'Đánh thức' Phìn Giàng
Nằm cheo leo trên ngọn núi cao, Phìn Giàng không phải thôn xa nhất, nhưng lại là thôn cao nhất của xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng). Những bậc cao niên nơi đây bảo rằng, bởi địa thế giữa núi non cao vời vợi, vùng đất này là nơi đón những tia nắng đầu tiên của ngày mới, thế nên tên gọi Phìn Giàng ra đời với ý nghĩa 'bình minh'.
Ngày chúng tôi lên rẻo cao này, giữa khoảng không tĩnh tặng chỉ nghe tiếng xe máy của đồng chí cán bộ xã dẫn đường gằn những tiếng khó nhọc để ngược dốc. Vừa chắc tay lái, anh Đặng Cao Sơn, Chủ tịch MTTQ xã, đảng viên được phân công phụ trách thôn, kể: Phìn Giàng là 1 trong 2 thôn đặc biệt khó khăn của xã. Đường lên thôn tuy dốc cao, nhưng giờ đã thuận tiện nhiều lắm. Còn nhớ cách đây chừng 5 năm, đường đi cực kỳ gian khó, chỉ toàn đất, đá chen nhau đắp lên con đường ngoằn ngoèo bám quanh sườn núi. Ngày ấy, tôi chạy xe máy chỉ chạy được chừng một đoạn là phải để xe ở lề đường, rồi đi bộ ngược dốc vài tiếng đồng hồ lên thôn để tuyên truyền, vận động người dân. Bây giờ, đường bê tông trải dài, xe máy lên được đến xóm người Mông xa nhất của thôn Phìn Giàng rồi.
Phìn Giàng có 4 xóm, gồm Phìn Giàng Thượng 1, 2, xóm Hạ Sơn và xóm Phìn Giàng Hạ. Đây là nơi sinh sống của 71 hộ đồng bào dân tộc Mông, với hơn 400 nhân khẩu. Dù cuộc sống ở thôn đặc biệt khó khăn còn nhiều gian nan, vất vả, vậy nhưng vài năm trở lại đây, từ sự quan tâm của các cấp, ngành và nỗ lực vươn lên của bà con, đổi thay đã dần đến với rẻo cao này.
Đổi thay lớn, được xem như “kỳ tích” ở Phìn Giàng là con đường bê tông thênh thênh về miền ngược núi. Con đường đất đá lởm chởm năm xưa, một bên dựa vách núi, một bên là vực cao là nỗi ám ảnh của bà con mỗi khi có việc xuống xã, huyện; làm gian nan hơn những bước chân “cõng” chữ lên non của giáo viên cắm bản và những cán bộ về thôn tuyên truyền, vận động. Năm 2017, niềm vui lớn với đồng bào Mông ở Phìn Giàng, đó là việc hoàn thành công trình đường giao thông nông thôn thôn Phìn Giàng. Công trình có chiều dài 5 km, nền đường rộng 4 m, được đổ bê tông theo tiêu chuẩn đường giao thông cấp IV. Cùng với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, con đường còn ghi dấu sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết của cộng đồng dân cư nơi đây. Để hiện thực hóa con đường mơ ước bấy lâu nay, bà con không tiếc công sức, tích cực hiến đất để đường mới rộng mở.
Dọc tuyến đường trắng phau như dải lụa vắt ngang sườn núi hôm nay có sự xuất hiện của những hàng đào xanh tốt. Hỏi ra mới biết, để tô điểm cho cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, đầu năm 2021, sau khi họp bàn, lấy ý kiến và nhận được sự ủng hộ cao của bà con, Chi bộ và Ban Công tác Mặt trận thôn triển khai trồng khoảng 400 gốc đào cảnh, kéo dài chừng 2 km dọc tuyến đường do cán bộ, đảng viên trong thôn đi đầu thực hiện. Thôn dự kiến mỗi năm trồng thêm 200 cây đào phủ xanh ven đường trục thôn, bà con trong thôn thống nhất, những cây đào trồng quanh khu vực nhà nào thì nhà ấy sẽ tham gia chăm sóc, bảo vệ. Khi cây có thể khai thác để phục vụ thị trường vào dịp tết, các gia đình có thể bán để có thêm thu nhập, nhưng sẽ phải trồng một cây khác vào diện tích đó.
Ông Vàng Seo Giả, Bí thư Chi bộ thôn mừng rỡ: Nối tiếp những niềm vui, đồng bào Mông ở nơi này đang nỗ lực, đoàn kết, dựng xây quê hương. Cũng trong năm 2021, tuyến đường điện dài 2 km được bà con chung tay đóng góp thực hiện đã thắp lên ánh sáng tuyến đường trên núi, giúp bà con đi lại an toàn, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự.
Câu chuyện làm đường liên gia, kéo dài tuyến đường điện vẫn tiếp tục được cấp ủy, đảng viên và bà con nơi đây ấp ủ, hiện thực trong thời gian tới, để Phìn Giàng không còn xa xôi, bớt đi những phần gian khó.
Ngày chúng tôi lên thôn, nhà văn hóa thôn đông vui hơn thường lệ. Hôm ấy, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bảo Thắng phối hợp với Trung tâm Dạy nghề tư thục Phú Minh mở lớp kỹ thuật gò hàn cho 30 học viên, phần lớn là người thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Trưởng thôn Giàng Seo Thành bảo, đây là lớp nghề gò hàn đầu tiên được mở ở thôn. Nghe tin về lớp học này, nhiều người đăng ký học, với mong muốn có thể có hướng làm kinh tế mới như đi làm cho các xưởng gò hàn ở xã, huyện, hoặc tự mình làm ở thôn.
Vốn sinh sống ở địa bàn xa xôi, địa hình bị chia cắt, ở Phìn Giàng, sản xuất nông nghiệp từ bao đời vẫn là nguồn thu nhập chính với những cây trồng truyền thống như lúa, ngô với khoảng 55 ha. Từ năm 2015 đến nay, người dân bắt đầu quan tâm và mở rộng diện tích trồng quế. Hiện cả thôn có khoảng 39 ha quế, trong đó có một số ít diện tích đã bắt đầu cho thu tỉa. Cây trồng này được kỳ vọng sẽ tạo nguồn thu ổn định cho các hộ trong thôn. Dự kiến sang năm 2023, sẽ có khoảng chục ha quế nữa được trồng mới ở Phìn Giàng.
Những đổi thay trong nhận thức và hành động, cùng khát khao vươn lên vì một cuộc sống ấm no của người dân, một nhịp sống mới ở Phìn Giàng đang được “đánh thức”.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362690-danh-thuc-phin-giang