình với sự chỉ đạo chặt chẽ và có sự đầu tư kinh phí thỏa đáng cả từ nguồn kinh phí Nhà nước và nguồn xã hội hóa, tranh thủ được sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan, các nhà khoa học có liên quan và cộng đồng địa phương. Do tính chất, đặc điểm, quy mô của di tích, nên nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là cần phải lập “Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Khu di tích Chiến khu Ngọc Thanh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Mục đích của quy hoạch nhằm xác định nội dung và biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc di tích; định hướng tổ chức không gian các hạng mục công trình xây dựng mới, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và tạo lập môi trường cảnh quan thích hợp. Tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch phải có năng lực, kinh nghiệm, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; việc bảo quản, tu bổ phải bảo đảm giữ gìn tối đa yếu tố gốc của di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên. Cần đẩy mạnh công tác sưu tầm tài liệu, hình ảnh, hiện vật, ghi hồi ký, lời kể của các nhân chứng liên quan đến các sự kiện lịch sử gắn với di tích. Trong tương lai gần, nơi đây hình thành nên Trung tâm thông tin về Khu di tích Chiến khu Ngọc Thanh, thành điểm đến của các hành trình tìm hiểu lịch sử cho công chúng.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/465448-danh-thuc-gia-tri-chien-khu-ngoc-thanh.html