Đánh thức Mã Yên Sơn

Mã Yên Sơn - con đèo thuộc Quốc lộ 279 nối 2 xã của huyện Bảo Yên là Bảo Hà và Yên Sơn - thơ mộng, trữ tình nhưng cũng đầy khắc nghiệt. Xưa kia, người Bảo Yên thường lấy hình ảnh vượt Mã Yên Sơn để ví von như là một giới hạn khó khăn để thử thách bất cứ ai. Hôm nay, trên con đèo huyền thoại ấy, người dân nơi đây không chỉ bước đến và vượt qua mà còn bám trụ ở đó để làm chủ và chinh phục thiên nhiên.

Kỳ bí Đầm Voi

Đầu tháng Chạp trên đỉnh đèo Yên Sơn, gió lạnh thấu xương, những căn nhà thoắt ẩn thoắt hiện trong làn sương mù giăng kín lối, những chuyến xe ì ạch leo đèo. Cánh lái xe cứ đến đỉnh đèo là dừng chân để tận hưởng chút không khí thoáng đãng rồi lại vội vã lên xe đi về hai phía, người thì vượt Mã Yên Sơn lên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, người thì vượt đèo, xuôi dốc về huyện lỵ Bảo Yên.

Đầm Voi - Làng Khoang, bản định cư cao nhất trên đèo Yên Sơn.

Đầm Voi - Làng Khoang, bản định cư cao nhất trên đèo Yên Sơn.

Nằm trên tuyến giao thông huyết mạch, bởi vậy bao thăng trầm của mảnh đất này cũng đều gắn liền với Mã Yên Sơn. Anh Đặng Văn Thắng, Bí thư Chi bộ bản Múi 3 cho biết, sau khi được nâng cấp, sửa chữa, con đèo đã bớt quanh co, hiểm trở và đoạn đường qua đỉnh đèo cũng đã được hạ xuống cả chục mét, thuận lợi hơn cho phương tiện qua lại, cũng từ đó người dân kéo nhau ra ở quanh khu vực này nhiều hơn.
Trước đây, bản định cư gần nhất cách đèo chừng 2 cây số là Làng Khoang, nhưng người dân vẫn thường gọi là Đầm Voi. Người xưa kể rằng, trước đây khu vực này toàn rừng rú, thú rừng nhiều vô kể. Người dân chọn nơi bằng phẳng nhất làm nhà ở và trồng cấy. Trên đỉnh Yên Sơn khi ấy có đàn voi chưa được thuần hóa nhưng rất gần gũi với con người, chúng xua đuổi những con thú khác để người dân canh tác. Cứ chiều chiều, đàn voi xuống suối đằm mình rồi trở về núi. Khu đất đàn voi thường thong dong dạo chơi ấy chính là Đầm Voi bây giờ. Thế rồi, núi rừng ngày càng bị thu hẹp trước cuộc mưu sinh của con người, đàn voi cũng không thấy xuất hiện nữa…

Nhìn về đỉnh núi Bụt quanh năm mây phủ xa xa, anh Thắng bảo nhiều người đồn rằng đã nhìn thấy đàn voi đi về phía ấy rồi không bao giờ trở lại. Những hộ định cư ở Đầm Voi từ trước cũng đã chuyển cư về vùng đất thấp màu mỡ hơn, đến nay chỉ còn vài hộ bám trụ ghép với những hộ người Mông chuyển cư từ nơi khác đến, nay khu vực đỉnh đèo thuộc thôn Múi 3, xã Yên Sơn…

Lần này lên đỉnh Mã Yên Sơn, chúng tôi không đi theo Quốc lộ 279 quen thuộc mà đi theo con đường xưa nối từ bản Múi 1, Múi 2 lên Múi 3, đây cũng là con đường đầu tiên lên đỉnh Mã Yên Sơn được mở từ thời Pháp thuộc, còn gọi là đường Làng Khoang. Nếu cùng xuất phát từ trung tâm xã Yên Sơn lên đỉnh đèo thì con đường cũ dài hơn nhưng bù lại độ dốc không lớn, có lẽ vì thế mà người dân sống quanh đèo Yên Sơn định cư dọc con đường này kể cả khi Quốc lộ 279 được nâng cấp to đẹp hơn. Sống giữa thiên nhiên khắc nghiệt đã hun đúc nên bản lĩnh, ý chí của đồng bào các dân tộc nơi đây, đặc biệt là trong những năm kháng chiến. Để đàn áp người dân quanh vùng và khống chế các con đường huyết mạch, thực dân Pháp xây dựng đồn bốt ngay dưới chân đèo. Nhưng người dân đã kiên cường đấu tranh, nuôi giấu cán bộ, góp phần vào chiến thắng Phố Ràng, sau đó buộc thực dân Pháp phải rút quân khỏi khu vực Yên Sơn. Trong chiến tranh chống Mỹ, nơi đây cũng trở thành mồ chôn của 1 chiếc máy bay F-105. Những di tích lịch sử giờ trở thành niềm tự hào của người dân Yên Sơn, là nơi lưu giữ và giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.

