'Đánh thức' niềm tin nông sản sạch

'Thời gian qua, Bình Phước đã xây dựng nhiều cửa hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi nhất. Tuy nhiên, do thiếu hệ thống kênh phân phối cộng với năng lực của các doanh nghiệp chưa đủ mạnh nên chưa phát huy hết giá trị sản phẩm OCOP của tỉnh. Đã đến lúc, cần xây dựng chuỗi liên kết đủ mạnh trong sản xuất để tìm đầu ra cho nông sản sạch, chất lượng cao trên thị trường' - Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp nhận định.

Vàng thau lẫn lộn

Nhà nông Phạm Văn Hoàng có hơn 20 năm gắn bó với cây hồ tiêu ở ấp 5, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp. Ông cũng là người đầu tiên thực hiện quy trình chăm sóc hồ tiêu hữu cơ ở huyện biên giới này cách đây 10 năm. Nhờ chăm sóc hữu cơ mà 4 ha hồ tiêu của gia đình ông vẫn trụ vững sau thời gian dài hồ tiêu rớt giá.

Tình yêu dành cho nông sản sạch chưa bao giờ vơi cạn trong ông. Thế nhưng, một trong những băn khoăn của ông khi đầu tư hồ tiêu hữu cơ hiện nay là giá bán chưa tương xứng với chi phí bỏ ra. Ông Hoàng chia sẻ: “Làm tiêu hữu cơ rất khó! Phân bón, thuốc hữu cơ phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; nguồn nước cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, sản lượng có khi bị giảm đến 1/2. Thế nhưng giá bán chỉ chênh lệch từ 10-15% so với tiêu thông thường. Đó là sản phẩm của mình đạt chứng nhận tiêu chuẩn, nếu không giá bán cũng như các sản phẩm khác trên thị trường”.

Ông Nguyễn Viết Vị (bìa trái), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh với khách hàng - Ảnh: H.T

Ông Nguyễn Viết Vị (bìa trái), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh với khách hàng - Ảnh: H.T

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cho biết: “Việc tuyên truyền, giới thiệu, xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất vẫn chưa đủ. Vì sao? Vì người nông dân chỉ biết sản xuất, không biết thương mại hóa sản phẩm. Còn doanh nghiệp, cửa hàng thì chưa đủ lớn, chưa đủ mạnh để đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng một cách tốt nhất”.

Với diện tích 10 ha đang trong thời kỳ kinh doanh, vụ mùa năm ngoái, vườn sầu riêng của hộ ông Phương Hữu Hào ở thôn Bù Bưng, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập cho sản lượng 200 tấn. Để có được năng suất cao như vậy, ông đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để đào ao, lắp hệ thống tưới tiết kiệm. Đặc biệt, được hỗ trợ thêm kinh phí phân bón, hệ thống tưới tự động và kho chứa nông sản của huyện theo chương trình đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật giai đoạn 2020-2025 theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, vườn cây của gia đình ông nằm trong 221 ha sầu riêng trên địa bàn được cấp mã số vùng trồng đầu tiên của huyện Bù Gia Mập.

“Việc đầu tư, tiếp sức từ các chương trình phát triển nông nghiệp sạch theo nghị quyết Đảng bộ huyện Bù Gia Mập đã giúp chúng tôi tiếp cận được các thiết bị công nghệ cũng như quy trình kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, qua đó giảm chi phí đầu tư và công lao động trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Tuy nhiên, thương lái mua nông sản có mã số vùng trồng cũng như chưa có mã vùng trồng. Điều này rất thiệt thòi cho nhà nông dồn hết tâm huyết sản xuất nông sản sạch” - ông Hào cho hay.

Tiềm năng nông sản

Hơn 10 năm hồ tiêu rớt giá đến mức người trồng không có lãi. Trong bối cảnh đầy khó khăn ấy, gần 3.000 ha hồ tiêu trên địa bàn huyện Bù Đốp vẫn được giữ vững nhờ áp dụng quy trình canh tác hữu cơ. Ngoài diện tích hồ tiêu, Bù Đốp còn có hơn 1.200 ha cây ăn trái được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Qua đó, huyện đã xây dựng được 17 sản phẩm OCOP từ 3-4 sao. Ngoài ra, Bù Đốp còn xây dựng được cửa hàng trưng bày, mua bán sản phẩm OCOP để giúp các chủ thể OCOP đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, tiện lợi nhất có thể.

Huyện Bù Gia Mập hiện có hơn 1.047 ha cây ăn trái, trong đó gần 222 ha được cấp mã số vùng trồng với 8 sản phẩm OCOP đặc trưng. Ngoài hỗ trợ người dân quy trình kỹ thuật chăm sóc cũng như ứng dụng cộng nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, huyện còn tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch với mỗi loại cây trồng trên từng vùng đất khác nhau. Nhờ vậy diện tích cây trồng, nhất là cây điều đã và đang hình thành nên những vùng nguyên liệu chuyên canh, để phục vụ chế biến và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu.

