Đánh thức 'giấc mơ ngủ đông' điện hạt nhân - Bài 3: Tái khởi động để đất nước vươn mình

Quyết định tái khởi động điện hạt nhân là bằng chứng mạnh mẽ cho quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước để tạo những tiền đề cần thiết cho kỷ nguyên mới.

Từ quyết định tạm dừng hai dự án nhà máy điện hạt nhân 8 năm trước…

Cách đây đúng 10 năm, trên một bản tin điện tử xuất hiện bài báo với cái tít đầy hy vọng: “Năm 2023 Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân”. Khi đó nhiều người đã bày tỏ kỳ vọng vào bước đột phá mới trong không gian năng lượng của đất nước, nhưng cũng có người, tuy không nói ra nhưng đã cho thấy những khía cạnh còn phân vân, thậm chí là lo lắng.

Câu chuyện phát triển điện hạt nhân thời điểm đó không còn là câu chuyện mới mẻ và đã được cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước là Quốc hội ra quyết sách. Theo đó, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 41/2009/QH12, ngày 25/11/2009, xác định quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Đó là thời điểm cách sự cố hạt nhân Chernobyl của Liên Xô đã 23 năm nhưng sau đó 2 năm là sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.

Quyết định triển khai các dự án điện hạt nhân tại Việt Nam khi đó là kết quả của những khảo sát, tham vấn hết sức kỹ lưỡng về địa điểm, về công nghệ của loại hình lò phản ứng. Các đối tác của Việt Nam cũng là các cường quốc về điện hạt nhân khi đó cũng đã khẳng định sẵn sàng chung tay với Việt Nam để dòng điện từ những nhà máy dự định xây dựng tại Ninh Thuận hòa lưới điện quốc gia, góp phần đem lại một hình ảnh mới cho năng lượng của Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương thị sát địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận.

Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương thị sát địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận.

Ai cũng biết những lợi ích to lớn về môi trường, về kinh tế mà điện hạt nhân đem lại cho phát triển năng lượng, phát triển quốc gia. Nhưng điện hạt nhân là một dạng thức năng lượng không giống như các dạng thức năng lượng khác, đòi hỏi những công nghệ hết sức khe khắt, đội ngũ vận hành là những nhân lực trình độ cao. Còn có cả những đòi hỏi cao về sự đồng thuận, thấu hiểu của người dân, của cộng đồng.

Chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam được manh nha vào những năm 1970, nhưng tới giai đoạn 1996-2009, loại năng lượng này mới được nghiên cứu một cách nghiêm túc, sau khi cấp có thẩm quyền cho chủ trương, với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và nhu cầu điện rất cao.

Trong quá trình triển khai cụ thể quyết sách của Quốc hội về phát triển điện hạt nhân, những yếu tố cần thiết được đẩy nhanh như kết cấu hạ tầng, lựa chọn nhân lực quản lý, lựa chọn công nghệ được đặc biệt quan tâm. Còn những gì cần thận trọng như loại hình công nghệ, phương thức vận hành, nhân lực quản lý, cơ chế huy động vốn để xây dựng nhà máy cũng được tiến hành ở mức cao nhất trong điều kiện Việt Nam.

Cho đến tháng 11/2016, cân nhắc tất cả các điều kiện, Quốc hội đã ra quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Giải thích việc dừng khi đó, Chính phủ cho biết không phải do vấn đề công nghệ, an toàn mà điều kiện phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với lúc quyết định đầu tư dự án. Khi đó, Việt Nam cũng cần nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội...

Nghĩa là phương án như dự định ban đầu đã không còn tính khả thi. Nhưng chỉ là dừng chứ không phải là nói lời tạm biệt với loại hình năng lượng tiên tiến này. Và tỉnh Ninh Thuận, một địa phương tràn đầy nắng gió thay vì là nơi đặt các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam, vẫn là một trung tâm năng lượng của Việt Nam với các loại hình năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.

Ninh Thuận vẫn giữ lời hẹn với điện hạt nhân như Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại quyết định này có nêu: “Giữ các vị trí đã quy hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (vị trí Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2) làm đất dự trữ chiến lược lâu dài cho năng lượng, đảm bảo thuận lợi để thu hồi sau này khi có yêu cầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia. Quy hoạch để khai thác, sử dụng đất dự trữ chiến lược này hiệu quả, phù hợp quy định pháp luật và đảm bảo lợi ích của người dân... quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, cấp bách phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân”.

… đến việc tái khởi động ở thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”

Sau đúng 8 năm tạm dừng, sau khi Trung ương Đảng quyết định chủ trương tái khởi động, tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, việc quyết định "đánh thức" dự án điện hạt nhân đã được Quốc hội ra nghị quyết để làm cơ sở cho việc đẩy nhanh dự án.

8 năm là một giai đoạn không dài trong lộ trình phát triển đất nước nhưng không khó để nhận ra trong thời gian đó, tiềm năng, thế và lực của đất nước đã tiến rất nhanh. Đặc biệt đất nước đang ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của cả dân tộc, hướng tới những mục tiêu của các thời điểm 100 thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước. Nhu cầu tăng trưởng kinh tế và phát triển một nước Việt Nam hùng cường từ nội lực kết hợp với cơ hội của thời đại đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi mới về không gian cho năng lượng.