Đánh thức Mã Yên Sơn

Mã Yên Sơn trước kia như bức tường thành bảo vệ người dân trước mọi biến cố, nhưng nó cũng vô hình cô lập mảnh đất này khiến những ước muốn vượt đèo đến vùng đất mới trở nên xa vời. Nhưng nay mọi chuyện đã khác, không còn hoang vu, lặng buồn, Mã Yên Sơn đã được đánh thức bởi cuộc sống nhộn nhịp. Trên đỉnh đèo, một dự án khai thác quặng graphit đang được triển khai sẽ đóng góp lớn vào kinh tế của tỉnh nói chung và của huyện nói riêng. Chạy suốt con đèo là những cánh rừng trẩu, bồ đề, quế xanh mướt, những căn nhà của người Mông, người Dao cũng không còn nằm cheo leo trên triền núi, đã có nhiều người dựng nhà ra giáp quốc lộ để tiện giao thương và cho con cái học hành, những thanh niên trẻ đã vươn lên làm chủ và đánh thức mảnh đất này.

Mô hình trồng chuối của Bí thư Chi bộ bản Múi 3 - Đặng Văn Thắng.

Mô hình trồng chuối của Bí thư Chi bộ bản Múi 3 - Đặng Văn Thắng.

Bí thư Chi bộ thôn Múi 3 - anh Đặng Văn Thắng đưa chúng tôi xem mô hình trồng chuối cấy mô ở một bãi đất bằng khuất sau dải núi đá án ngữ trên đỉnh đèo. Anh Thắng dặn chúng tôi: “Các anh đừng viết gì nhiều nhé, tôi đang thử nghiệm thôi, nếu thành công thì mới nhân rộng”. Anh Thắng nói thế thôi chứ nghe giọng đầy hăm hở, tự tin lắm, bằng chứng là anh đã vạch sẵn cho mình kế hoạch về xây dựng vùng chuối mô quy mô lớn khi thuê đất của một số hộ.

Thật ngạc nhiên khi Trưởng bản Múi 1 - anh Đặng Văn Nhất ở lưng chừng đèo Yên Sơn cũng cùng tuổi với anh Đặng Văn Thắng, tôi nhắc đến Thắng Đầm Voi, anh Nhất nhận ra ngay. Thật vui khi trong câu chuyện với những người trẻ quanh con đèo Yên Sơn chúng tôi đều bắt gặp một điểm chung, ấy là khát vọng vươn lên làm giàu, như khát vọng của thế hệ cha anh họ trước kia muốn vượt Mã Yên Sơn để thử thách ý chí, đến với miền đất mới. Anh Nhất không chỉ đi đầu làm gương mà còn tích cực vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng sắn sang trồng quế, phát triển kinh tế bền vững. Nhiều năm qua, Múi 1 được biết đến như là thủ phủ của cây quế ở Yên Sơn với những hộ có thu nhập cả tỷ đồng.

Ở chân đèo Yên Sơn thì bản Mạ cũng là bản trung tâm xã Yên Sơn, nay không kém gì phố huyện. Những hộ sống ven Quốc lộ 279 đã thích ứng nhanh để chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang dịch vụ, còn những hộ vẫn làm nông nghiệp thuần túy cũng không còn độc canh cây lúa nữa. Nhờ nguồn nước trong lành trên đỉnh núi, nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, thu lời cả trăm triệu đồng mỗi năm. Giáp bản Mạ là bản Tổng Gia, nay trở thành thủ phủ chăn nuôi ở Yên Sơn với những trang trại chăn nuôi lợn, gà thả đồi quy mô lớn kết hợp với trồng rừng.

Theo ông Trần Bá Đường, Bí thư Đảng ủy xã Yên Sơn, gắn với những lợi thế phát triển nông - lâm nghiệp khu vực đèo Yên Sơn, trong giai đoạn tới, xã sẽ quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, khu chăn nuôi, tiểu trang trại tập trung. Xã cũng khuyến khích, hỗ trợ về vốn, giống, phân bón và quỹ đất để người dân sản xuất và tích cực chuyển dịch mạnh cơ cấu nội ngành nông nghiệp từ đất lúa sang rau, màu hoặc các loại cây có giá trị kinh tế cao và nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm.

Hà Dũng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/danh-thuc-ma-yen-son-z36n20200107181905103.htm