Bình Phước hiện có 125 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Điều đó đã giúp các chủ thể OCOP từng bước tiếp cận thị trường, đưa các mặt hàng nông sản chất lượng cao đến tay người tiêu dùng với giá thành tốt nhất. Tuy nhiên, giá bán các mặt hàng nông sản sạch trên thị trường hiện nay vẫn chưa tương xứng với công sức lẫn kinh phí đầu tư của nông dân. Đơn cử như vụ sầu riêng năm nay, chưa có hợp tác xã hay nhà nông, doanh nghiệp nào trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng có giá bán tốt hơn so với những vườn cây chưa được cấp mã số.

Để phát huy chuỗi giá trị nông sản sạch cần tiếp tục quy hoạch mở rộng diện tích chuyên canh. Đặc biệt là xây dựng chuỗi cung ứng để đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng với chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó, nhà nông cần ý thức rằng, tiêu chuẩn nông sản sạch không phải chỉ có VietGAP, GlobalGAP mà cần đáp ứng tiêu chuẩn ở tất cả thị trường trên thế giới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập NGUYỄN XUÂN HOAN

Xây dựng niềm tin

Sau hơn 10 năm nuôi chim yến, gia đình chị Nguyễn Thị Bích Chi ở phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài có 9 nhà yến cho năng suất bình quân 30kg/tháng. Để nâng cao giá trị kinh tế, gia đình chị đã đầu tư hệ thống dây chuyền chế biến 8 sản phẩm yến sào khác nhau, trong đó có 3 sản phẩm OCOP 3 sao. Để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, gia đình chị thiết lập 200 đại lý phân phối. Toàn bộ thông tin sản phẩm như vùng nuôi, quy trình sản xuất, chế biến, thành phần, tỷ lệ nguyên liệu… đều được công khai, minh bạch trên bao bì sản phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm của gia đình chị được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận, giá cũng tăng từ 10-15%.

Muốn đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng trước hết nhà sản xuất phải minh bạch toàn bộ thông tin lên bao bì sản phẩm sao cho bắt mắt. Bên cạnh đó, người dân phải là người tiêu dùng thông thái, không có chuyện sản phẩm chất lượng cao mà giá lại thấp. Giá cả và chất lượng sản phẩm luôn đồng hành với nhau.

Chị NGUYỄN THỊ BÍCH CHI, chủ sản phẩm OCOP yến sào cao cấp Bình Phước - Viết Trung, TP. Đồng Xoài

Bình Phước hiện có hơn 17.000 ha cây ăn trái, trong đó hơn 4.500 ha đã được cấp 75 mã số vùng trồng. Dự kiến đến năm 2030, diện tích cây ăn trái của tỉnh sẽ đạt 20.000 ha. Trên thực tế, diện tích nông sản sạch, nông sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ có thể sẽ cao hơn nhiều so với kế hoạch. Bởi lẽ, nông dân đang đồng lòng hưởng ứng các quy trình canh tác nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ. Nói cách khác, người dân đã và đang mạnh dạn “đặt chân” vào sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững cho thế hệ mai sau.

Diện tích sầu riêng của Hợp tác xã cây ăn trái Nông Thành Phát (xã Phước Tân, huyện Phú Riềng) đã được cấp mã số vùng trồng nhưng vẫn bán theo giá sầu riêng chưa được cấp mã số

Diện tích sầu riêng của Hợp tác xã cây ăn trái Nông Thành Phát (xã Phước Tân, huyện Phú Riềng) đã được cấp mã số vùng trồng nhưng vẫn bán theo giá sầu riêng chưa được cấp mã số

Rào cản lớn nhất hiện nay là chưa có sự phân định rạch ròi giữa nông sản sạch với chưa sạch. Đặc biệt là thiếu kênh phân phối từ các doanh nghiệp đủ mạnh đã vô tình tạo ra khoảng cách giữa người tiêu dùng với người sản xuất. Việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản hiện nay chủ yếu dựa vào các đợt tuyên truyền cao điểm hoặc trên cơ sở thỏa thuận giữa người bán và người mua. Vì vậy, để “đánh thức” niềm tin cho nông sản sạch thì chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản cần dựa trên cơ sở niềm tin giữa người tiêu dùng với người sản xuất, giữa người sản xuất với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng. Mối liên kết này phải thật sự tin tưởng, thấu hiểu và minh bạch thông tin từ khi đặt cây giống xuống đất cho đến quá trình chăm sóc, thu hái, sơ chế biến đến cả quá trình phân phối sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng. Chuỗi liên kết ấy phải “đánh thức” được lòng tự trọng của người sản xuất lẫn nhà phân phối và người tiêu dùng thông thái. Khi ấy, những nông sản sạch mới thật sự trở về giá trị thực của nó trên thương trường.

Đông Kiểm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/159912/danh-thuc-niem-tin-nong-san-sach