Điện đã tạm đủ, nhưng đó là chuyện của ngắn hạn và nhiều thách thức. Yêu cầu phát triển không thể chỉ bằng lòng với những gì có trước mắt mà còn không thể không tính kế lâu dài. Với các yếu tố phát triển tư duy đó đã là cần thiết, với năng lượng, trong đó có điện hạt nhân lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Chúng ta không tự cho phép mình bỏ lỡ các cơ hội phát triển khi các điều kiện về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho kỷ nguyên mới của dân tộc, của đất nước đã hội đủ, đã chín muồi.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị đã đặt việc phát triển năng lượng hạt nhân trong tổng thể phát triển năng lượng của đất nước trong vài chục năm tới. Theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất hệ thống điện hiện nay vào khoảng 80 GW sẽ phải tăng lên 150 GW vào năm 2030 và lên đến khoảng 570 GW vào năm 2050. Tuy nhiên, các nguồn năng lượng tái tạo và các nguồn điện nền hiện nay đang không ổn định và đang gặp khó. Về cơ bản, nguồn điện than sẽ hạn chế không phát triển với lý do là giảm phát thải. Nguồn điện khí chúng ta sẽ phát triển quy mô phù hợp. Tuy nhiên, điện khí chúng ta phải nhập khẩu từ quốc tế.

Bởi vậy quyết định tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và nói rộng hơn là triển khai chương trình điện hạt nhân là một chủ trương đúng đắn và hết sức cần thiết nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững. Đây cũng là yếu tố rất quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài với các nguồn vốn tỷ USD vào Việt Nam.

Đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, điện hạt nhân chính là nguồn điện nền, xanh và bền vững. Điện hạt nhân ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn và tiếp tục phát triển. Trong lịch sử có một số sự cố về các nhà máy điện hạt nhân nhưng xét về xác suất là vô cùng thấp. Hơn nữa, những công nghệ hạt nhân hiện nay đã tiến bộ rất xa, trải qua rất nhiều thế hệ mới so với những công nghệ cũ trước đây.

Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050 theo cam kết tại COP26. Bên cạnh đó, làm dự án điện hạt nhân còn là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Phát triển điện hạt nhân: Bác bỏ những luận điệu sai trái

Thực tiễn đã chỉ ra vẫn còn có những thế lực thù địch không muốn thấy một đất nước Việt Nam phát triển bền vững, hùng cường. Chúng không ngừng tung ra những luận điệu xuyên tạc, thậm chí không từ một thủ đoạn, một cơ hội nào để cố tính bôi nhọ, đánh tráo khái niệm để mưu cầu việc chống phá việc phát triển.

Lĩnh vực năng lượng cũng nằm trong số các lĩnh vực mà các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, bôi nhọ. Xuyên tạc tác động môi trường của các dự án thủy điện, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, gây ngộ nhận, hiểu nhầm phát triển điện gió dưới danh nghĩa tác động đến đời sống địa phương, cộng đồng, tạo dựng hình ảnh tiêu cực của các dự án điện than, dĩ nhiên là trong các luận điệu sai trái thù địch đó, không thể thiếu việc chống đối các dự án năng lượng hạt nhân với “lý do an toàn”

Luận điệu thường thấy của các thế lực phản động là ra sức tuyên truyền rằng “năng lượng hạt nhân là không an toàn” trong khi cố tình gắn với câu chuyện xảy ra với nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản. Rồi thì rằng, “điện hạt nhân là ngoài tầm với của Việt Nam”, là “xài sang khi dân còn đói khổ”.

Tuy nhiên, khi tung ra các luận điệu này, các thế lực thù địch đã cố tình bất chấp một thực tế là công nghệ hạt nhân đã có những tiến bộ đáng kể những năm qua trong việc đảm bảo an toàn và hiệu quả năng lượng, đặc biệt là với thiết kế của các lò phản ứng thế hệ mới cũng như xử lý rác thải hạt nhân.

Để phản bác các quan điểm sai trái và thù địch liên quan đến chính sách năng lượng quốc gia có hiệu quả, cần thiết phải áp dụng một chiến lược đa diện, kết hợp giữa giáo dục, truyền thông và pháp luật. Mục tiêu là không chỉ minh bạch hóa thông tin mà còn tăng cường sự hiểu biết và đồng thuận trong cộng đồng về tầm quan trọng của các chính sách năng lượng.

Cần khẳng định, việc phát triển điện hạt nhân là mối quan tâm không chỉ của các quốc gia phát triển mà còn cả của các quốc gia đang phát triển. Công nghệ hạt nhân hiện đại đã cho phép rút ngắn khoảng cách tiếp cận về công nghệ, về khả năng huy động vốn cũng như trình độ quản lý.

Việt Nam phát triển điện hạt nhân hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu thực tiễn không chỉ cả trước mắt mà lâu dài. Phát triển điện hạt nhân là để tạo ra những bảo đảm cho an ninh năng lượng, an ninh quốc gia, đây là điều mà bất cứ một quốc gia nào cũng phải tính đến.

Những thông tin về quá trình triển khai các dự án điện hạt nhân đều được lan tỏa tới cộng đồng để tạo sự hòa quyện ý Đảng, lòng dân, tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong triển khai.

Việc các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, tung các luận điệu sai trái về phát triển điện hạt nhân nói riêng và chính sách năng lượng nói chung đã cho thấy bộ mặt thật đáng lên án của những kẻ tự tách mình ra khỏi dòng chảy phát triển chung của dân tộc, của đất nước. Cùng với thời gian, những luận điệu đó đã không còn thuyết phục được ai, không còn có sức nặng, có chỗ đứng trong tâm tưởng, ý thức và hành động ở một đất nước mà ở đó trình độ nhận thức của người dân, của cộng đồng ngày càng cao như Việt Nam.

(Còn nữa)

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/danh-thuc-giac-mo-ngu-dong-dien-hat-nhan-bai-3-tai-khoi-dong-de-dat-nuoc-vuon-minh-362892.html