'Đánh thức' kinh tế đêm miền Trung: Bài 3: Đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ kinh tế đêm miền Trung
Đầu tư phát triển hạ tầng là điều kiện để phát triển kinh tế đêm thành công khu vực miền Trung. Nguồn lực huy động từ sự chung tay của doanh nghiệp và nhà nước.
Hoàn thiện hạ tầng đáp ứng phát triển kinh tế đêm
Để đẩy mạnh du lịch gắn với dịch vụ kinh tế đêm, ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, UBND TP. Hội An sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện các dự án Công viên Ấn tượng Hội An, Khu du lịch sinh thái Cồn Bắp, các khu đô thị du lịch- thương mại Võng Nhi, Cồn Tiến xã Cẩm Thanh, khối Trảng Sỏi phường Thanh Hà… xúc tiến nhanh hồ sơ dự án khu chợ đêm phường Cẩm An, lập kế hoạch không gian chợ đêm dọc bờ kè Cẩm Nam, khu vực dọc sông Cổ Cò thuộc xã Cẩm Hà, khu dừa nước kết hợp nuôi trồng thủy sản thuộc phường Cẩm Châu, các công viên ven biển Cẩm An, Cửa Đại, không gian công cộng dọc các tuyến kè ven sông các dự án làng chài Cẩm An, Phước Trạch - Phước Hải…
Thành phố Huế tiếp tục đầu tư hạ tầng và tăng cường các dịch vụ phù hợp tại không gian đi bộ hai bờ sông Hương. Đầu tư cầu đi bộ tại công viên Bùi Thị Xuân kết nối với cồn Dã Viên và đường đi bộ sau Nhà hát Sông Hương; đầu tư công viên cồn Dã Viên với đầy đủ tiện ích từ hạ tầng đến dịch vụ du lịch phục vụ du khách và người dân đi tản bộ, đạp xe trải nghiệm, thưởng ngoạn cảnh quan sông Hương, thưởng thức các hoạt động nghệ thuật trong nhà và ngoài trời.
Đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động tuyến phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Hình thành không gian đi bộ mới tại các tuyến đường xung quanh Hoàng Thành Huế theo xu hướng mang đậm nét văn hóa truyền thống, giúp du khách khám phá sâu về các giá trị bản sắc văn hóa Huế. Hình thành chợ đêm tại khu vực bến xe chợ Đông Ba, đường Chương Dương, đường Trần Hưng Đạo, cụm tuyến đường quanh khu vực cầu Gia Hội…
Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện tại, các điểm du lịch đêm tại Huế gồm khu phố Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu, phố đêm Hoàng Thành… kế hoạch sẽ phát triển thêm tuyến phố đi bộ đường Hai Bà Trưng (cuối năm 2022) và hình thành tại đây khu chuyên về thương mại mua sắm với việc xây dựng các shop có các nhãn hàng có thương hiệu lớn trong nước cũng như quốc tế và hoạt động những ngày cuối tuần; hình thành tuyến hai bờ sông Đông Ba, mở lại phố đêm khu vực công viên Trịnh Công Sơn, xây dựng tuyến đi bộ từ cầu Tràng Tiền đến chùa Thiên Mụ và kết nối thêm 1 số điểm tham quan về đêm như nhà vườn Kim Long, nhà vườn An Hiên, bảo tàng gốm sứ, khu vực Văn Thánh, Võ Thánh….
“Với những lợi thế sẵn có, thành phố Huế sẽ xây dựng, hình thành các tuyến du lịch đêm mang tính chuyên nghiệp hơn. Qua đó, gia tăng giá trị văn hóa không chỉ ban ngày mà còn ban đêm, tạo sự khác biệt để thu hút du khách và cần sự đồng thuận của người dân”, ông Phúc nhấn mạnh.
Sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động biển đêm Mỹ An, phố đêm An Thượng, thành phố Đà Nẵng đang đầu tư giai đoạn 2 tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo và cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi thành cầu đi bộ (dự kiến sẽ tổ chức nâng nhịp cầu để phục vụ du lịch), kết hợp với phố du lịch An Thượng khớp nối tuyến du lịch liên tục 2 đầu cầu.
Huy động nguồn lực của doanh nghiệp
Bên cạnh nguồn lực nhà nước, việc phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch cần sự chung sức lớn đến từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Thực tế cho thấy những sản phẩm dịch vụ về đêm hiệu quả như khu vui chơi giải trí Công viên Châu Á – Helio, Công viên Ấn tượng Hội An…. đều đến từ sự đầu tư rất lớn của doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng – ông Cao Trí Dũng, phát triển kinh tế đêm tại thành phố Đà Nẵng đang ở giai đoạn đầu và luôn có sự đồng hành của doanh nghiệp trong chung sức nguồn lực. “Những lĩnh vực nào, dịch vụ nào được khuyến khích thì các doanh nghiệp trong Hiệp hội sẽ tham gia tích cực. Làm sao chúng ta giới thiệu dần những hoạt động đêm của Đà Nẵng phục vụ bước đầu cho du khách và sau đó mới có những dự án lớn thực sự để có thể phát triển kinh tế đêm”, ông Cao Trí Dũng nói.
Cùng với đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng vận động các doanh nghiệp du lịch đầu tư, cũng như kéo dài thời gian hoạt động phục vụ du khách.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt đồng ý chủ trương đầu tư và khai thác các tuyến phố đi bộ, bao gồm phố đi bộ và phố đi bộ ban đêm trong khu đô thị Bảo Ninh 1 tại bán đảo xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) do Sở Du lịch đề xuất, công ty CP Đất xanh miền Trung làm chủ đầu tư.
Mặc dù các địa phương miền Trung đã có sự liên kết trong phát triển du lịch cũng như khai thác lợi thế kinh tế đêm riêng của từng địa phương. Tuy nhiên, do kinh tế đêm giữa các địa phương vẫn còn manh mún, nên vấn đề liên kết du lịch về đêm giữa các địa phương vẫn còn “bỏ ngỏ”. Trong thời gian tới, với sự đầu tư về nguồn lực và sự đa dạng các sản phẩm du lịch, dịch vụ, kinh tế đêm khu vực miền Trung sẽ “thức giấc” và bài toán liên kết để phát triển khai thác thế mạnh kinh tế đêm giữa các tỉnh thành cung đường “Di sản miền Trung” cần được tính đến và có lời giải để kinh tế đêm giữa các địa phương thực sự phát triển.
Nhóm phóng viên miền Trung